09:04, 11/04/2014

Giữ chút lửa nghề

"Mình làm những công việc này để vừa có thêm thu nhập, vừa cho con cháu biết đến nghề truyền thống của ông cha" - đó là tâm sự của cụ Mấu Hồng Thái, người duy nhất vẫn đan gùi, làm nỏ theo kiểu sản xuất hàng lưu niệm ở xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa).

“Mình làm những công việc này để vừa có thêm thu nhập, vừa cho con cháu biết đến nghề truyền thống của ông cha” - đó là tâm sự của cụ Mấu Hồng Thái, người duy nhất vẫn đan gùi, làm nỏ theo kiểu sản xuất hàng lưu niệm ở xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa).


“Trong xã vẫn còn một vài cụ biết đan gùi, làm nỏ nhưng chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình. Chỉ có cụ Thái là người thường xuyên làm những mặt hàng này để bán”, ông Trần Tấn Chóng - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết.


Cụ Thái quê gốc ở huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận). Thời kháng chiến chống Mỹ, cụ đi bộ đội, theo đơn vị tham gia đánh địch ở Cam Ranh, Cam Lâm và Khánh Sơn. Sau khi chiến tranh kết thúc, cụ chọn định cư bên dòng sông Tô Hạp. Bước vào nhà cụ Thái, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là trong nhà có rất nhiều gùi và nỏ đủ kích thước, chủng loại. Cái đã làm xong thì treo trên tường ngăn nắp, cái chưa xong để dưới sàn nhà.


Vừa nhanh tay chuốt thanh gỗ để làm cánh nỏ, cụ Thái vừa kể cho chúng tôi nghe về cái duyên nghề của mình. “Thời của chúng tôi, người thanh niên Raglai đã trưởng thành phải biết đan gùi, làm nỏ, chơi Chapi. Đan gùi để đi rẫy, làm nỏ để đi săn, chơi Chapi để giải trí”, cụ Thái nói. Theo cụ Thái, đối với đồng bào Raglai trước đây, đan gùi, làm nỏ là việc bất cứ người đàn ông nào cũng phải biết, hơn nhau chỉ ở sự khéo léo, tỉ mỉ của mỗi người. Người nào khéo tay thì chuốt sợi mây đều, cái gùi đan cân xứng, đẹp mắt; cánh nỏ được cắt gọt trơn tru, các chỗ ráp giữa thân nỏ với cánh nỏ khít nhau. Nhưng để có một cái gùi sử dụng được lâu ngày, cái nỏ chắc chắn thì việc chọn nguyên liệu rất quan trọng, phải chọn những cây mây, cây lồ ô già để đan gùi, những thân cây gỗ vừa dẻo dai, vừa cứng cáp để làm cánh nỏ. “Ngày trước, rừng còn nhiều nên việc tìm nguyên liệu cũng dễ. Bây giờ, để tìm được những loại nguyên liệu như ý rất khó khăn”, cụ Thái chia sẻ.  Thoạt nhìn, kỹ thuật đan gùi, làm nỏ của người Raglai có vẻ đơn giản, nhưng để thực hiện được đòi hỏi người làm phải kiên trì, chịu khó.

 

Cụ Mấu Hồng Thái đang làm nỏ.
Cụ Mấu Hồng Thái đang làm nỏ.


Gùi và nỏ là những vật dụng trong sinh hoạt thường ngày của đồng bào Raglai, nhưng theo sự phát triển của xã hội, người Raglai bây giờ ít sử dụng. Số người biết làm những vật dụng này chủ yếu là người già, lớp trẻ hầu như không biết. “Thanh niên bây giờ không thích làm những thứ này đâu. Không biết khi lớp người già như chúng tôi không còn thì nghề cha ông truyền lại sẽ còn ai biết?”, cụ Thái băn khoăn. Với tâm ý muốn giữ nghề của cha ông, giới thiệu đến nhiều người những sản phẩm thủ công độc đáo và cũng để kiếm thêm nguồn thu cho gia đình, từ nhiều năm nay, cụ Thái vẫn âm thầm làm ra những chiếc gùi, cây nỏ. Ban đầu ai thích thì cụ tặng, sau thấy có nhiều người muốn mua về để làm kỷ niệm, treo trang trí trong nhà nên cụ bán. Thỉnh thoảng, các cơ quan, trường học đặt cụ làm gùi, nỏ để làm đạo cụ cho các tiết mục văn nghệ khiến cụ rất vui. Giờ đây, việc lấy lồ ô, cây rừng về làm tuy có khó khăn hơn, nhưng cụ Thái vẫn kiên trì với công việc của mình. Từ việc làm gùi, làm nỏ, mỗi tháng cụ Thái có thu nhập khoảng 3 triệu đồng, nhưng điều có ý nghĩa hơn là cụ được làm đúng việc mà mình yêu thích. Cụ Thái còn nghĩ ra cách làm thành từng bộ gùi 5 chiếc, 3 chiếc, những chiếc nỏ có kích thước khác nhau. Gần đây, cụ còn làm thêm những chiếc đàn Chapi nhằm đa dạng sản phẩm và cũng là để đáp ứng nhu cầu của khách.


Việc làm của cụ Thái có thể là hướng đi mới trong việc sản xuất các sản phẩm lưu niệm của địa phương. Ông Trần Tấn Chóng cho biết, xã rất ủng hộ việc làm của cụ Thái. Địa phương cũng đang tìm các địa chỉ tiêu thụ sản phẩm này nhiều hơn, để từ đó tiến đến việc mở các lớp dạy nghề cho thanh niên. Nếu điều đó trở thành hiện thực, biết đâu những chiếc gùi, cây nỏ của đồng bào Raglai sẽ trở thành những sản phẩm văn hóa hữu ích, mang lại nguồn thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân.


NHÂN TÂM