Qua phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", các cấp công đoàn đã khơi dậy niềm đam mê sáng kiến cải tiến kỹ thuật của hàng nghìn công nhân, viên chức, lao động.
Qua phong trào thi đua “Lao động (LĐ) giỏi, LĐ sáng tạo”, các cấp công đoàn đã khơi dậy niềm đam mê sáng kiến cải tiến kỹ thuật của hàng nghìn công nhân (CN), viên chức (VC), LĐ. Nhiều sáng kiến đã được áp dụng vào sản xuất kinh doanh, làm lợi hàng trăm triệu đồng cho đơn vị, doanh nghiệp.
Lợi ích từ những sáng tạo
Phong trào thi đua “LĐ giỏi, LĐ sáng tạo” ở Công đoàn Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) đã thu hút đông đảo người LĐ tham gia. Từ năm 2007 đến nay, đã có hơn 500 giải pháp sáng tạo, hợp lý hóa sản xuất kinh doanh của CN được Khatoco công nhận, góp phần làm lợi gần 30 tỷ đồng cho đơn vị. Với sáng kiến “Cải tiến và hợp lý hóa dây chuyền xử lý lá” của anh Nguyễn Đức Hải - kỹ sư Nhà máy thuốc lá Khatoco đã góp phần làm lợi cho đơn vị hơn 170 triệu đồng/năm. Ưu điểm của cải tiến là góp phần tiết kiệm nguyên liệu dầu và hạn chế tối đa lượng cám bụi thoát ra ngoài gây ô nhiễm môi trường; giảm công sức LĐ cho CN. Với sáng kiến này, anh Hải đã được lãnh đạo Nhà máy thưởng nóng 7 triệu đồng và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng sáng tạo. Anh Hải cho biết: “Trong quá trình làm việc, chúng tôi luôn được lãnh đạo tạo điều kiện để nghiên cứu, sáng tạo. Chính vì vậy, 7 năm làm việc ở đây, tôi đã có 3 sáng kiến được công nhận và áp dụng vào sản xuất kinh doanh”.
Sáng kiến “Cải tiến hệ thống vận chuyển lá bằng quạt hút tới máy thái lá” của anh Nguyễn Hoàng Hà - công nhân bậc 3/4 Nhà máy Thuốc lá Khatoco đã góp phần đem lại lợi ích cho doanh nghiệp gần 200 triệu đồng/năm. Anh Hà cho biết: “Trong quá trình làm việc, tôi thấy tốn nhiều công sức và thời gian để xử lý nghẹt ống hút lá cũng như dọn vệ sinh. Từ kinh nghiệm làm việc hơn 25 năm, cùng sự tạo điều kiện của lãnh đạo và giúp đỡ của đồng nghiệp, tôi đã mạnh dạn đưa ra sáng kiến này. Khi sáng kiến thành công đưa vào sử dụng, CN đỡ vất vả hơn rất nhiều; đồng thời tiết kiệm được thời gian, chi phí nguyên liệu cho doanh nghiệp. Với sáng kiến này, tôi được lãnh đạo thưởng 7 triệu đồng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng sáng tạo”.
Người lao động chỉ phát huy được sáng kiến khi chủ doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện. |
Sáng kiến “Ghi chỉ số đồng hồ nước bằng thiết bị cầm tay” của anh Hà Ngọc Phi - nhân viên Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa đã và đang mang lại lợi ích hơn 1,1 tỷ đồng/năm cho đơn vị. Sáng kiến của anh Phi đã làm thay đổi việc ghi chép chỉ số đồng hồ nước bằng sổ sách sang ghi chép bằng thiết bị số. Qua đó làm giảm chi phí quản lý, giảm số lượng nhân viên từ 10 người xuống còn 3 người, giảm thất thoát nước. Sáng kiến này còn giúp cho việc quản lý hệ thống ghi thu khoa học, chính xác và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty. Với sáng kiến này, anh Phi đã được Công ty thưởng hơn 80 triệu đồng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng sáng tạo.
Phong trào lan tỏa sâu rộng
Những năm qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh luôn xem phong trào thi đua “LĐ giỏi, LĐ sáng tạo” là một hoạt động trọng tâm. Nhờ đó, phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, khơi dậy ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt tình, tinh thần LĐ sáng tạo của đội ngũ CN, VC, LĐ. Các đơn vị đã linh hoạt vận dụng, xây dựng nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn cụ thể. Ông Hồ Thượng Hải - Chủ tịch Công đoàn Khatoco cho biết: “Từ khi phát động phong trào, môi trường làm việc của CN được cải thiện nhiều hơn, người LĐ hăng say làm việc, gắn bó với đơn vị. Chúng tôi sẽ không ngừng triển khai mạnh mẽ phong trào và xem đó là một nhiệm vụ quan trọng dẫn đến sự thành công của đơn vị”.
Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn LĐ tỉnh cho biết: “Để phong trào lan tỏa sâu rộng đến từng CN, các cấp công đoàn cần phải tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người LĐ; đồng thời phải đổi mới tư duy, tích cực học tập và nghiên cứu, không bằng lòng với những gì đã đạt được. Nội dung thi đua phải gắn liền với mục tiêu phấn đấu tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn vệ sinh LĐ”. Bên cạnh đó, để tiếp tục thúc đẩy phong trào, cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa của công đoàn với chủ sử dụng LĐ nhằm tạo sự đồng thuận trong đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó, tạo môi trường LĐ thuận lợi để CN, VC, LĐ phát huy khả năng, trí tuệ, tâm huyết trong cải tiến, hợp lý hóa sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ sản xuất, kinh doanh...
Phong trào thi đua “LĐ giỏi, LĐ sáng tạo” đã và đang khơi dậy sự tích cực, năng động, sáng tạo của CN, VC, LĐ; tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của đơn vị, doanh nghiệp, địa phương. Để phong trào này phát triển hơn nữa, các cấp công đoàn phải luôn là chỗ dựa tin cậy, tác động mạnh mẽ để CN, VC, LĐ nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến trong quá trình làm việc.
VĂN GIANG