08:05, 22/05/2014

Chương trình sàng lọc sơ sinh: Cần được tháo gỡ khó khăn

Để giảm thiểu tỷ lệ mắc dị tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số, năm 2011, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình triển khai Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Để giảm thiểu tỷ lệ mắc dị tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số, năm 2011, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) triển khai Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Tại Khánh Hòa, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Sàng lọc - Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) và các đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai Đề án. Sau hơn 3 năm thực hiện, tuy đề án đạt được nhiều kết quả, nhưng chương trình sàng lọc sơ sinh (SLSS) đang gặp một số khó khăn.


Khi vừa sinh ra, bé Mấu Thu Oanh - con chị Mấu Thị Oánh (hôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) được các y, bác sĩ lấy máu gót chân để sàng lọc phát hiện sớm dị tật theo chương trình SLSS. Sau vài tuần gửi mẫu, kết quả trả về cho thấy cháu Oanh bị thiếu men G6PD. Ngay sau đó, cán bộ y tế đã tư vấn và đề nghị gia đình chị Oánh xét nghiệm lần 2 cho bé Oanh để xác định mức độ thiếu men, từ đó có kế hoạch phòng ngừa bệnh lý tiến triển. Thế nhưng, do kinh tế khó khăn nên chị Oánh không tham gia đầy đủ các lần khám bệnh cho con.

 

Năm 2011, Chi cục đã triển khai thí điểm SLSS tại 30 xã; năm 2012, triển khai mở rộng thêm 42 xã, với chỉ tiêu tỷ lệ SLSS là 6%; năm 2013 và 2014, chương trình được triển khai rộng khắp ở 8 huyện, thị xã, thành phố với 92 xã, chỉ tiêu tỷ lệ SLSS được nâng lên 23%. Tuy nhiên, so với số 15.000 đến 16.000 trẻ sinh ra mỗi năm, số trẻ chưa được sàng lọc vẫn còn rất nhiều (trên 12.000 trẻ, chiếm khoảng 77%).

Chị Nguyễn Trần Thúy Vân - Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Khánh Sơn cho biết, năm 2013, toàn huyện triển khai SLSS được 171 mẫu, phát hiện 6 cháu thiếu men G6PD, nhưng do người dân ở miền núi còn nghèo nên gặp khó khăn trong quá trình chữa bệnh cho con, điều trị không đến nơi đến chốn. “Cuối năm 2013, Chi cục DS-KHHGĐ thực hiện lấy máu gót chân lại để sàng lọc xác định mức độ thiếu men, chúng tôi phối hợp với gia đình đưa 6 cháu đến Trung tâm Y tế huyện nhưng rất vất vả, nếu đưa xuống bệnh viện tỉnh thì chắc càng khó khăn hơn” - chị Vân cho biết.


Bác sĩ Huỳnh Thị Hiên - Quyền Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Đối với SLSS, khó khăn hiện nay là Chương trình mục tiêu dân số quốc gia cắt giảm kinh phí, trong khi chỉ tiêu không giảm, nhưng số mẫu lấy máu gót chân cấp phát bị cắt giảm rất nhiều. Số mẫu được cấp phát từ 3.000 giảm xuống còn 2.000, trong năm 2014 chỉ còn 900 mẫu. Số lượng này rất ít so với số lượng trên 15.000 trẻ sinh ra mỗi năm. Đây là một bài toán khó đòi hỏi Chi cục phải có những giải pháp tham mưu để Sở Y tế và UBND tỉnh đề ra những chính sách phù hợp, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ SLSS dễ dàng hơn.


Được biết, sau hơn 3 năm triển khai chương trình SLSS, trên địa bàn tỉnh đã có gần 3.500 trẻ được lấy máu gót chân, qua đó phát hiện 42 trường hợp thiếu men G6PD, điều này đồng nghĩa 42 trẻ này đã được cứu khỏi nguy cơ bệnh tật. So với những tổn thất về kinh tế mà bệnh này có thể gây ra cho gia đình và xã hội, đây là sự đóng góp đáng kể của chương trình. Tuy nhiên, chương trình có thể phát huy hiệu quả hơn rất cần sự quan tâm và chung tay của các cấp, ngành và người dân, trong đó, xã hội hóa dịch vụ này là một việc làm cần thiết.


L.K



 


Chương trình sàng lọc hiện nay cho phép phát hiện trẻ mắc bệnh thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh và thiếu men G6PD. Trẻ mắc bệnh sẽ phát triển bất thường, trí tuệ chậm phát triển và trở thành trẻ bị khuyết tật rất nặng. Nếu được phát hiện sớm qua sàng lọc trẻ sẽ được điều trị bằng cách bổ sung nội tiết tố Tyrôxin nhờ đó trẻ sẽ không bị bệnh và sẽ phát triển bình thường như những trẻ khác.

Thiếu men G6PD (Glucose-6-phosphatase dehydrogenase) là một bệnh di truyền về men rất phổ biến ở người. Khi trẻ bị thiếu men này sẽ dẫn đến bị thiếu máu kèm theo vàng da, vàng mắt, tổn thương não gây ra bại não, chậm phát triển tâm thần.