Từ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Khánh Hòa, nhiều phụ nữ lầm lỡ đã có cơ hội làm lại cuộc đời, hòa nhập cộng đồng…
Từ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Khánh Hòa, nhiều phụ nữ lầm lỡ đã có cơ hội làm lại cuộc đời, hòa nhập cộng đồng…
Ông Trần Quốc Thông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, kể từ khi quy định người bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính (năm 1012), không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh để giáo dục, việc quản lý đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, ngoài triển khai thí điểm việc xây dựng CLB niềm tin ở cơ sở, Chi cục còn tạo điều kiện cho vay vốn đối với những người có mong muốn hoàn lương, hòa nhập cộng đồng.
Cuối năm 2011, Câu lạc bộ (CLB) Niềm tin phường Phước Long (TP. Nha Trang) được thành lập với 5 thành viên; đến nay đã có hơn 20 thành viên tham gia sinh hoạt, trong đó 15 thành viên là những phụ nữ một thời lầm lỡ. Nhiệm vụ của CLB là tiếp cận những đối tượng bán dâm trên địa bàn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận động, thuyết phục họ tham gia sinh hoạt trong CLB. Từ đó, tư vấn, hỗ trợ khám sức khỏe, vốn vay làm ăn để giúp họ hoàn lương, hòa nhập cộng đồng. Chị N.T.T (29 tuổi, phường Phước Long) cho biết: “Nhờ tham gia sinh hoạt trong CLB, tôi đã nhận ra được những lỗi lầm của mình và mong muốn được làm lại từ đầu. CLB đã giúp đỡ về tinh thần, vật chất để tôi tìm được công việc chân chính và xây dựng hạnh phúc gia đình”. Với sự giúp đỡ của CLB, chị T. đã mở một quầy bán rau ở chợ Phước Thái, mỗi ngày thu nhập hơn 200.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Nghiệp - Chủ nhiệm CLB Niềm tin phường Phước Long cho biết, tiếp cận được với những đối tượng bán dâm không phải dễ, bởi họ không muốn tiếp xúc với mọi người xung quanh. Thế nhưng, bằng kỹ năng cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, CLB đã từng bước đổi mới nội dung sinh hoạt, tạo niềm tin và nâng cao hiểu biết, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng.
Hiện nay, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh đã xây dựng thí điểm 4 CLB niềm tin ở các xã, phường: Phước Long, Vĩnh Hòa (TP. Nha Trang), thị trấn Diên Khánh và xã Diên Toàn (huyện Diên Khánh). Mỗi CLB có hơn 20 thành viên sinh hoạt. Riêng CLB Sóng Biển nhận được chính sách hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, nhưng có sự quản lý của Chi cục. |
CLB Sóng Biển (100/16D, Trần Phú, TP. Nha Trang) cũng hoạt động khá hiệu quả. Tuy chỉ có 5 thành viên sinh hoạt thường xuyên, nhưng trung bình mỗi năm, CLB tiếp cận tư vấn sức khỏe, chuyển đổi hành vi cho hơn 500 người bán dâm. Bà Phạm Thị Thanh Mai - Chủ nhiệm CLB Sóng Biển cho biết, CLB đã phân địa bàn cho từng thành viên theo dõi, tiếp cận các đối tượng bán dâm và chủ chứa để tư vấn sức khỏe, tuyên truyền, vận động, giúp họ từ bỏ lầm lỡ, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống…
Đầu năm 2010, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh triển khai chính sách tư vấn, cho vay vốn tạo việc làm bền vững theo Nghị quyết 25 của HĐND tỉnh. Qua đó, đã có nhiều phụ nữ lầm lỡ được hỗ trợ vốn vay để lập nghiệp. Chẳng hạn như trường hợp chị N.T.N.T (phường Vạn Thắng. TP. Nha Trang). Sau khi ở cơ sở chữa bệnh trở về, do gặp khó khăn trong cuộc sống, chị quay lại con đường cũ để kiếm sống qua ngày. Được sự giúp đỡ của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, chị T. được vay 15 triệu đồng để buôn bán nhỏ. Quyết tâm không trở lại con đường cũ, chị T. khởi nghiệp bằng nghề bán trái cây ở chợ Đầm, mỗi ngày kiếm lời từ 150.000 -200.000 đồng. Nhờ đó, cuộc sống của 2 mẹ con chị ổn định hơn. Chị T. cho biết: “Trở về cộng đồng, tôi luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ của bà con lối xóm và chính quyền địa phương. Những tình cảm ấy đã tiếp thêm cho tôi sức sống, cố gắng làm việc để trở thành một công dân tốt …”.
Được biết, đã có 15 phụ nữ hoàn lương được vay vốn để tự tạo việc làm chân chính. Ông Trần Quốc Thông cho biết, việc Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh triển khai xây dựng thí điểm CLB niềm tin và hỗ trợ những phụ nữ lầm lỡ vay vốn làm ăn, hòa nhập cộng đồng đã và đang đem lại kết quả bước đầu. Tuy vậy, số lượng người được giúp đỡ còn khá khiêm tốn. Mặt khác, phần lớn những người này đều không có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ổn định nên gây khó khăn cho việc quản lý, xét duyệt hỗ trợ…
Thiết nghĩ, các cấp, ngành, địa phương cần nghiên cứu nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, tạo điều kiện để người lầm lỡ được hoàn lương.
VĂN GIANG