10:04, 03/04/2014

Khu tái định cư Suối Lau: Thiếu đất sản xuất

Cuộc sống của nhiều hộ dân ở khu tái định cư Suối Lau (gồm 3 thôn Suối Lau 1, Suối Lau 2 và Suối Lau 3, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) hiện đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn chưa được tháo gỡ.

Cuộc sống của nhiều hộ dân ở khu tái định cư (KTĐC) Suối Lau (gồm 3 thôn Suối Lau 1, Suối Lau 2 và Suối Lau 3, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) hiện đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn chưa được tháo gỡ.



Đến KTĐC Suối Lau, điều khiến nhiều người ngạc nhiên là hình ảnh những ngôi nhà xây gạch, che tôn tạm bợ nằm san sát nhau, nhiều nhà không có cửa, không được tô trát. Anh Cao Chiêng cho biết, gia đình anh chuyển từ khu Đá Giăng đến đây từ năm 2004, nhưng cuộc sống gặp nhiều khó khăn do nhà cách rẫy gần 30km (rẫy còn ở khu Đá Giăng). “Thường một tuần tôi mới về nhà vì rẫy quá xa. Nhà nào có xe gắn máy thì đỡ hơn, còn đa số dân ở đây đều đi bộ nên cực lắm”, anh Chiêng nói.

 


Đối diện nhà anh Chiêng là nhà chị Cao Oẳn. Căn nhà trống trải, không có cửa, trong nhà không có tài sản gì ngoài chiếc chiếu và mớ quần áo cũ. Chị Oẳn có hơn 7 sào đất trên khu Đá Giăng nhưng gần như bỏ hoang vì đường đi làm quá xa, lại không có phương tiện đi lại. “Hồi ở trên đó, tôi trồng chuối, còn chăm sóc được. Giờ về đây xa quá, chuối còi cọc, bán rẻ lắm, không muốn gùi về nữa”, chị Oẳn cho biết. Nhà chị Oẳn được xây cách đây 8 năm, mới được tô cách đây 2 năm nhưng vẫn chưa làm cửa.

 

 Nhiều căn nhà ở khu Suối Lau không có cửa.
Nhiều căn nhà ở khu Suối Lau không có cửa.


Ở KTĐC Suối Lau có rất nhiều nhà khó khăn như anh Chiêng và chị Oẳn. Không có tiền làm cửa, nhiều nhà để trống hoác, có nhà tự làm cửa bằng cách chặt cây lồ ô đan lại với nhau hoặc che bằng tôn. Cuộc sống khó khăn, lại không quen phương thức sản xuất mới nên nhà nào cũng nghèo khó, con cái nheo nhóc. Được biết, đoàn giám sát của HĐND tỉnh nhiều lần đến kiểm tra và lắng nghe ý kiến của người dân. Tuy nhiên đã nhiều năm trôi qua, khó khăn tại KTĐC này vẫn chưa được tháo gỡ.


Ông Lương Đức Huệ, Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, có hơn 400 hộ đồng bào dân tộc Raglai ở KTĐC Suối Lau được dời từ khu Đá Giăng và khu xây dựng hồ chứa nước Suối Dầu về từ năm 2001. Theo ông Huệ, khi Nhà nước xây dựng nhà theo Chương trình 134 thì không có cửa và không được tô. Tuy nhiên, vài năm sau có đoàn thanh niên tình nguyện lên làm cửa cho một số hộ dân. Mấy năm gần đây, Nhà nước cũng có chủ trương tô nhà cho các hộ dân. Nhà được tô trát ở thôn Suối Lau 1 đã kín 100%, còn thôn Suối Lau 2 và Suối Lau 3 thì đang lên kế hoạch để tô hết.


Ngày 2-4, bà Nguyễn Thị Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, chuyến khảo sát mới đây cho thấy, nguyên nhân gây khó khăn cho đồng bào dân tộc Raglai là thiếu đất sản xuất, trong khi đất rẫy ở quá xa nhà dân. Bà Thạnh cho biết, huyện đang kiến nghị bóc tách đất thuộc vùng đệm của khu vực Hòn Bà để giao cho người dân sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp vướng mắc do UBND tỉnh không đủ thẩm quyền để quyết định việc bóc tách này mà phải chờ ý kiến của cấp cao hơn vì liên quan đến Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Trước mắt, huyện Cam Lâm sẽ đầu tư khai hoang mở rộng 15ha ở khu vực Bầu Đưng để giao cho người dân sản xuất. Bên cạnh đó, hàng năm sẽ triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số quen với phương thức sản xuất mới, phát triển kinh tế gia đình... Huyện cũng thường xuyên phát gạo cứu đói để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.


NHẬT THANH