Thời gian qua, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, với điều kiện còn khó khăn, người khuyết tật luôn cần sự giúp đỡ của cộng đồng, xã hội.
Thời gian qua, người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, với điều kiện còn khó khăn, NKT luôn cần sự giúp đỡ của cộng đồng, xã hội.
Vượt lên hoàn cảnh
Bà Nguyễn Thị Hoa (46 tuổi, bị khuyết tật bẩm sinh, ở thôn 1, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) kể: “Năm hơn 2 tuổi, cơn sốt bại liệt đã khiến đôi chân của tôi teo dần, mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải dựa vào người thân. Lớn lên, tôi nghĩ mình không thể dựa mãi vào mọi người nên đã xin đi học nghề vót đũa và dệt thảm chùi chân”. Cần mẫn, chịu khó, chẳng mấy chốc bà Hoa thạo nghề, rồi bà vay vốn mua đồ nghề và nguyên vật liệu về làm. Được Câu lạc bộ NKT xã Diên Phú giúp đỡ, lo đầu ra nên sản phẩm của bà làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. “Với nghề này, mỗi tháng tôi thu nhập hơn 1,5 triệu đồng để lo cho cuộc sống”, bà Hoa cho biết.
Một buổi học của trẻ khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa. |
Cùng hoàn cảnh với bà Hoa, anh Vũ Phùng Toàn (46 tuổi, phường Phương Sài, TP. Nha Trang) bị cơn sốt bại liệt cướp đi đôi chân lành lặn năm 6 tuổi. Lớn lên, anh Toàn rơi vào tuyệt vọng khi xin việc ở đâu người ta cũng không nhận. Sau đó, anh quyết định học nghề sửa xe đạp và chọn một góc vỉa hè trên đường Thái Nguyên để mưu sinh. Cần mẫn làm việc từ 7 giờ đến 22 giờ, mỗi ngày anh Toàn kiếm được từ 100 - 150 ngàn đồng để lo cho cuộc sống của mình. “Những gì có thể làm được tôi đều cố gắng hết sức, không ỷ lại vào người khác”, anh Toàn chia sẻ.
Với nghề vót đũa tre, bà Nguyễn Thị Hoa đã tự nuôi sống bản thân. |
Ngoài ra, còn rất nhiều tấm gương NKT có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như: Chị Đinh Thị Nga (Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang), người có nhiều cố gắng trong hoạt động thể dục thể thao và đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi đấu thể thao khu vực Đông Nam Á. Anh Lê Văn Thành (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) bị mù 1 mắt và cụt 2 tay nhưng vẫn cố gắng vượt qua số phận, bán vé số nuôi 2 con ăn học. Hay anh Nguyễn Minh Phước (phường Phương Sơn, TP. Nha Trang) bị cụt 1 chân nhưng vẫn mở trại nuôi heo phát triển kinh tế gia đình...
Cần sự giúp đỡ của toàn xã hội
Từ năm 2013 đến nay, thông qua các dự án, chương trình và các nguồn vận động, cơ quan chức năng đã phẫu thuật chỉnh hình cho 59 NKT; phẫu thuật thay thủy tinh thể, vá môi hở hàm ếch cho 577 NKT; hỗ trợ dụng cụ trợ giúp cho 21 trẻ em khuyết tật và trao 409 xe lăn, 70 xe lắc cho NKT. |
Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 36.000 NKT, chiếm 3% dân số. Trong đó, chỉ có 9.528 NKT đặc biệt nặng và nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với mức từ 405.000 đến 1.080.000 đồng/tháng (tùy theo nhóm đối tượng). Bên cạnh đó, các cơ sở bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng tập trung 288 NKT không nơi nương tựa. Trong đó, có 164 trẻ em khuyết tật; 95 NKT thần kinh, tâm thần, trí tuệ; 29 NKT vận động. Ông Đinh Công Thạnh, Chủ tịch Hội NKT huyện Diên Khánh cho biết: “NKT hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận thông tin và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: vay vốn ưu đãi, cơ hội học tập, việc làm, bảo hiểm y tế... Bên cạnh đó, chế độ trợ cấp cho NKT còn nhiều bất cập, người có, người không. Để tạo điều kiện cho NKT vượt qua rào cản, vươn lên trong cuộc sống bằng chính sự cố gắng của mình, các cấp, ngành, địa phương cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tinh thần cho NKT sinh hoạt.
Theo ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng xã hội cần tạo ra môi trường lành mạnh, bình đẳng để NKT có điều kiện vươn lên. Bên cạnh đó, các ban, ngành, địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để mọi người cùng hiểu biết và thực hiện tốt Luật NKT. Trên hết, bản thân NKT cũng cần nhận thức được vai trò của mình trong xã hội để tự tin, chủ động, hòa nhập cộng đồng một cách bình đẳng...
PHÚ VINH