11:04, 07/04/2014

Hồ chứa nước Tà Lua: Người dân mong từng ngày

Người dân trong vùng Dự án hồ chứa nước Tà Lua (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) rất mong dự án sớm triển khai để họ an tâm sản xuất, không còn phụ thuộc vào nước trời.

Người dân trong vùng Dự án hồ chứa nước Tà Lua (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) rất mong dự án sớm triển khai để họ an tâm sản xuất, không còn phụ thuộc vào nước trời.


Đề xuất biện pháp tưới phun

 

Ông Huỳnh Hòa - Giám đốc Ban Quản lý các công trình giao thông thủy lợi: Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi Khánh Hòa - đơn vị tư vấn thiết kế HCN Tà Lua đang tiến hành điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan (hạng mục, khối lượng, tổng mức đầu tư…) theo chỉ đạo của UBND tỉnh để trình tỉnh phê duyệt vào cuối tháng 4-2014.

Ban quản lý Các công trình giao thông - thủy lợi cho biết, Dự án hồ chứa nước Tà Lua được lập vào tháng 6-2009, do UBND huyện Cam Lâm làm chủ đầu tư. Do khó khăn về chuyên môn, tỉnh đã giao lại cho Ban quản lý Các công trình giao thông - thủy lợi thực hiện. Mục tiêu ban đầu của Dự án là cung cấp nước cho 160ha đất sản xuất mía, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 12.000 người dân 2 xã Cam An Bắc và Cam Hiệp Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Đến nay, huyện Cam Lâm đã hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng lòng hồ, cụm công trình đầu mối và các bãi vật liệu. Tuy nhiên, dự án gặp một số khó khăn do thay đổi khối lượng, một số hạng mục còn thiếu... so với hồ sơ được duyệt. Mặt khác, do Nhà nước thay đổi quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm về công trình thủy lợi nên dự án được điều chỉnh lại cho phù hợp. Theo yêu cầu của quy chuẩn mới đòi hỏi có lượng nước rất lớn, trong khi đó, nguồn nước hồ có hạn...


Với những yêu cầu trên và qua khảo sát mạch nước ngầm mới đây, Dự án đã điều chỉnh mục tiêu chỉ còn cấp nước môi trường hạ du và phục vụ khu tưới sản xuất mía diện tích 160ha tại 2 xã Cam An Bắc và Cam Hiệp Nam. Vì thế, đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án tưới phun, tưới tiết kiệm nước. Theo phương án này, nước từ hồ chứa sẽ được dẫn về khu tưới bằng 2 kênh chính, phân phối nước bởi 8 kênh nhánh cấp 1, bố trí trung bình từ 28 đến 56m có một hố tập trung nước, tại đây sẽ đặt máy bơm, kéo đường ống và vòi phun tưới cho cây trồng. Dự kiến, người dân sẽ đầu tư hệ thống tưới phun. Theo khảo sát, bộ thiết bị này có giá khoảng 7 triệu đồng (gồm: 1 động cơ diesel, 1 máy bơm sử dụng cho 2 vòi phun, 1 vòi phun, giá phun), có thể tưới diện tích 600 - 800m2/giờ. Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm băn khoăn, tưới theo phương pháp mới chưa có tiền lệ, người dân đầu tư giàn phun sẽ gặp nhiều khó khăn.  

 

Vùng mía nguyên liệu sẽ được cung cấp nước bằng phương pháp tưới phun.
Vùng mía nguyên liệu sẽ được cung cấp nước bằng phương pháp tưới phun.


Mong sớm có nước

 

Thông số cơ bản của Dự án sau khi điều chỉnh: Đập đất cao 23,3m; tràn xả lũ cao 52,4m, dài 285m; cống lấy nước lưu lượng 121 lít/giây; kênh chính Bắc dài 1.288m, kênh chính Nam dài 985m… Công trình đang điều chỉnh tổng mức đầu tư (trước đây tổng mức đầu tư xấp xỉ 52 tỷ đồng)…

Huyện Cam Lâm nói chung và khu vực 2 xã Cam An Bắc và Cam Hiệp Nam là nơi gặp khó khăn về nguồn nước. Từ lâu, khu vực này phát triển các cây trồng chịu hạn như: cây mía, cây mì. Những nơi có mạch nước, người dân đào hồ, giếng để lấy nước tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, những khi hạn hán, nguồn nước suy kiệt, cây trồng bị ảnh hưởng nặng, thiệt hại năng suất, chất lượng. Chính vì vậy, người dân vùng đất này luôn mong có nguồn nước tưới ổn định. Một người dân ở xã Cam An Bắc cho biết, từ lâu, việc trồng mía của gia đình ông vẫn dựa vào nước trời. Nghe Nhà nước làm kênh thủy lợi, ông rất mừng, thế nhưng không biết bao giờ mới triển khai. Những năm mưa thuận gió hòa, ông có thể thu hoạch với năng suất 70 tấn mía cây/ha; nhưng khi hạn hán, năng suất chỉ đạt 40 tấn/ha hoặc thấp hơn.


Ông Đỗ Minh Thạnh - Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam cho rằng: “Đơn vị tư vấn đưa ra phương án tưới phun, tưới tiết kiệm nước. Vấn đề này chưa được triển khai sâu rộng đến người dân. Điều quan trọng là khi nào người dân có nước? Chúng tôi rất mong dự án sớm được triển khai để sản xuất nông nghiệp không còn phụ thuộc vào nguồn nước trời”. Ông Đặng Ngọc Tu (thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam) nói: “Tưới phun hay tưới tràn đều được, miễn sao Nhà nước đầu tư kênh dẫn nước về, chúng tôi sẵn sàng bỏ kinh phí để mua sắm máy bơm, vòi phun tưới cho cây trồng”.


Để phát huy hiệu quả ngay sau khi xây dựng xong hồ chứa nước Tà Lua, đơn vị tư vấn đề nghị, trước tiên sẽ áp dụng mô hình tưới phun cho 62ha đất trồng mía thuộc khu chỉnh trang nội đồng kết hợp dồn điền đổi thửa tại xã Cam Hiệp Nam để người dân tham quan học tập; sau đó vận động các hộ có đất sản xuất 2 bên tuyến kênh chính (phạm vi 100m) đầu tư mua sắm thiết bị tưới phun cho diện tích đất của mình (dự kiến tưới khoảng 26ha).


P.L