10:04, 04/04/2014

Gập ghềnh đường về

Khi ngẫm ra giá trị của cuộc sống lương thiện, họ đã quyết tâm làm lại. Nhưng con đường hoàn lương của họ khá chênh vênh...

Khi ngẫm ra giá trị của cuộc sống lương thiện, họ đã quyết tâm làm lại. Nhưng con đường hoàn lương của họ khá chênh vênh...  


Chật vật hoàn lương


Đang loay hoay sửa chiếc Cub 81 giữa trưa nắng gắt, thấy có người tìm, anh Nguyễn Ngọc Phúc (sinh năm 1972, trú tổ 14 thôn Ngọc Hội, Vĩnh Ngọc, Nha Trang) chỉ chiếc xe, vui vẻ nói: “Tui được cậu em cho xe này. Nó cũ lắm rồi nên thường hỏng đột ngột. Lúc khách hàng cần tới gấp, nó lại trở chứng”. Nhìn Phúc, thật khó tin anh từng là phạm nhân chịu án nặng. Ngày 1-8-1996, Phúc lãnh án 20 năm tù về 5 tội: Trộm cắp, cướp giật, cướp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Vào tù, Phúc mới hiểu ra và quyết tâm cải tạo. Anh được giảm án 8 lần, về trước thời hạn 3 năm 3 tháng (vào ngày 1-5-2013).

 

Anh Phúc mong có chiếc xe máy đàng hoàng hơn chiếc xe này.
Anh Phúc mong có chiếc xe máy đàng hoàng hơn chiếc xe này.


Ông Đỗ Văn Hồng - Trưởng thôn Ngọc Hội và ông Nguyễn Tấn Quyên - Trưởng Công an xã Vĩnh Ngọc đều đánh giá tốt việc chấp hành pháp luật của anh Phúc. Tuy nhiên, “đường về” của anh không đơn giản. Căn nhà nhỏ khoảng 25m2 bám theo sườn núi hiện là nơi cư ngụ của người cha hơn 70 tuổi, người anh trai thần kinh bất ổn và vợ chồng anh Phúc. Với người vợ làm nghề dọn nhà thuê, chồng kéo ba gác thuê, thu nhập của họ ngày được 100.000 đồng, có ngày “nằm co”, nên họ chẳng dám mơ một phòng thuê riêng. Chiếc ba gác cũng là của người em trai Nguyễn Ngọc Phước cho anh dùng chung. Anh Phúc cho biết, cha và anh trai thuộc đối tượng hộ cận nghèo, còn anh, tuy đã nhập hộ khẩu về nhà nhưng lại chưa được xem xét thuộc diện này nên chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Việc kéo ba gác thuê nhờ xe của em cũng không phải cách lâu dài. Anh mong được vay ít tiền để mua chiếc ba gác và chiếc xe máy tử tế chạy việc. Nhưng giờ anh vẫn chịu quản chế 5 năm, tháng nào cũng phải trình diện chính quyền nên chẳng dám đi làm ăn xa. Nghề bóc vỏ hạt điều, làm song mây học hồi trong trại chưa biết dùng vào đâu. Dù vậy, anh vẫn kiên quyết phục thiện...


Long đong đổi phận bán rong


Căn nhà 12m2 nằm cuối con hẻm quanh co là nơi trú ngụ của vợ chồng chị N.T.N.T (sinh năm 1971, trú Vạn Thạnh, Nha Trang) và cô con gái học lớp 5. Chồng chị vừa từ TP. Hồ Chí Minh về, mới mở hàng chiên cá dạo nên thu nhập gia đình vẫn trông cả vào gánh trái cây trên đôi vai chị T. 3-4 giờ sáng dậy ra chợ đầu mối mua hàng, rồi rong ruổi gánh trái cây đi khắp phố bán.


Chị T. bảo, ngày đắt hàng nhất được khoảng 150.000 - 200.000 đồng, ngày lỗ nặng tới 700.000 đồng, nhưng ngày lỗ nhiều hơn ngày lãi. Ngày rời Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội (tháng 12-2006), chị được hỗ trợ vay 16 triệu đồng từ quỹ hoàn lương của Trung tâm. Hiện nay, chị đã “thâm” hết vốn, chưa kể còn vay tư nhân, vì thế lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Tới nay, sổ vay của chị vẫn ghi số dư nợ 17 triệu đồng. Chị đã đi dọn vệ sinh thuê cho 2 nhà, nhưng làm trọn 30 ngày trong tháng mới được 800.000 đồng.

 

1
Chị T. nhẫn nại với gánh trái cây bán rong.


Chị T. cười buồn, 7 năm dính tệ nạn mại dâm do nghèo túng, gần 8 năm hoàn lương, đời chị vẫn long đong. “Đôi lúc thấy tủi, nhưng nghĩ tới gia đình và lời hứa với các thầy ở Trung tâm, tôi lại cố…”, chị T. chia sẻ.   


Vẫn canh cánh ước mong phục thiện


Đại úy Dương Mạnh Hùng (Đội Cảnh sát thi hành án hình sự - hỗ trợ tư pháp, Công an TP. Nha Trang) - cho biết, anh đã giới thiệu anh Phúc đi trông xe ở nhà hàng lúc mới về, nhưng anh Phúc lại ngại va chạm với đối tượng xấu. Còn theo ông Nguyễn Hồng Phi - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, đến nay, chưa thấy anh Phúc nộp đơn xin hỗ trợ vay vốn hay xin giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, đối với anh, chính quyền chỉ quản lý hành chính, động viên làm ăn lương thiện và giới thiệu việc làm khi các đơn vị trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng. Hiện xã không có nguồn quỹ vay nào dành cho đối tượng như anh nên chỉ linh động giải quyết nếu anh tham gia một tổ chức hội nào đó để hội giới thiệu, bảo lãnh vay vốn.


Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Vạn Thạnh cho hay, Hội đã hỗ trợ vốn vay, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho chị T. Nhưng tới giờ, chị T. chưa trả được nợ, cũng không thu xếp học nghề được vì còn lo mưu sinh hàng ngày. Hội hiện không có nguồn quỹ, chị T. cũng không thuộc diện hộ nghèo hay cận nghèo để ưu tiên hỗ trợ trước. Vậy nên, chỉ có cách xóa một phần hoặc toàn bộ vốn vay, chị T. mới có đà vươn lên, nhưng điều này nằm ngoài tầm của Hội.


Chúng tôi nhớ tới câu nói của anh Nguyễn Xuân Bảy (Đội Cơ động phường Phước Tân), người một mình nuôi 2 con, ở nhà thuê nhưng vẫn chia sẻ mối hàng kéo ba gác thuê với anh Phúc: “Người lầm lỡ mà biết quay đầu thì cần được giúp đỡ để họ có cơ hội làm lại cuộc đời!”. Đường về dẫu gập ghềnh, khó khăn nhưng nếu đủ nghị lực, cộng với sự giúp sức của cộng đồng, xã hội, chắc chắn họ sẽ vượt lên chính mình…


NGUYỄN VŨ