06:04, 21/04/2014

Phòng, chống cháy rừng ở Khánh Sơn: Không chủ quan, lơ là

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) chưa xảy ra vụ cháy nào gây thiệt hại đến rừng. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương luôn được quan tâm.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) chưa xảy ra vụ cháy nào gây thiệt hại đến rừng. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại địa phương luôn được quan tâm.


Nguy cơ cháy cao


Hiện nay, tại xã Thành Sơn đang có hơn 90ha rừng, rẫy thuộc diện nguy cơ cháy cao, chủ yếu là rừng keo và rẫy sát rừng. Dưới các tán rừng này, thảm thực bì khô rất dễ bén lửa, khi xảy ra cháy sẽ lan tỏa rộng, gây khó khăn cho công tác chữa cháy. Trong khi đó, nhiều người chưa tuân thủ quy định về sử dụng lửa ở ven rừng, trong rừng, đặc biệt là trong mùa đốt rẫy nên dễ gây ra cháy rừng. Ông Tạ Quốc Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: “Trong mùa khô, chúng tôi đã xây dựng lịch đốt rẫy cho người dân; đồng thời hướng dẫn họ đốt rẫy vào buổi chiều muộn, trước khi đốt rẫy phải làm đường ranh cản lửa, báo cho chính quyền biết để đội PCCCR xã trực tiếp tham gia với người dân. Nếu sự cố xảy ra thì có thể dập lửa kịp thời, không để cháy lan vào rừng”.

 

Phát dọn đường ranh cản lửa tại rừng thông ở thôn Kô Lắk, xã Sơn Bình.
Phát dọn đường ranh cản lửa tại rừng thông ở thôn Kô Lắk, xã Sơn Bình.


Xã Sơn Bình có hơn 401ha rừng, rẫy tại nhiều địa điểm cũng có nguy cơ cháy cao, đặc biệt là rừng thông ở thôn Kô Lắk. Theo ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, rừng thông ở địa phương nằm cạnh đường đi. Những ngày gần đây, thời tiết khô hanh kéo dài, chỉ cần bất cẩn, một tàn thuốc lá cũng có thể thiêu rụi cả rừng thông. Vì vậy, địa phương thường xuyên cử người theo dõi chặt diễn biến rừng tại đây.


Hầu hết rừng có nguy cơ cháy cao tập trung tại những khu vực đồi dốc, xa nguồn nước, nhiều diện tích có lớp thực bì dày, chủ yếu là cỏ tranh, lau lách rất dễ bắt lửa. Từ đầu mùa khô đến nay, cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn huyện chủ yếu là cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm); nếu xảy ra cháy rừng, việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn và thiệt hại sẽ rất lớn. Vì vậy, địa phương không chủ quan, lơ là trong công tác PCCCR. Thời gian qua, bên cạnh việc kiện toàn Ban chỉ huy, thành lập các tổ, đội PCCCR; chuẩn bị phương tiện, dụng cụ sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy rừng, phát dọn đường ranh cản lửa..., huyện đã chủ động phương án PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phát tờ rơi đến từng hộ dân để nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Qua đó, hàng trăm hộ dân tại các địa phương đã ký cam kết đốt nương rẫy đúng quy định...


Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ cháy nào gây thiệt hại đến rừng; nhưng thực tế, tại các xã, thị trấn vẫn còn tình trạng một số người dân đốt nương rẫy không đúng quy định, bất cẩn khi sử dụng lửa trong rừng. Thời kỳ cao điểm của mùa khô tại Khánh Sơn còn kéo dài, vì vậy, công tác PCCCR cần được các ngành chức năng, các xã, thị trấn và đơn vị chủ rừng tiếp tục chú trọng. Ông Bùi Đức Luyến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho hay: “Trong cao điểm mùa khô, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện cập nhật liên tục cấp dự báo cháy rừng. Trên cơ sở đó, phối hợp với các ngành chức năng, địa phương, đơn vị chủ rừng để chủ động phòng cháy. Khi dự báo cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm) trở lên, chúng tôi luôn tăng cường tuần tra, canh gác, kiểm tra việc đốt nương rẫy của người dân. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị cũng sẵn sàng lực lượng, dụng cụ, phương tiện chữa cháy... để hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu xảy ra cháy rừng”.

 

Tăng cường thực hiện quy chế phối hợp

Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn có hơn 2.851ha rừng, rẫy tiếp giáp với rừng có nguy cơ cháy cao. Trong đó, Ban quản lý Rừng phòng hộ Khánh Sơn có 945,45ha; xã Thành Sơn 90,52ha; xã Sơn Lâm 184,24ha; xã Sơn Bình 401,23ha; xã Sơn Hiệp 513,41ha; xã Sơn Trung 239,99ha; thị trấn Tô Hạp 190,24ha; xã Ba Cụm Bắc 184,20ha; xã Ba Cụm Nam có 187ha.

Theo ông Bùi Đức Luyến, tuy công tác tuyên truyền về PCCCR trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng tại một số địa phương, việc tuyên truyền vẫn chưa được thực hiện thường xuyên nên ý thức PCCCR của người dân chưa cao. Một số nơi vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng đốt nương làm rẫy, đốt thực bì không đúng quy định nên dễ gây hại đến rừng, nhất là vào thời điểm khô nóng.


Trong đợt giám sát mới đây về công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, Ban Pháp chế HĐND huyện Khánh Sơn nhận định, công tác PCCCR trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên không vì thế mà có thể chủ quan, lơ là. Hiện nay, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa một số địa phương như: Sơn Hiệp, Sơn Trung, Sơn Bình vẫn chưa thường xuyên. Trong khi đó, việc tuần tra, kiểm soát tại những khu vực rừng trọng điểm, rừng dễ cháy vẫn còn hạn chế; phương tiện, dụng cụ PCCCR chưa đảm bảo được yêu cầu nhiệm vụ khi xảy ra cháy rừng...


Theo ông Lê Quý Hải - Trưởng Ban Pháp chế HĐND huyện, UBND cấp xã phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ, PCCCR và có quy chế phối hợp thường xuyên giữa các địa phương. Hạt Kiểm lâm huyện và Ban quản lý Rừng phòng hộ Khánh Sơn cần thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho kiểm lâm viên phụ trách địa bàn cũng như UBND cấp xã trong xử lý vi phạm về PCCCR; có quy chế phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ rừng tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trong PCCCR.


BÍCH LA - NHÂN TÂM