Tuy UBND TP. Nha Trang liên tục chỉ đạo 27 xã, phường kiểm tra, rà soát điều kiện hoạt động của các cơ sở giữ trẻ ngoài công lập trên địa bàn, kiên quyết đóng cửa các nhóm trẻ chưa được cấp phép, nhưng trên thực tế số lượng các nhóm trẻ gia đình tự phát vẫn hoạt động công khai.
Tuy UBND TP. Nha Trang liên tục chỉ đạo 27 xã, phường kiểm tra, rà soát điều kiện hoạt động của các cơ sở giữ trẻ ngoài công lập trên địa bàn, kiên quyết đóng cửa các nhóm trẻ chưa được cấp phép, nhưng trên thực tế số lượng các nhóm trẻ gia đình tự phát vẫn hoạt động công khai.
Tăng cường kiểm tra, rà soát
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Nha Trang, toàn thành phố có 57 trường mầm non (MN); trong đó, 44 trường MN công lập, 2 trường bán công, 11 trường tư thục và 112 nhóm lớp tư thục được cấp phép. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc tăng cường quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập, từ tháng 10 đến tháng 12-2013, Phòng GD-ĐT đã thành lập đoàn kiểm tra đi thực tế tại 27 xã, phường và 97 trường, lớp MN ngoài công lập đã được cấp phép. Qua báo cáo của 27 xã, phường, đoàn kiểm tra phát hiện có gần 80 nhóm, lớp MN tự phát chưa được cấp phép đang trông giữ khoảng gần 1.000 trẻ. Với các nhóm lớp không đủ điều kiện, đoàn kiểm tra đã yêu cầu địa phương tiến hành xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động. Các nhóm lớp đã đủ điều kiện thì đề nghị UBND xã, phường hướng dẫn nhằm hoàn tất các thủ tục để cấp phép theo quy định.
Ngày 6-1-2014, UBND TP. Nha Trang tiếp tục có văn bản chỉ đạo yêu cầu UBND các xã, phường phối hợp với Phòng GD-ĐT, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố kiểm tra, rà soát điều kiện hoạt động của các cơ sở giữ trẻ ngoài công lập trên địa bàn, nhất là các điểm giữ trẻ gia đình. Thế nhưng, theo báo cáo của Phòng GD-ĐT hiện vẫn còn 15/27 xã, phường có nhóm, lớp MN tự phát chưa được cấp phép. Đặc biệt, theo báo cáo của phường Vĩnh Trường trên địa bàn chỉ có 2 cơ sở MN tư thục, nhưng khi xảy ra vụ bé gái tử vong tại cơ sở giữ trẻ không phép ở phường Vĩnh Trường mới đây, UBND TP. Nha Trang mới biết trên địa bàn phường còn có hơn 10 điểm giữ trẻ không phép. Ông Nguyễn Khắc Hà - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết: “Sự việc xảy ra ở Vĩnh Trường là bài học cho việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ở cơ sở. UBND thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường phải rà soát lại, nghiêm khắc chấn chỉnh các điểm giữ trẻ trên địa bàn, đình chỉ hoạt động các cơ sở giữ trẻ không phép”. Bà Phạm Thị Châu Anh - Phó Trưởng phòng GD-ĐT cho biết thêm: “Từ khi xảy ra vụ Vĩnh Trường đến nay, đã có hơn 10 cơ sở gủi đơn xin cấp phép mở lớp giữ trẻ”.
Ngay sau khi xảy ra vụ bé gái tử vong tại cơ sở giữ trẻ không phép ở phường Vĩnh Trường, UBND TP. Nha Trang đã chỉ đạo đình chỉ hoạt động của các cơ sở giữ trẻ không phép. Riêng phường Vĩnh Trường, thống kê danh sách các cháu đang được gửi ở các cơ sở giữ trẻ không phép để bố trí cho các cháu vào học tại trường MN công lập của phường nếu gia đình các cháu có nhu cầu. Việc làm này được sự đồng tình của đông đảo phụ huynh. Thế nhưng, đó chỉ là tình thế trước mắt.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đóng cửa không khó, nhưng về lâu dài, số trẻ trên sẽ được gửi ở đâu khi mà cha mẹ hay các bậc phụ huynh không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để nộp hồ sơ học trường công. Chị Vũ Thị Loan, công nhân một công ty may tư nhân trên đường Lê Hồng Phong chia sẻ: “Chúng tôi chỉ mong có chỗ đàng hoàng để gửi con và an tâm đi làm. Muốn gửi con vào trường công nhưng không được nhận, gửi ở trường tư thục đạt chuẩn thì đồng lương không kham nổi. Nhiều gia đình khó khăn phải chọn giải pháp gửi con về quê cho ông, bà, người thân chăm sóc. Còn phần lớn đành phải gửi con ở các nhóm trẻ gia đình tự phát. Nếu đóng cửa các cơ sở này thì con chúng tôi gửi ở đâu?”.
Giải pháp?
Ông Trần Nguyên Lập - Trưởng phòng GD-ĐT TP. Nha Trang cho biết, hiện các trường MN công lập trên địa bàn mới chỉ đáp ứng gần 20% trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, 79% trẻ ở độ tuổi mẫu giáo. Chính vì vậy, thời gian qua, không thể phủ nhận các nhóm lớp trông giữ trẻ tư thục đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết nhu cầu cho người dân, giảm quá tải cho các trường công lập, đáp ứng nhu cầu trẻ đến trường. Tuy nhiên, với các cơ sở không đạt yêu cầu, chưa được cấp phép thì phải cương quyết “đóng cửa” để đảm bảo an toàn cho trẻ.
“Thời gian qua, về mặt chuyên môn, các cơ sở MN ngoài công lập được đối xử bình đẳng như các trường MN công lập. Hàng tháng, các trường, các nhóm lớp đều được tổ chức sinh hoạt chuyên môn, được dự giờ thăm lớp… để nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc trẻ”, bà Phạm Thị Châu Anh nói. Tuy nhiên, trong khi các cơ sở GDMN công lập được hưởng mọi chế độ ưu đãi của Nhà nước, thì các trường ngoài công lập phải tự mình “bươn chải” để tồn tại.
Có nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc Nhà nước đầu tư xây dựng thêm nhiều trường MN công lập thì cũng nên có một số chính sách để phát triển các cơ sở GDMN ngoài công lập như: Ưu tiên cấp hoặc cho thuê đất lâu dài, cho vay vốn tín dụng ưu đãi để xây trường; thực hiện chính sách thuế hợp lý nhằm khuyến khích các loại hình này mở rộng quy mô; phân bổ định mức kinh phí trên đầu trẻ cho các trường MN ngoài công lập được cấp phép… Ngoài ra, UBND các xã, phường không được buông lỏng quản lý, phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện sai phạm để chấn chỉnh, xử lý.
THU HIỀN