06:04, 01/04/2014

Cung - cầu lao động: Khoảng cách còn lớn

Hiện nay, khoảng cách cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn khá lớn. Đó là do trình độ, tay nghề của người lao động chưa cao, còn doanh nghiệp lại chưa đáp ứng được yêu cầu về lương cho người lao động.

Hiện nay, khoảng cách cung - cầu lao động (LĐ) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn khá lớn. Đó là do trình độ, tay nghề của người lao động (NLĐ) chưa cao, còn doanh nghiệp (DN) lại chưa đáp ứng được yêu cầu về lương cho NLĐ.


Những nghịch lý


Từ nhiều năm nay, có một nghịch lý khá rõ nét trong cung - cầu LĐ: khi nhu cầu tuyển dụng của các DN lớn thì NLĐ vẫn khó tìm được việc làm phù hợp. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 6.000 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh khác nhau. Mỗi tháng, nhu cầu tuyển dụng LĐ ở các DN từ 100 - 200 LĐ. Bên cạnh đó, các DN ngoài tỉnh đặt hàng tuyển dụng LĐ của tỉnh Khánh Hòa cũng khá lớn, bình quân mỗi tháng tuyển từ 200 - 500 LĐ. Ông Hồ Viết Tiến Sơn - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết, một thực tế đang tồn tại trong thị trường LĐ là cầu cao hơn cung. Một số lĩnh vực, ngành nghề như: điện, cơ khí, du lịch, may mặc… không thể tuyển đủ LĐ. Trong khi đó, nhiều NLĐ đã qua đào tạo những ngành nghề này lại không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của DN. Nguyên nhân là do các DN chủ yếu tìm kiếm LĐ có tay nghề và kinh nghiệm, mà nguồn LĐ ở tỉnh chủ yếu mới qua đào tạo, tay nghề chưa cao.


 Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN và nhu cầu tìm việc làm của NLĐ, hàng tháng, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đều mở 2 sàn giao dịch việc làm. Trung bình mỗi sàn có khoảng 10 DN tham gia tuyển dụng trực tiếp khoảng 200 LĐ vào làm việc ở các lĩnh vực như: Kế toán, cơ khí, nhân viên bán hàng, may mặc, du lịch… Tuy mỗi sàn giao dịch việc làm có khoảng 300 NLĐ đến tìm kiếm việc làm, nhưng khi kết thúc giao dịch, các DN chỉ tuyển được từ 20 - 60 LĐ. Ông Bùi Văn Dương - cán bộ quản lý Công ty TNHH Granite Đại Thanh cho biết: “Có lần chúng tôi tuyển 1 vị trí kế toán tổng hợp, nhưng đến khi kết thúc sàn giao dịch cũng chỉ có 2 ứng viên dự tuyển. Trong khi đó, chúng tôi vẫn chưa hài lòng 2 ứng viên này vì họ ít kinh nghiệm, trình độ tay nghề còn thấp”.    

 

1
Các trường nghề cần chú trọng đào tạo học viên có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường người lao động.


Ngoài ra, còn một nghịch lý khác trong cung - cầu LĐ, đó là mức lương của các DN đưa ra chưa đảm bảo được điều kiện sống của NLĐ nên không thu hút được họ tham gia dự tuyển. Anh Nguyễn Văn Hoàng (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa), tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí cho biết: “Tại sàn giao dịch việc làm, tôi nhận thấy mức lương các DN đưa ra chỉ từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập này không đảm bảo cho cuộc sống của chúng tôi hiện nay”.


