01:04, 07/04/2014

Không phải hộ nghèo, vẫn... hưởng chính sách

Hỗ trợ cho hộ nghèo là việc làm ý nghĩa, mang mục tiêu an sinh xã hội để cuộc sống của người dân no ấm hơn. Tuy nhiên, do một số địa phương chưa làm tốt khâu bình xét công khai, minh bạch dẫn đến việc hỗ trợ không đúng đối tượng, gây dư luận không tốt.

Hỗ trợ cho hộ nghèo là việc làm ý nghĩa, mang mục tiêu an sinh xã hội để cuộc sống của người dân no ấm hơn. Tuy nhiên, do một số địa phương chưa làm tốt khâu bình xét công khai, minh bạch dẫn đến việc hỗ trợ không đúng đối tượng, gây dư luận không tốt.


Từ một lá đơn mạo danh


Thời gian qua, Báo Khánh Hòa cũng như nhiều cơ quan chức năng nhận được đơn tố cáo về việc hỗ trợ bò giống trong chương trình xóa đói, giảm nghèo ở thôn Phụng Cang, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa có nhiều khuất tất. Theo đó, đầu năm 2014, thôn Phụng Cang được cấp trên hỗ trợ cho người nghèo mua 2 con bò, mỗi suất trị giá 9 triệu đồng. Đối tượng được bình xét để nhận hỗ trợ là những hộ nghèo hoặc cận nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình xét đối tượng được hỗ trợ bò giống, cán bộ thôn đã có những việc làm khuất tất, không minh bạch. Trong 2 đối tượng được bình xét ban đầu, có một hộ là họ hàng thân thích với trưởng thôn Võ Quang Chính và Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hưng. Còn hộ thứ 3 được xét chính là vị thôn phó đã có một đàn bò 6 con. Những việc làm thiếu minh bạch này khiến người dân bức xúc. Họ đề nghị cần phải làm rõ những khuất tất nhằm đem lại sự công bằng, dân chủ và để công tác xóa đói, giảm nghèo mang lại hiệu quả thiết thực.


Sau khi tiếp nhận thông tin, phóng viên đã làm việc trực tiếp với người có đơn tố cáo là ông Đỗ Ngọc Mai, song ông Mai cho rằng mình không phải là người viết đơn. Đây là lá đơn do ai đó đã mạo tên ông để gửi lên các cấp. Theo Thanh tra thị xã Ninh Hòa, cơ quan thanh tra cũng đã nhận được đơn tố cáo về những hành vi này. Song, khi xác minh thì đây là đơn mạo danh nên Thanh tra thị xã không xem xét và giải quyết.

 

Tuy không phải hộ nghèo, đã có đàn bò 6 con nhưng ông Khứ (thôn phó) vẫn được hỗ trợ mua bò.
Tuy không phải hộ nghèo, đã có đàn bò 6 con nhưng ông Khứ (thôn phó) vẫn được hỗ trợ mua bò.


Tuy đây là đơn mạo danh, nhưng những thông tin mà đơn cung cấp rõ ràng có vấn đề. Qua tìm hiểu tại địa phương, nhiều người dân cảm thấy không đồng tình với việc bình xét các hộ được hưởng chính sách hỗ trợ bò vừa qua. Một người dân thôn Phụng Cang phản ánh: “Việc xét các chính sách cũng như bình xét hộ nghèo ở đây thiếu dân chủ. Người nghèo thì không được hưởng, người hưởng lại là họ hàng thân thích với cán bộ thôn, xã. Trong 2 hộ được hỗ trợ mua bò, một hộ thì buôn bán, mới mua xe hơn 30 triệu đồng; hộ còn lại không thuộc diện nghèo, có đàn bò 6 con mà vẫn được hỗ trợ. Nhiều người dân không đồng tình nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ bị trù dập”.


Được biết, hiện thôn Phụng Cang có 11 hộ nghèo, 42 hộ cận nghèo, song không hiểu quy trình bình xét thế nào mà 11 hộ này lại không được hỗ trợ. Thậm chí, gia đình ông Võ Tấn Khứ (thôn phó, người được hỗ trợ) lại không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Gia đình ông Khứ đang có một đàn bò 8 con (tính cả con mới được hỗ trợ). Giải thích về việc được cấp bò, ông Khứ nói: “Sở dĩ không có hộ nghèo nào nhận được khoản hỗ trợ 9 triệu đồng vì mỗi con bò có giá 18 triệu đồng nên họ không đủ tiền bù vào để mua. Nhiều hộ muốn được hỗ trợ, song do thiếu tiền mua bò nên họ từ chối không nhận. Do đó, phần hỗ trợ này mới đến gia đình tôi và UBND xã cũng đồng ý”.  

