Sau 2 ngày triển khai việc kiểm tra tải trọng xe trên tuyến Quốc lộ, có khoảng 50% số xe được kiểm tra vi phạm về tải trọng.
Sau 2 ngày triển khai việc kiểm tra tải trọng xe trên tuyến Quốc lộ (QL), có khoảng 50% số xe được kiểm tra vi phạm về tải trọng.
Chấp hành tốt việc kiểm tra
Sáng 23-4, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh chính thức đưa bộ cân của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (gọi tắt là Trạm cân) trên QL vào hoạt động. Bộ cân lưu động được đặt tại nút giao thông Quốc lộ 1A đoạn qua xã Diên Thạnh (Diên Khánh).
Đúng 6 giờ, các lực lượng tiến hành lắp đặt thiết bị, đến 8 giờ mọi việc hoàn thành. Các lực lượng tham gia thực hiện kiểm tra tải trọng xe bằng bộ cân lưu động phối hợp khá nhịp nhàng và đồng bộ. Trong quá trình kiểm tra, các lái xe chấp hành nghiêm hiệu lệnh dừng xe và kiểm tra. Theo ghi nhận, thời gian trung bình cho một xe tải làm thủ tục cân khoảng 20 phút, trường hợp đặc biệt có thể lâu hơn.
Do hạn chế về mặt bằng nên việc kiểm tra xe container gặp nhiều khó khăn. |
Lái xe Hồ Minh Định điều khiển xe mang biển kiểm soát 63L-9239 hướng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện mức xử phạt chở quá tải trọng rất cao. Cùng với đó, các tỉnh, thành lại đang làm gắt nên lọt ở trạm cân này thì lại dính ở trạm cân khác, do đó chúng tôi không dám vi phạm. Trước khi cho xe lăn bánh, chúng tôi đã cho xe lên cân, cân đi cân lại mấy lần. Tôi đi từ Hà Nội vào đến Khánh Hòa đã có 4 trạm yêu cầu kiểm tra tải trọng”. Kết quả kiểm tra cho thấy xe của anh Định chấp hành khá tốt về tải trọng nhưng anh lại bị lập biên bản xử lý do không có giấy phép lái xe (GPLX). Theo lý giải của anh Định, GPLX của anh đang bị lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hồ Chí Minh tạm giữ.
Còn lái xe Phạm Đình Tuấn điều khiển xe mang biển kiểm soát 49C- 03789 chở gạo theo hướng TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội cho biết: “Trước khi đi, xe đã được cân. Xe qua Trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) và không vi phạm, nhưng không hiểu sao đến đây cân lại nhưng bị vượt tải trọng 8%”. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy cân tải trọng ở Trạm cân Dầu Giây ra thì anh Tuấn không xuất trình được và phải chấp hành việc cho xe đi hạ tải. Theo quy định của Bộ GTVT, những nơi đặt trạm cân phải có địa điểm hạ tải hàng hóa vi phạm. Tuy nhiên, hiện các xe vi phạm bị xử lý đều được hạ tải ở nơi khác do lái xe tự giác thực hiện, bởi hiện nay vị trí đặt cân diện tích chưa đáp ứng được yêu cầu hạ tải.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện lực lượng chức năng mới chỉ kiểm tra được phương tiện cơ giới lưu thông theo chiều từ TP. Hồ Chí Minh đi Hà Nội. Chiều ngược lại vẫn chưa cân được tất cả các xe mà chủ yếu quan sát thấy xe nào có khả năng vi phạm mới kiểm tra. Ngoài ra, tại vị trí đặt cân chưa đáp ứng được yêu cầu mặt bằng nên việc thực hiện cân xe container cũng hạn chế và khó khăn.
Số lượng xe kiểm tra chưa nhiều
Thông tin từ Thanh tra giao thông tỉnh cho biết, trong 2 ngày ra quân lực lượng chức năng mới kiểm tra được 25 xe; trong đó có 12 xe vi phạm tải trọng từ 5 - 30%. Đây là một con số khá khiêm tốn so với thực tế hoạt động vận tải trên tuyến QL 1A. Có mặt tại vị trí kiểm tra ngày 23-4, từ 8 giờ đến 16 giờ, chúng tôi thấy có 13 phương tiện được kiểm tra nhưng chỉ có 3 phương tiện vi phạm về tải trọng.
Trong quá trình kiểm tra, lượng xe tải lưu thông trên QL 1A qua vị trí đặt cân giảm hẳn. Nhiều xe tải còn chủ động mở tung tấm bạt, cửa thùng chở hàng hóa phía cuối xe để các lực lượng làm nhiệm vụ khỏi phải kiểm tra. Theo nhận định của một số cán bộ kiểm tra tải trọng, việc chấp hành tốt tải trọng không ngoại trừ khả năng các chủ xe, lái xe đã nắm được thông tin ra quân kiểm tra của tỉnh. Mặt khác, cũng không loại trừ khả năng các chủ xe, lái xe tải đường dài “ém xe”, chỉ khởi hành khi trạm đã ngừng hoạt động… Theo quy định, Trạm cân hoạt động 24/24 giờ, nhưng do là tuần đầu tiên thực hiện nên chỉ hoạt động từ 6 giờ đến 20 giờ hàng ngày.
Ông Nguyễn Nhạc Tân - Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết: Nhìn chung, việc kiểm tra tải trọng xe diễn ra khá thuận lợi. Hiện lực lượng làm nhiệm vụ chưa thể kiểm tra 100% xe chạy qua nhưng các xe có nghi vấn chở quá tải trọng đều được kiểm tra. Việc các xe có “né” vị trí đặt cân hay không bước đầu chưa thể khẳng định. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ các tỉnh, thành khác, ngoài lực lượng kiểm tra tại chỗ, chúng tôi tăng cường lực lượng tuần tra lưu động ở hai đầu vị trí đặt cân với cự ly xa hơn nhưng không có hiện tượng các xe nối đuôi nhau dừng hai bên đường gây cản trở giao thông. Sở dĩ thời gian hoạt động của trạm chưa được như mong muốn là do các lực lượng mới làm 2 ca. Mỗi ca 9 người gồm 5 thanh tra giao thông, 2 cảnh sát giao thông, 2 cảnh sát cơ động.
Theo ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở GTVT, hiện Sở mới sử dụng bộ cân của Trạm cân để thực hiện việc kiểm tra tải trọng xe chứ chưa phải là hoạt động của Trạm cân. Ngoài kiểm tra bằng bộ cân lưu động, Sở còn trang bị cho các đội của Thanh tra Sở 8 bộ cân tay để cân trong các đường nội tỉnh nhằm hạn chế việc các lái xe né kiểm tra tải trong trên tuyến QL.
KHÁNH HÀ