Những ngày này, đến tham quan Viện Hải dương học (TP. Nha Trang), du khách sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu những bằng chứng lịch sử khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Những ngày này, đến tham quan Viện Hải dương học (TP. Nha Trang), du khách sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu những bằng chứng lịch sử khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Những bằng chứng lịch sử
Bước vào Viện Hải dương học, ngay trước cửa kiểm soát vé là một khu trưng bày, với hàng chục bản đồ, hình ảnh… liên quan đến hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc là Hoàng Sa và Trường Sa. Theo những hướng dẫn viên ở đây, khu vực này không bán vé nên du khách có thể thoải mái vào tham quan và được hướng dẫn viên giới thiệu về những bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Nổi bật trong khu vực trưng bày là những bản đồ quý của cả Việt Nam và Trung Quốc từ thời xa xưa. Như bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đô của triều Minh Mạng, được làm từ năm 1834, ghi rõ “Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa là của Việt Nam”. Vào sâu bên trong khu trưng bày là hai bản đồ Việt Nam và Trung Quốc đặt cạnh nhau để so sánh. Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của Việt Nam được làm năm 1838, nơi quần đảo Hoàng Sa có ghi chữ “Paracel Seu”, phía dưới là chữ “Cát Vàng” để chỉ đó là Hoàng Sa. Còn bản đồ Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của thời nhà Thanh (Trung Quốc) được làm năm 1904 thì có ghi điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (tức Tây Sa và Nam Sa như lập luận của Trung Quốc). Bên cạnh các bản đồ là những hình ảnh sinh động về biển, đảo và cuộc sống thường nhật được chụp ở các đảo Trường Sa Lớn, đảo Song Tử Tây…
Khu tầng hầm ở Viện Hải dương học được xây dựng thành Khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Ở đây có hàng trăm mẫu sinh vật, hình ảnh, bản đồ… để giới thiệu và khẳng định với du khách trong và ngoài nước Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Khu trưng bày khá sinh động nên mỗi ngày thu hút hàng nghìn lượt khách. Bên cạnh các bể nuôi sinh vật biển là những hình ảnh, bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa được treo trang trọng dọc hai bên đường hầm. Đáng chú ý là bản đồ Biển Đông do người Hà Lan vẽ từ năm 1754 khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Những văn bản khảo sát và quản lý Hoàng Sa của triều Nguyễn hay bản đồ Trạm vị điều tra và các chuyến khảo sát của tàu De Lasessan ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ những năm 1926 đến 1930 càng chứng minh cho du khách thấy Việt Nam đã có những hoạt động liên quan đến hai quần đảo này từ thời xa xưa.
Tuyên truyền cho du khách quốc tế
Hướng dẫn viên Trịnh Thị Thu Minh giới thiệu cho du khách Nga những tư liệu lịch sử chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. |
8 giờ sáng, vừa bước chân vào Viện Hải dương học đã nghe giọng nói bằng tiếng Nga vang trên loa của hướng dẫn viên Trịnh Thị Thu Minh (Phòng Truyền thông và giáo dục môi trường của Viện Hải dương học). Chị Minh vừa chỉ tay vào bản đồ vừa giới thiệu cho đoàn khách Nga của đơn vị lữ hành Pegas những tư liệu lịch sử chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.
Chị Vlasova Natalia (du khách Nga) bày tỏ: “Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần và có nghe về tình hình Biển Đông của Việt Nam, nhưng đợt này nghe nhiều hơn từ hướng dẫn viên trong đoàn và những nhân viên người Việt của Pegas. Tôi rất tôn trọng những thành tựu khoa học của người Trung Quốc, nhưng kịch liệt phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của họ”. Ông Phan Đình Phùng, hướng dẫn viên của đơn vị lữ hành Pegas, cho biết đợt này nhân viên của công ty thường xuyên tuyên truyền, giải thích cho những du khách Nga về tình hình Biển Đông cũng như hành động gây hấn của Trung Quốc. Theo ông Phùng, đa số du khách Nga đều hiểu tình hình và bảy tỏ chia sẻ với người dân Việt Nam.
Sau đoàn khách của Pegas là đoàn tham quan của học sinh Trường THPT Hòa Đa (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Hàng chục học sinh chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên Mai Thị Huyền thuyết trình về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa bằng những bằng chứng lịch sử chắc chắn. Thầy Trương Minh Phát, giáo viên chia sẻ: “Những ngày này tôi nghe nhiều về hành động ngang ngược của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam nên rất bức xúc. Hôm nay dẫn học sinh đi, được tìm hiểu thêm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chuyến đi của chúng tôi thật bổ ích. Với tư cách là một giáo viên, đây sẽ là dịp để tôi tìm hiểu thêm và lồng ghép vào trong các bài giảng, khích lệ tinh thần yêu nước, yêu biển đảo của các thế hệ học sinh”.
Chị Thu Minh tâm sự: “Mỗi khi có khách tham quan, đặc biệt là khách nước ngoài, tôi đều cố gắng mời họ xem những tư liệu và hình ảnh về Hoàng Sa - Trường Sa đang được trưng bày, đồng thời tuyên truyền cho họ biết những bằng chứng lịch sử để khẳng định hai quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam. Tôi hy vọng những du khách này sẽ truyền tai nhau, để nhiều khách quốc tế biết và đồng lòng ủng hộ Việt Nam”.
PGS. TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, cho biết: “Ngay sau ngày thành lập vào năm 1922, Viện Hải dương học đã chú trọng khảo sát nghiên cứu ở Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có việc duy trì một trạm khảo sát định kỳ ở Hoàng Sa. Sau ngày đất nước thống nhất, hàng loạt khảo sát cũng đã được tiến hành ở quần đảo Trường Sa. Hiện nay, thư viện của Viện đang lưu giữ các tư liệu nghiên cứu nói trên và sẵn sàng cung cấp tài liệu khoa học cho các nhà nghiên cứu. Hàng loạt mẫu vật thu thập ở Hoàng Sa và Trường Sa cũng đang được bảo quản tại Bảo tàng Hải dương học”.
Nhật Thanh