 
Xung quanh vấn đề này, ông Đinh Văn Phụng - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Hưng khẳng định: “Việc bình xét, chúng tôi giao cho thôn và đã làm đúng quy trình. Đúng là ông Khứ không thuộc diện được hỗ trợ mua bò, song không ai nhận thì ông Khứ mới nhận”.   

 
Còn nhiều bất cập

 

Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh:

Hiện nay, có rất nhiều chính sách cho người nghèo nên không ai muốn thoát nghèo. Nhiều địa phương chưa thực sự chính xác trong việc lập danh sách hộ nghèo. Do đó, để công bằng và đảm bảo quyền lợi cho người nghèo, các cấp chính quyền phải làm đúng các khâu bình xét hộ nghèo. Cần phải chấn chỉnh để các chế độ dành cho người nghèo được đến tay đúng đối tượng. Trong thời gian tới, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh có thể sẽ đi khảo sát về vấn đề này. Từ đó, đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra lại các đối tượng được bình xét để có những điều chỉnh kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Ở các thôn xóm, việc điều tra, rà soát  hộ  nghèo lâu nay vẫn được người dân xem như là “bình xét”. Hộ gia đình nào được xét là hộ nghèo thì hưởng thêm nhiều quyền lợi như: miễn học phí cho con cái đi học, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn các khoản đóng góp công ích, xã bảo lãnh cho vay vốn ưu đãi để làm ăn... Chính điều này vô hình trung đã gây không ít áp lực cho nhiều cán bộ khối xóm, phường, xã, thị trấn làm công tác điều tra, rà soát. Không chỉ ở xã Ninh Hưng, nhiều địa phương khác trong thời gian vừa qua cũng đã có những tiêu cực trong việc bình xét và hưởng chính sách hộ nghèo. Cơ quan các cấp cũng đã nhận được nhiều đơn tố cáo liên quan đến vấn đề này.


Điều tra, rà soát hộ nghèo là hoạt động để Đảng, Nhà nước và tỉnh nắm bắt được tình trạng hộ nghèo, từ đó có chính sách giúp người dân thoát nghèo hiệu quả thông qua các chính sách hỗ trợ. Qua tìm hiểu được biết, vẫn còn một số địa phương bị áp lực về chỉ tiêu giảm nghèo, do đó chất lượng hộ thoát nghèo chưa thật sự vững chắc. Một số hộ nghèo dù thu nhập có vượt cao hơn tiêu chí, vẫn còn nợ nần và điều kiện sống còn khó khăn lại được “thoát nghèo”. Một số hộ khác thì luân phiên làm “hộ nghèo” hàng năm, thậm chí có nơi xuất hiện việc “chạy hộ nghèo”, hộ có kinh tế khá giả vẫn được công nhận là hộ nghèo do có quan hệ thân thích với những người có trách nhiệm chỉ đạo việc điều tra, rà soát... Vì vậy, có nơi, có lúc kết quả giảm nghèo chưa phản ánh được thực trạng hộ nghèo trên địa bàn. Trước đây, Báo Khánh Hòa từng phản ánh về trường hợp con trai của Chủ tịch xã Cam Phước Đông (Cam Ranh) tuy gia đình thuộc diện khá giả nhưng vẫn được công nhận là đối tượng hộ nghèo. Hay những khiếu nại liên quan đến việc chứng nhận hộ nghèo sai đối tượng ở một số xã, phường thuộc Nha Trang, Cam Lâm, Diên Khánh...

 
Tiêu chí xác định hộ nghèo và các chế độ kèm theo đã có quy định cụ thể, song khi triển khai vẫn còn nhiều bất cập. Kết quả đánh giá rà soát mang nặng cảm tính, vấn đề bình xét hộ nghèo chưa thực hiện đúng nguyên tắc và hoạt động giám sát nhiều lúc, nhiều nơi còn mang tính hình thức. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho người nghèo, các địa phương cần có những đánh giá thiết thực và công bằng nhằm tránh những tố cáo không đáng có như ở xã Ninh Hưng vừa qua.


Đình Lâm