Sau một thời gian yên ắng, 2 tháng trở lại đây, nhiều thương lái Trung Quốc quay trở lại một số cảng cá tại miền Trung nói chung và Khánh Hòa nói riêng để thu mua hải sản. Không ít ngư dân đã ăn phải trái đắng vì những mánh khóe kinh doanh của những thương lái này.
Sau một thời gian yên ắng, 2 tháng trở lại đây, nhiều thương lái Trung Quốc quay trở lại một số cảng cá tại miền Trung nói chung và Khánh Hòa nói riêng để thu mua hải sản. Không ít ngư dân đã ăn phải trái đắng vì những mánh khóe kinh doanh của những thương lái này.
Thao túng thị trường
Tuy không rầm rộ như những năm trước, nhưng hiện nay tại cảng cá Vĩnh Lương, TP. Nha Trang luôn có từ 5 - 6 người Trung Quốc túc trực để mua cá. Những cái tên như Lâm Tài Cường, A Ty, A Bảy - vốn rất quen với ngư dân ở cảng cá, thậm chí các thương lái này đang giành quyền chủ động thao túng thị trường tại đây. Theo ngư dân, hiện cá hố đang là mặt hàng được các thương lái Trung Quốc ưa chuộng. Anh Hoàng Quốc Lượng, một chủ tàu cá cho biết: “Trước đây, lượng cá hố của ngư dân đánh bắt đều được các chủ doanh nghiệp (DN) trong nước thu mua. Tuy nhiên, từ ngày có mặt thương lái Trung Quốc, thị trường ở cảng cá bị xáo trộn. Khi tàu cá cập bờ, thương lái Trung Quốc đến tận tàu giao dịch, giá cá hố được họ thu mua cao hơn giá DN trong nước khoảng 10.000 đồng/kg. Đối với ngư dân, bên nào mua cao thì họ bán, vì thế mà đa số cá hố cập cảng đều được thương lái Trung Quốc mua hết”.
Cảng cá Vĩnh Lương - nơi có nhiều thương lái Trung Quốc hoạt động. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 3 năm trở lại đây, mỗi năm có gần 6.000 tấn hải sản (nhiều nhất là cá hố) thông qua cảng Vĩnh Lương, trong đó có 2/3 sản lượng đã được bán cho thương lái Trung Quốc. Không chỉ cá hố, các loại hải sản cao cấp như tôm hùm, ốc hương, cá mú, cá bớp..., thậm chí các loại hải sản bình dân khác đều được các thương lái Trung Quốc thu mua. Ban đầu, để tạo niềm tin cho ngư dân, các mặt hàng hải sản đều được họ nâng giá cao hơn vài chục phần trăm so với DN trong nước. Sau một thời gian chiếm lĩnh được thị trường, những thương lái này bắt đầu thao túng giá. Điều đáng nói, hầu hết các mặt hàng hải sản được xuất qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, không chịu thuế nên họ vô tư thao túng giá. Anh Lưu Thế Anh, chủ một cơ sở thu mua tôm hùm tại Nha Trang cho biết, từ khi nghề nuôi tôm hùm phát triển cũng là lúc thương lái Trung Quốc đặt chân đến thu mua. Và không lâu sau, thị trường đã nằm trong tay của họ, bởi vậy tôm hùm có lúc giá 2,5 triệu đồng/kg, lúc giảm chỉ còn 700.000 đồng/kg là chuyện bình thường!
Những cú lừa
Không chỉ đánh bật thương lái Việt Nam trong cuộc tranh đua thu mua hải sản, thương lái Trung Quốc còn khiến nhiều người ăn phải trái đắng.
Ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa cho biết: “Mỗi năm, Khánh Hòa có khoảng 1.000 tấn tôm hùm, trong đó riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm trên 80%. Tuy nhiên, trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Khánh Hòa lại không có tôm hùm. Chính vì điều này, một khoản thuế rất lớn từ tôm hùm bị thất thu. Đã đến lúc chúng ta phải tìm con đường xuất khẩu chính ngạch, người Việt phải thực sự làm chủ được thị trường xuất khẩu hải sản nếu không muốn tiếp tục bị thua thiệt”. |
Thời gian đầu, thương lái Trung Quốc qua Việt Nam để mua hải sản thường thông qua các chủ nậu tại bản địa để gom hàng. Thế nhưng, ngay chính những người này cũng không lường được mánh khóe của thương lái Trung Quốc. Anh Nguyễn Văn Dũng, một chủ kinh doanh hải sản tại phường Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) kể: “Khoảng 2 năm trước, tôi đứng ra thu gom một số mặt hàng hải sản cho một thương lái Trung Quốc để hưởng hoa hồng. Ban đầu, họ chi hoa hồng rất thoáng nên có nhiều người tự nguyện thu gom hàng, thậm chí tranh giành nhau. Thế nhưng, khi có nhiều đầu mối thu mua thì họ lại siết giá và giảm hoa hồng. Nhiều “nậu” người Việt phải bỏ cuộc. Những “nậu” bám trụ lại thậm chí còn bị thương lái Trung Quốc nợ hàng trăm triệu đồng tiền gom hàng mà chưa biết khi nào được thanh toán”.
Cách đây không lâu, một số hộ kinh doanh mặt hàng cá bớp tại Khánh Hòa bị thiệt hại vì quá tin tưởng vào đối tác. Ban đầu, thương lái Trung Quốc đề nghị một số hộ kinh doanh tại Khánh Hòa thu gom cá bớp và chế biến thành hàng philê để nhập về Trung Quốc. Những lần giao dịch đầu diễn ra khá suôn sẻ, các hộ kinh doanh người Việt được cung ứng tiền đầy đủ để mua cá bớp theo đơn đặt hàng. Thời gian sau, phía thương lái Trung Quốc chỉ tạm ứng cho thương lái Việt Nam khoảng 30% trong tổng số tiền hàng phải mua. Khi hàng được gom và chế biến xong, thương lái Trung Quốc đột nhiên thông báo ngừng mua vì nhiều lý do, đồng thời chịu mất 30% số tiền đã đặt cọc. Hàng chục tấn cá bớp philê thành phẩm có giá trị hàng tỷ đồng không thể bán cho thị trường trong nước vì tập quán tiêu thụ. Những hộ kinh doanh này đành bán tháo số cá này cho một thương lái khác. Và người này cũng chính là một “mắt xích” của những thương lái đặt hàng trước đó.
Những chuyện trên không chỉ xảy ra ở Khánh Hòa. Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, người dân nên thận trọng trong làm ăn, nếu cứ tiếp tục buôn bán với người Trung Quốc theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, thì sẽ luôn bị dồn vào thế yếu. Bên cạnh đó, người dân cũng phải tỉnh táo với chiêu trò mua hàng giá cao của các thương lái Trung Quốc vì đây là hành vi không bình thường, vì đằng sau đó luôn có những cái bẫy đã được giăng sẵn…
Khánh Ngân