Thành lập từ năm 2007, đến nay, Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã trở thành ngôi nhà chung của trẻ em khuyết tật, giúp các em có điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Thành lập từ năm 2007, đến nay, Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã trở thành ngôi nhà chung của trẻ em khuyết tật, giúp các em có điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Ông Lê Đình Thu - Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa cho biết: “Phần lớn trẻ em khuyết tật khi về sống ở Trung tâm có độ tuổi, mức độ tật nguyền, hoàn cảnh khác nhau, nhưng có điểm chung là rất nhút nhát và thường cáu gắt, không thích tiếp cận với người xung quanh. Các em cũng chưa biết đọc chữ, kỹ năng sống không có...”. Thế nhưng, với trách nhiệm, lòng thương yêu trẻ, cán bộ, giáo viên của Trung tâm đã luôn đoàn kết, nuôi dạy các em nên người.
Để chăm sóc, hướng dẫn trẻ khuyết tật đạt hiệu quả cao, cán bộ, giáo viên của Trung tâm luôn rèn luyện tính kiên nhẫn. Các thầy cô giáo cũng tiếp cận nhiều phương pháp giảng dạy để truyền đạt kiến thức, kỹ năng sống cho các em. Có dịp tham gia một tiết học, chúng tôi mới hiểu được sự vất vả của thầy cô giáo khi phải kiên nhẫn uốn nắn từng nét chữ cho các em khiếm thính, thiểu năng trí tuệ và dị tật bẩm sinh. Cô giáo Trần Thị Xuân Hài tâm sự: “Khó khăn nhất là việc trao đổi thông tin với các em đều phải thông qua cử chỉ (thủ ngữ). Không những thế, khả năng tiếp thu của các em rất chậm”. Do các em không được khỏe nên học một lúc đã thấy mệt. Lúc đó, các cô giáo lại phải nghĩ ra nhiều trò chơi nhằm giúp các em thoải mái, vui vẻ hơn.
Giờ học bài của trẻ em khuyết tật ở Trung tâm. |
Khi còn ở nhà, em Võ Trần Bảo Ngọc (14 tuổi, xã Ninh Phụng, Ninh Hòa - bị khiếm thính bẩm sinh) như tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài. Vào Trung tâm hơn 2 năm, Ngọc đã trở nên nhanh nhẹn hơn và biết giao tiếp với bạn bè, thầy cô bằng thủ ngữ. Đặc biệt, Ngọc còn có thể tự tay làm ra nhiều sản phẩm thủ công. “Từ khi được học tại Trung tâm, em đã có nhiều bạn bè hơn và được các thầy cô dạy học chữ, học đàn”, Ngọc chia sẻ. Thời gian tới, Ngọc sẽ được Trung tâm cho đi học nghề may phông màn, rèm cửa để chuẩn bị về với gia đình, tự lập trong cuộc sống.
Song song với việc dạy chữ, giáo dục cách ứng xử thông thường, cán bộ, giáo viên ở Trung tâm còn đảm trách việc luyện tập, phục hồi chức năng (PHCN) cho các em. Tuy nhiên, công việc này gặp không ít khó khăn bởi các em tiếp thu chậm, nhiều em có thể lực yếu nên việc luyện tập phải kéo dài nhiều năm. Thực tế này đòi hỏi các thầy cô phải giàu lòng kiên nhẫn, khéo léo dìu dắt các em PHCN trước khi về với gia đình.
Ông Lê Đình Thu cho biết, hiện nay Trung tâm đang nuôi dạy, PHCN và hướng nghiệp cho 37 trẻ em khuyết tật trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Hầu hết các em rất ngoan, lễ phép, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Hàng năm, 70% trẻ được xếp loại học tập khá giỏi, 30% loại trung bình; 100% trẻ đạt hạnh kiểm khá, tốt. Các trẻ sống ở Trung tâm khi đủ điều kiện đều được tham gia học một nghề phù hợp như: May mặc, thêu, làm hoa đất... để khi tái hòa nhập cộng đồng có thể tìm việc làm, nuôi sống bản thân. Mỗi tháng, trẻ khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp hơn 1 triệu đồng/em, trẻ khuyết tật nặng được trợ cấp 540.000 đồng/em. Ngoài ra, mỗi em còn được hỗ trợ bổ sung 5.000 đồng/buổi sáng từ nguồn vận động các tổ chức, nhà hảo tâm.
Với những việc làm được, Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa đã và đang góp phần cùng với các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt chính sách đối với người khuyết tật, góp phần mang lại niềm vui, hy vọng cho nhiều trẻ khuyết tật.
VĂN GIANG
Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Với trách nhiệm được giao, Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, là ngôi nhà thứ 2 của trẻ em khuyết tật. Thời gian tới, Trung tâm cần chú trọng công tác hướng nghiệp, liện kết dạy nghề phù hợp cho những trẻ đủ điều kiện trước khi tái hòa nhập cộng đồng; nâng cao chất lượng nuôi dạy, PHCN cho trẻ khuyết tật.
Từ năm 2007 đến nay, Trung tâm đã nuôi dạy, hướng nghiệp, PHCN cho 49 trẻ em khuyết tật tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, có 2 em đang học trung cấp chuyên nghiệp; 18 em đang học nghề may, hàn, làm hoa đất, trang điểm; 20 em đã có việc làm, thu nhập từ 1-2 triệu đồng/người/tháng; 9 em do dạng tật đặt biệt nặng nên chỉ được trang bị kỹ năng sống, giao tiếp để tự phục vụ cho bản thân hàng ngày.