09:04, 02/04/2014

Cuộc sống người dân gặp khó

Thôn Mỹ Giang (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là địa điểm triển khai Dự án lọc hóa dầu Nam Vân Phong. Tuy nhiên từ năm 2010 đến nay, Dự án này vẫn trong tình trạng… chờ nhà đầu tư, khiến cho cuộc sống của người dân gặp khó khăn.

Thôn Mỹ Giang (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là địa điểm triển khai Dự án lọc hóa dầu Nam Vân Phong. Tuy nhiên từ năm 2010 đến nay, Dự án này vẫn trong tình trạng… chờ nhà đầu tư, khiến cho cuộc sống của người dân gặp khó khăn.


Đi cũng dở, ở chẳng xong


Đã hơn 4 năm trôi qua, Dự án lọc hóa dầu Nam Vân Phong vẫn giẫm chân tại chỗ. Người dân thôn Mỹ Giang luôn trong tình trạng thấp thỏm, phập phồng chờ dự án. Ông Lê Văn Lý (thôn Mỹ Giang) bức xúc: “Tôi nghe nói mãi nhưng chẳng thấy bồi thường di dời. Người dân không phản đối việc di dời, song nếu làm thì phải làm cho nhanh. Cứ như thế này mãi, biết bao giờ chúng tôi mới an cư, lạc nghiệp...”. Ông Lý lo lắng nhất là công việc làm ăn của mình. Xã Ninh Phước là vùng đất thích hợp cho việc trồng tỏi. 1 năm, với cách làm xen canh, tỏi và các loại hoa màu khác cho nông dân thu nhập 200 - 300 triệu đồng/ha. Nếu di dời đi nơi khác, người dân chưa biết cây tỏi phát triển ra sao và chất lượng tỏi có như nơi cũ không?


Trăn trở như ông Lý, ông Phan Thành (thôn Mỹ Giang) chia sẻ: “Hiện nay, đất trồng vẫn được canh tác, nhà cửa được phép sửa chữa nhỏ, nhưng chúng tôi vẫn không an tâm vì tương lai không đoán định được. Nơi ở mới, điều kiện sinh hoạt có thể tốt, nhưng việc làm ăn chắc chắn sẽ khó khăn hơn”.

 

Do vướng dự án, trục đường chính vào thôn Mỹ Giang vẫn chỉ là nền cát lún.
Do vướng dự án, trục đường chính vào thôn Mỹ Giang vẫn chỉ là nền cát lún.


Không chỉ đất liền mà phần đảo thôn Mỹ Giang cũng nằm trong quy hoạch của Dự án. Sau khi thị xã thông báo kiểm kê, chuẩn bị kế hoạch giải tỏa, đền bù, người dân không còn an tâm để đầu tư, chăm sóc, khiến cho các cây trồng nhanh chóng bị cỏ dại, cây rừng lấn lướt. Chị Đặng Thị Ngọc Thu - người dân có rẫy trên đảo nói: “Mấy năm trước, rẫy của tôi sum suê nào dừa, xoài, mãng cầu...; nhưng nay chỉ thấy cỏ dại, cây rừng bao phủ. Do đó thông báo giải tỏa, nên ai còn hơi sức đâu mà đầu tư”.


Không chỉ công việc làm ăn gặp khó, hạ tầng xuống cấp cũng không được đầu tư, chỉnh trang. Con đường chính đi vào thôn vẫn còn là con đường đất đầy bụi, cát lún khiến cho việc đi lại, giao thông gặp khó khăn. Ông Trần Văn Nam - Phó Trưởng thôn Mỹ Giang chia sẻ: “Xây dựng nông thôn mới, nhiều xã, nhiều thôn đã có đường sá được đầu tư khang trang; vậy mà thôn Mỹ Giang vẫn chịu cảnh đường sá ọp ẹp. Cơ sở hạ tầng không được đầu tư nên công việc làm ăn, kinh doanh của người dân trong thôn không thể phát triển, thu nhập không ổn định”.


Lãnh đạo UBND xã Ninh Phước cho biết, theo chỉ đạo của thị xã, mấy năm qua, xã đã phối hợp với các ban, ngành thị xã tuyên truyền, vận động người dân hợp tác triển khai dự án, chấp nhận di dời để thực hiện dự án công nghiệp; đồng thời tiến hành kiểm kê, lập phương án bồi thường, nhưng đến nay vẫn chưa có gì tiến triển. Bà Đỗ Thị Dù - Chủ tịch UBND xã Ninh Phước nói: “Người dân bức xúc do dự án kéo dài 3 - 4 năm khiến họ lao đao, đi cũng dở mà ở cũng chẳng xong. Dự án ngưng trệ gây khó khăn cho xã, ngay cả việc xây nhà đại đoàn kết cũng không thể triển khai...”.


Tiếp tục chờ...

 

Dự án lọc hóa dầu Nam Vân Phong dự kiến có tổng mức đầu tư 4 tỷ USD, xây dựng nhà máy lọc dầu công suất 10 triệu tấn/năm cung cấp cho thị trường nội địa. Dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất đa dạng sản phẩm trong lĩnh vực lọc, hóa dầu.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Ninh Hòa, Dự án lọc hóa dầu Nam Vân Phong có quy mô hơn 152ha (gồm cả phần đất liền và đảo Mỹ Giang), ảnh hưởng đến 1.120 hộ dân và các tổ chức. Tổng kinh phí bồi thường, giải tỏa dự kiến xấp xỉ 219 tỷ đồng. Đến nay, Dự án đã lập phương án bồi thường 12 đợt, 469 trường hợp với số tiền hơn 51 tỷ đồng, trong đó có 125 trường hợp tái định cư. Thời gian qua, thị xã liên tục có nhiều văn bản kiến nghị tỉnh về tình hình triển khai kinh phí bồi thường cho dân, song kết quả vẫn chưa tiến triển. Ông Trần Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: “Người dân bức xúc vì sau nhiều năm Dự án vẫn chưa thể triển khai việc đền bù, giải tỏa. Tỉnh cho biết, Dự án vẫn tiếp tục, đồng thời chỉ đạo thị xã đề nghị nhà đầu tư bố trí kinh phí giải tỏa...”.


Theo ông Hoàng Đình Phi - Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, Dự án lọc hóa dầu Nam Vân Phong là dự án cấp quốc gia. Bộ Công Thương đã giao trách nhiệm cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - đơn vị có đủ năng lực công nghệ, tài chính, chuyên sâu lĩnh vực này làm chủ đầu tư. Thời gian qua, Petrolimex cũng đã xúc tiến xây dựng báo cáo khả thi, tìm kiếm đối tác liên doanh. Được biết, trước đây, Petrolimex đã đàm phán với đối tác là Tập đoàn Sinopec (Trung Quốc) nhưng không thành công; hiện nay đang đàm phán với Tập đoàn Daelim (Hàn Quốc). “Tỉnh rất sốt ruột với Dự án này, đã làm việc và đề nghị với lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm đến 2 dự án lớn đang triển khai trên địa bàn thị xã là Dự án lọc hóa dầu Nam Vân Phong và Trung tâm Điện lực Vân Phong. Tuy nhiên, do kinh tế suy giảm, việc tìm kiếm đối tác cần phải thận trọng nên mất nhiều thời gian. Khi nào khởi động dự án, tỉnh sẽ có thông báo chính thức cho chính quyền địa phương và người dân thu xếp...” - ông Phi nói.


V.L