08:04, 04/04/2014

Đau đáu giấc mơ thủy lợi

Gần 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp tại Cam Thành Nam đang chịu cảnh khan hiếm nước tưới.

Gần 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp tại Cam Thành Nam đang chịu cảnh khan hiếm nước tưới.


Cam Thành Nam có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Với diện tích đất canh tác gần 1.000 ha, xã có thể sản xuất được nhiều loại cây trồng mà nơi khác khó thực hiện như: kiệu, táo, dừa xiêm... Từ lâu, cây kiệu Cam Thành Nam đã nổi tiếng khắp nơi, được thương lái miền Nam chọn mua và tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Khoảng chục năm trở lại đây, xã phát triển mạnh cây táo Thái Lan và cũng gây được tiếng vang, từ đó bắt đầu hình thành những nông trại cho năng suất cao. Theo tính toán của nông dân, cây kiệu, cây táo có thể cho lợi nhuận 100 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng gần đây đã xuất hiện nhiều loại cây mới như dừa xiêm, rau đậu các loại... hứa hẹn mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.


Mặc dù vậy, nông dân trong xã vẫn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước tưới. Đến nay, vùng đất này vẫn chưa có hệ thống thủy lợi, trừ thôn Quảng Hòa có kênh nhánh, kênh chính Nam hồ Cam Ranh đi qua nên người dân phát triển lúa nước, còn hầu hết cây trồng vẫn sống nhờ nước trời. Ông Nguyễn Vĩnh - thôn Quảng Phúc cho biết, để có nước tưới cho 8 sào (1.000m2/sào) đất trồng nhiều loại cây như: kiệu, bắp, xoài... ông phải mất hơn 10 triệu đồng tiền mua máy bơm, đào giếng sâu 6-7m, kéo 200m vòi phun... Ngoài ra, còn phải tốn 6 triệu đồng để đưa điện ra đồng.

 

Không có thủy lợi người dân phải đào ao, vét giếng làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp.
Không có thủy lợi người dân phải đào ao, vét giếng làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp.


Cũng vì thiếu nước mà tiềm năng vùng đất này chưa được đánh thức. Không có nước, người dân chỉ có thể duy trì một số cây trồng chịu hạn như mía, mì, hiệu quả kinh tế thấp, lợi nhuận tối đa chỉ 20 triệu đồng/ha/năm.

 

Ông Cao Kim Bái - Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Nhà máy nước Cam Ranh quy mô lúc đầu 6.000m3/ngày đêm, hiện nay nâng lên công suất 12.000m3/ngày đêm và giai đoạn 2 đến 24.000m3/ngày đêm, vì vậy việc cân đối nhu cầu nước là rất khó khăn. Theo thiết kế, xã Cam Thành Nam có tuyến kênh thủy lợi đi qua. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi nhu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ cao thì dự án hồ thủy lợi Tà Rục khó đáp ứng, tỉnh cần xem xét tìm giải pháp phù hợp.

Theo lãnh đạo xã, trước năm 2005, khi kênh chính Nam hồ Cam Ranh chảy qua, tỉnh dự kiến sẽ làm 2 trạm bơm, xây dựng các tuyến mương nổi để cung cấp nước tưới cho toàn vùng. Nhưng sau đó, do điều chỉnh quy hoạch phát triển TP. Cam Ranh nên dự án trạm bơm bị cắt. Năm 2009, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ đầu tư xây dựng hồ Quảng Phúc, kinh phí hơn 60 tỷ đồng nhưng do suy giảm kinh tế, hiệu quả đầu tư thấp, dự án lại rơi vào im lặng. Gần đây, khi dự án hồ Tà Rục triển khai, người dân tiếp tục hy vọng về nguồn nước tưới.


Ông Phạm Xuân Thu - Bí thư Đảng ủy xã Cam Thành Nam trăn trở: Nếu thủy lợi đầy đủ, kinh tế của xã sẽ phát triển vượt bậc, nông dân sẽ giàu lên nhanh so với hiện nay bởi ở Cam Thành Nam, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng phát triển rất mạnh. Các vùng chuyên canh táo, kiệu, xoài và rau sạch đã hình thành. Còn theo ông Nguyễn Trung Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã, kênh chính Nam hồ Cam Ranh chỉ có thể tưới được cho khoảng 40ha diện tích lúa nước tại thôn Quảng Hòa, nhưng 1/2 là đất người dân xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm) đến xâm canh. Diện tích đất canh tác còn lại vẫn dựa vào nước trời.


Mong muốn có hệ thống thủy lợi là khát khao của nhiều thế hệ người dân xã Cam Thành Nam. Và chỉ khi có thủy lợi, tiềm năng vùng đất này mới được đánh thức.


V.L