Từ khi Dự án khu đô thị mới Phước Long xây dựng cơ sở hạ tầng, hơn 380 hộ dân tại tổ dân phố 2 Phước Trung, phường Phước Long, TP. Nha Trang phải sống trong cảnh ngập úng kéo dài...
Từ khi Dự án khu đô thị mới (KĐTM) Phước Long xây dựng cơ sở hạ tầng, hơn 380 hộ dân tại tổ dân phố (TDP) 2 Phước Trung, phường Phước Long, TP. Nha Trang phải sống trong cảnh ngập úng kéo dài...
Sống chung với ô nhiễm
Nhiều người dân sinh sống tại TDP 2 Phước Trung ví nơi này như một khu đầm lầy kể từ khi Dự án KĐTM Phước Long đổ nền xây dựng cơ sở hạ tầng.
Anh Bùi Văn Sơn (nhà ở hẻm 538/16 Lê Hồng Phong) cho biết, gia đình anh ở đây từ năm 2000. Trước nhà anh là một khoảng đất trống, người dân trồng rau muống, mùa mưa cũng như mùa nắng rất sạch sẽ. Nhưng từ khi Dự án KĐTM Phước Long san nền thì nhà anh phải chịu cảnh sống chung với ngập úng. Nơi người dân trồng rau muống trước nhà đã biến thành một vũng nước đen ngòm. Khi trời mưa, vũng nước này cùng lục bình tràn vào nhà. Hôm nào mưa to, nền nhà ngập gần 0,5m, đồ đạc trong nhà hư hỏng hết vì thấm nước ô nhiễm. Năm 2012, anh bỏ ra 30 triệu đồng tự nâng cốt nền nhà lên cao 30cm. Năm 2013, nhà anh tiếp tục nâng cốt nền sân trước. “Hiện nay, sân nhà đã cao hơn một chút nhưng không chắc mùa mưa sẽ hết ngập. Con đường phía trước nhà mỗi khi trời mưa ngập sâu hơn đầu gối, đưa con đi học rất vất vả” - anh Sơn nói.
Ông Nguyễn Đức Học (ở nhà 538/14) cũng cho biết: “Ở đây mỗi khi mưa to, người thì dùng máy bơm để bơm nước từ trong nhà ra; người lo khuân đồ đạc chất lên bếp, gác xép. Riêng tủ lạnh, máy giặt không biết để đâu thì đành nhìn nó mục hư từng ngày. Ăn ngủ tạm bợ đã đành, khổ nhất là việc đi vệ sinh vì nhà vệ sinh cũng bị ngập”.
Trời nắng nhưng lúc nào nước cũng ngấp nghé ngoài hiên nhà. |
Theo anh Nguyễn Xuân Cảnh - Tổ trưởng TDP 2 Phước Trung, sống chung với ngập úng và ô nhiễm là nỗi khổ chung của hơn 380 hộ dân thuộc địa bàn tổ. Hàng ngày, người dân phải đối diện với nước bẩn, muỗi, dịch bệnh.
Khó khắc phục
Ông Võ Đức Cường, cán bộ địa chính - xây dựng phường Phước Long cho biết: Trước đây, khu vực TDP 2 Phước Trung là vùng ruộng và đìa, sau đó các khu dân cư tự phát hình thành. Cả khu vực này thấp hơn đường Lê Hồng Phong từ 1 - 1,5m, chưa được đầu tư về hệ thống hạ tầng, chưa có hệ thống thoát nước. Nước thải sinh hoạt của người dân thoát ra ngoài theo kiểu tự chảy qua các mương, sau đó ra sông. Khi Dự án KĐTM Phước Long san nền cao khoảng 1,5m thì khu vực này (từ hẻm 452 đến hẻm 584 Lê Hồng Phong) biến thành vùng trũng thấp, “lọt thỏm” giữa 2 vùng cao hơn.
Mỗi khi trời mưa, nước, rác từ 4 phía cao hơn đổ xuống, làm ngập các con hẻm và tràn vào nhà dân. Nhiều người phải dùng xi măng, gạch xây các “bờ đê” tại bệ cửa để tát hoặc bơm nước từ trong nhà ra. Nước sinh hoạt thấm xuống lòng đất không thoát được, xì ngược lên, nên mặt đất lúc nào cũng bị trũng thành những hố, vũng nước đen ngòm.
Theo bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Chủ tịch UBND phường Phước Long, từ năm 2012 đến nay, phường đã kiến nghị và phối hợp với thành phố thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chủ đầu tư dự án phải tiến hành vớt rác, lục bình, khơi thông dòng chảy và đặt máy bơm nước chống ngập cho người dân. Tuy nhiên, việc này chỉ cải thiện được một phần vì chỉ khi nào nước ngập nhiều thì máy bơm mới hoạt động. Về lâu dài, ngoài việc vận động giữ gìn vệ sinh môi trường chung, chính quyền còn khuyến khích người dân xây nhà vệ sinh hợp chuẩn và nâng cao cốt nền nhà. Tuy nhiên, việc này cũng khó thực hiện vì chỉ những gia đình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới xin được giấy phép cải tạo nhà. Trong khi đó, phần lớn người dân đều thuộc diện khó khăn nên không có tiền để nâng cốt nền sân, nhà.
MINH THIẾT