12:04, 07/04/2014

Các biện pháp cưỡng chế hành chính thuế: Nhiều điểm mới

Tuy ngành Thuế không muốn áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thuế, nhưng với những trường hợp cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền thuế… thì đây là biện pháp cần thiết.

Tuy ngành Thuế không muốn áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thuế, nhưng với những trường hợp cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền thuế… thì đây là biện pháp cần thiết.


Khi nhận được quyết định bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng trong một năm, giám đốc một công ty chuyên chế biến thực phẩm ở TP. Nha Trang tỏ ra bần thần. Bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp (DN) cũng như việc luân chuyển hàng hóa. Đây cũng là nỗi niềm của nhiều đơn vị khác. Được biết, công ty này bị cưỡng chế vì không chấp hành thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp của cơ quan Thuế với hơn 100 triệu đồng.


Ông Cao Huy Thảo - Trưởng phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế Cục Thuế tỉnh cho biết, cơ quan Thuế luôn tạo điều kiện thuận lợi để người nợ thuế thanh toán thuế nhằm hạn chế số lượng phải cưỡng chế. Hàng tháng, số lượng người nợ thuế đủ điều kiện cưỡng chế hành chính để thu hồi nợ rất lớn (khoảng 300 DN). Tuy nhiên, qua phân loại nợ thuế, ngành Thuế chỉ áp dụng các biện pháp cưỡng chế từ 150 đến 200 trường hợp. Với những trường hợp cố tình lẩn tránh cơ quan Thuế, chây ỳ nợ thuế, tự ý ngừng, nghỉ kinh doanh để nợ thuế, chiếm dụng tiền thuế thì cơ quan Thuế kiên quyết thực hiện các biện pháp cưỡng chế, tạo bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

 

Đại diện cơ quan Thuế  đến cơ sở xác minh thông tin doanh nghiệp nợ thuế.
Đại diện cơ quan Thuế  đến cơ sở xác minh thông tin doanh nghiệp nợ thuế.


Thực tế, việc thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ thuế còn gặp những khó khăn như: Khi xác minh thông tin qua ngân hàng, tổ chức tín dụng, các DN biết trước nên thay đổi tài khoản, rút hết tiền. Việc nắm bắt, xác minh thông tin tại DN nợ thuế làm cơ sở cho việc cưỡng chế không kịp thời. Nhiều DN thuộc diện cưỡng chế cố tình lẩn tránh cơ quan Thuế như: gửi giấy mời không đến làm việc, gửi công văn không trả lời, xác minh tại địa chỉ kinh doanh thì vắng mặt...

 

Theo quy định, những trường hợp người nợ thuế bị cưỡng chế hành chính thuế như: Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế và thời hạn gia hạn nộp thuế. Người nộp thuế còn nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản. Người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế...

Chính vì thế, ngành Thuế đã áp dụng quy định mới về cưỡng chế hành chính thuế. Theo đó, có 6 biện pháp cưỡng chế (trước đây có 7 biện pháp). Cụ thể: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên để thu tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.


Được biết, ngành Thuế đã bỏ biện pháp cưỡng chế thu hồi mã số thuế. Mặt khác, thay vì cưỡng chế hành chính thuế bằng biện pháp đình chỉ sử dụng hóa đơn như trước thì hiện nay công khai thông tin về số, sê ri hóa đơn không còn giá trị sử dụng trên trang điện tử của ngành và toàn quốc. Trên thực tế, điều này có thể xảy ra tình huống gây bất lợi cho người mua hàng như: người bị cưỡng chế vẫn xuất hóa đơn bán hàng vì hám lợi, còn người mua không biết nên vẫn thanh toán tiền hàng. Trường hợp bị phát hiện, người mua (DN chẳng hạn) sẽ không được khấu trừ, bị xuất toán vì hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Để tránh “thiệt đơn, thiệt kép”, DN cần thường xuyên vào mạng của cơ quan Thuế xem xét trước khi quyết định giao dịch.  


Bên cạnh đó, theo quy định, trước khi thực hiện cưỡng chế, người bị cưỡng chế phải cung cấp thông tin về tài khoản mở tại ngân hàng, tài sản, các giấy tờ có giá trị. Trước đây, người bị cưỡng chế tìm mọi cách lẩn tránh nhằm kéo dài thời gian nợ thuế, chiếm dụng tiền thuế. Còn hiện nay, trong các trường hợp trên, cơ quan Thuế sẽ chủ động xác minh thông tin từ các cơ quan liên quan và ban hành quyết định cưỡng chế.


KIM THAO