07:04, 18/04/2014

Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà: Sẽ được bảo vệ và phát triển

Bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên thiên nhiên đi đôi với phát triển du lịch sinh thái là hai trong số những mục tiêu của Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà đến năm 2020 vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt.

Bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên thiên nhiên đi đôi với phát triển du lịch sinh thái là hai trong số những mục tiêu của Quy hoạch (QH) bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hòn Bà đến năm 2020 vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt.


3 phân khu chức năng


Ông Trần Trung Thạch (Trung tâm Điều tra khảo sát thiết kế nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh - đơn vị lập QH) cho biết, các dự án đầu tư Khu BTTN Hòn Bà trước đây hầu như chưa được triển khai hoặc triển khai rất ít. Do đó, việc lập QH đến năm 2020 là cần thiết nhằm bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên thiên nhiên, phát triển rừng, bảo đảm chức năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời phát huy thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa lịch sử để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường; từng bước phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng dân cư vùng đệm...


Theo đó, Khu BTTN Hòn Bà có tổng diện tích tự nhiên gần 19.300ha, thuộc địa phận 4 huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. QH các phân khu chức năng gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; Phân khu phục hồi sinh thái; Phân khu dịch vụ - hành chính. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chiếm 50% diện tích Khu BTTN, hội tụ các đặc trưng và tính đa dạng sinh học với các loài thực vật quý hiếm như: thông lá dẹt, pơ mu, các loài cây đặc hữu...; các động vật như: chà vá chân đen, vượn đen má hung, hồng hoàng, niệc nâu... Phân khu phục hồi sinh thái có nhiệm vụ bảo vệ, tái sinh rừng, hỗ trợ cải tạo nương rẫy cho bà con, phòng, chống cháy rừng, tiến hành nghiên cứu đa dạng sinh học và phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch. Phân khu dịch vụ - hành chính là nơi xây dựng các công trình làm việc của Ban Quản lý Khu bảo tồn, nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.

 

1
Nhà của bác sĩ Yersin trên đỉnh Hòn Bà.


 

Các nhiệm vụ, chương trình đầu tư

 

Núi Hòn Bà có độ cao 1.578m so với mặt biển, được bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin đặt chân xây dựng cơ sở nghiên cứu y học, dược học từ những năm đầu thế kỷ XX. Đây là nơi có hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng, tài nguyên động thực vật quý hiếm, đồng thời có tác dụng to lớn về phòng hộ, điều tiết nguồn nước cho hồ Suối Dầu (huyện Cam Lâm) và duy trì nguồn nước cho các dòng sông: sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh), sông Tô Hạp (huyện Khánh Sơn), sông Cái (Nha Trang). Năm 2004, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Khu BTTN Hòn Bà.

Khu BTTN Hòn Bà có diện tích rừng tự nhiên lớn, nhiều loài động thực vật quý, nhiều loài đặc hữu, phong cảnh thiên nhiên đẹp gắn liền với giá trị văn hóa lịch sử, giá trị phòng hộ môi trường cao. Dựa trên thế mạnh đó, QH xác định các loại hình du lịch tại đây gồm: du lịch sinh thái khám phá thiên nhiên; nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học, thăm di tích lịch sử, nghiên cứu văn hóa cộng đồng. Những năm tới, nơi đây sẽ có thêm các điểm, tuyến du lịch như: tuyến du lịch lên đỉnh Hòn Bà; tuyến đường mòn cũ lên đỉnh Hòn Bà; tuyến dã ngoại thiên nhiên, tài nguyên lưng chừng núi; nhà thờ Yersin, khu mộ bác sĩ Yersin; điểm du lịch đỉnh Hòn Bà; tour du lịch Nha Trang - Thạch Lâm - Hòn Bà... Bên cạnh đó, vùng đệm với quy mô gồm 12 xã thuộc 4 huyện sẽ phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ tạo sản phẩm lưu niệm du lịch; cải tạo cơ sở hạ tầng, công trình nhà dân để đón khách du lịch lưu trú trong hộ gia đình. Dự báo, lượng khách du lịch đến đây sẽ tăng từ 7.000 khách/năm (giai đoạn 2014 - 2015) lên 15.000 khách/năm (giai đoạn 2016 - 2020), trong đó khách quốc tế chiếm gần một nửa.


Khu bảo tồn cũng sẽ xây dựng một số công trình phục vụ nghiên cứu khoa học. Trong đó, nhà bảo tàng là nơi sưu tầm, trưng bày các tài liệu, mẫu vật về khoa học, lịch sử liên quan đến Khu BTTN Hòn Bà và bác sĩ Yersin; trưng bày các mẫu vật về động, thực vật... Trung tâm cứu hộ và phát triển sinh vật xây dựng nhằm cứu hộ các loài động vật hoang dã, xây dựng vườn thực vật, vườn ươm... QH còn đề ra các nhiệm vụ, chương trình đầu tư đến năm 2020 khác gồm: Chương trình bảo vệ và phát triển rừng; điều tra nghiên cứu, bảo tồn, phát triển, theo dõi, giám sát, thu thập lưu trữ thông tin đa dạng sinh học; kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Quản lý Khu bảo tồn; phát triển dịch vụ môi trường rừng; từng bước nâng hạng Khu BTTN Hòn Bà thành Vườn Quốc gia... Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các chương trình hoạt động của Khu BTTN Hòn Bà đến năm 2020 hơn 94,8 tỷ đồng (trong đó, một nửa là vốn ngân sách, còn lại là vốn đầu tư từ các nguồn khác).

 
T.V