Cần nâng cao chất lượng dạy nghề


Thực tế hiện nay, tình trạng công nhân kỹ thuật có tay nghề trên địa bàn tỉnh đang thiếu. Trong tổng số hơn 160.000 LĐ đang làm việc tại 6.000 DN, chỉ có hơn 90.000 LĐ đã qua đào tạo nghề. Tuy việc đào tạo học viên các ngành nghề mũi nhọn đã có nhiều tiến bộ, nhưng khi ra trường làm việc, học viên lại chưa thể tiếp cận, vận hành các loại thiết bị, máy móc tại DN vì nó khác với máy móc mà học viên học tại trường nghề. Ông Võ Đình Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết: “Qua các đợt tuyển dụng của Công ty, đa số NLĐ đều rất yếu về chuyên môn, kiến thức thực hành. Chúng tôi phải tổ chức đào tạo lại số LĐ đã tuyển dụng. Qua đó cho thấy, việc đào tạo học viên ở các trường nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DN”.

 

Theo ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tình trạng NLĐ không tìm được việc, DN không tuyển được LĐ, cung và cầu không gặp nhau… do nhiều nguyên nhân. NLĐ luôn muốn tìm được việc làm có điều kiện thuận lợi, thu nhập cao. Ngược lại, DN luôn tìm mọi cách để thuê LĐ với chi phí thấp nhất. Nhưng cũng có một nguyên nhân quan trọng hơn là chất lượng của nguồn LĐ hiện nay chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của DN…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 50 cơ sở dạy nghề. Phần lớn các cơ sở dạy nghề chưa chú trọng đến hướng sử dụng LĐ sau đào tạo. Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa DN và cơ sở dạy nghề chưa thống nhất, chặt chẽ để hiểu được nhu cầu của nhau. Vì thế mới có tình trạng, DN liên tục đăng thông tin tuyển dụng, các trường nghề cứ đào tạo học viên, nhưng NLĐ vẫn phải chật vật đi tìm việc…, không bên nào đáp ứng được cho bên nào.


Bên cạnh đó, DN chưa thực sự tiếp cận với cơ sở dạy nghề nên dẫn đến tình trạng DN tuyển dụng LĐ rồi phải đào tạo lại. Điều đó chứng tỏ, chất lượng đào tạo tại các cơ sở dạy nghề còn hạn chế; nội dung chương trình và giáo trình giảng dạy chưa có sự tham gia của DN, trang thiết bị dạy học thực hành tại các cơ sở dạy nghề còn lạc hậu so với máy móc của DN.


Theo bà Nguyễn Vũ Kim Nguyệt - Giám đốc Tổ chức nhân sự Công ty TNHH Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, để đáp ứng được nhu cầu của DN, các trường nghề cần chú trọng đến đào tạo LĐ chất lượng hơn là đào tạo theo số lượng; đồng thời cần năng động hơn trong việc tìm hiểu thông tin tuyển dụng ngành nghề của DN để liên kết đào tạo LĐ chuyên sâu. Có như vậy mới dần xóa bỏ được khoảng cách giữa học và hành nghề. Bên cạnh đó, các trường nghề nên chủ động liên kết với DN để ký hợp đồng tuyển sinh, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; tăng cường quan hệ với DN để có kế hoạch đào tạo theo đúng vị trí công việc tại DN; tạo điều kiện cho DN theo dõi, tham gia kiểm định, đánh giá chất lượng đầu vào và đầu ra của học viên. DN cung cấp thông tin cần thiết về nhu cầu sử dụng LĐ cho trường nghề, tạo điều kiện cho học viên thực tập tại DN…


Có thể nói, việc DN kết hợp chặt chẽ với trường nghề và cùng tham gia vào quá trình đào tạo sẽ rất tốt. Trường nghề có thể gắn với thực tế công nghệ sản xuất mới của DN, còn DN sẽ tìm những điểm mạnh, điểm yếu của quá trình đào tạo, từ đó giúp cơ sở dạy nghề điều chỉnh lại hoạt động đào tạo, giảm thời gian và tiết kiệm được chi phí cho cả đôi bên. Mặt khác, DN cần quan tâm đến điều kiện sống của NLĐ. Có như vậy, khoảng cách giữa cung - cầu LĐ mới được rút ngắn.


PHÚ VINH