11:04, 25/04/2014

Kỳ 2: Khó tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Chính phủ nhằm hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại được triển khai từ ngày 1-7-2013. Với lãi suất ưu đãi chỉ 5%/năm, gói hỗ trợ này mang lại niềm vui lớn cho các chủ đầu tư cũng như khách hàng tại các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp.

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Chính phủ nhằm hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại được triển khai từ ngày 1-7-2013. Với lãi suất ưu đãi chỉ 5%/năm, gói hỗ trợ này mang lại niềm vui lớn cho các chủ đầu tư cũng như khách hàng tại các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, đến nay ở Khánh Hòa, các chủ đầu tư và khách hàng đang gặp khó vì không tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ này.


Chủ đầu tư nản lòng


Hiện nay, Chung cư An Thịnh (khu AT, phường Vĩnh Hải) mới xây phần thô đến tầng 3 thì phải dừng lại thiếu vốn. Toàn bộ công trường im ắng và được rào kín. Ông Nguyễn Trung, Trưởng phòng Đầu tư kinh doanh Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Khánh Hòa - chủ đầu tư dự án Chung cư An Thịnh cho biết, tổng số vốn đầu tư vào công trình đã hơn 10 tỷ đồng. Do không tiếp cận được gói vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng từ các ngân hàng (NH) nên công ty đành chôn chân số tiền này tại đây.


Theo ông Trung, từ khi gói tín dụng này được công bố, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Khánh Hòa đã làm hồ sơ tiếp xúc với NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), NH Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) và NH Đầu tư và phát triển (BIDV). Trong đó tiếp xúc nhiều nhất là với Agribank chi nhánh Khánh Hòa. Bộ phận nghiệp vụ và đích thân Tổng Giám đốc của Công ty đã đến làm việc đến 5 lần nhưng vẫn không có kết quả. Toàn bộ hồ sơ gửi cho các NH gồm: hồ sơ phân tích hiệu quả kinh tế, hồ sơ về tính pháp lý của dự án, hồ sơ bản vẽ thi công, báo cáo tài chính mới nhất. “Có NH thì từ chối thẳng thừng. Có NH thì thẩm định, họp hành, rồi đặt giả thiết không bán được nhà thì xử lý thế nào, đảm bảo trả vốn cho vay như thế nào… Chúng tôi thật sự rất mệt mỏi vì đã làm đúng hết các thủ tục theo quy định nhưng vẫn không biết phải làm thế nào để tiếp cận được gói 30.000 tỷ đồng này”, ông Trung nói.

 

Chung cư An Bình đã xây dựng xong nhưng chưa bán được nhiều do khách hàng không vay được vốn ưu đãi.
Chung cư An Bình đã xây dựng xong nhưng chưa bán được nhiều do khách hàng không vay được vốn ưu đãi.


Trong khi đó, ông Nguyễn Sói, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Khánh Hòa, phân tích về vòng luẩn quẩn: “NH cứ đòi hỏi chúng tôi phải trả lời cho giả thiết của họ là nếu không bán được nhà thì sẽ như thế nào? Họ yêu cầu phải có những hợp đồng mua nhà với khách hàng để họ yên tâm. Đến nay tôi đã nhận được 131 trường hợp nộp hồ sơ mua nhà, nhưng chúng tôi không dám ký hợp đồng mua bán nhà vì chưa biết có vay được vốn để xây tiếp hay không. Trong hợp đồng mua bán nhà có nêu rõ thời hạn giao nhà, nên nếu không vay được vốn để xây nhà và giao nhà đúng hợp đồng thì kiện tụng rất mệt”.


Người thu nhập thấp ngóng đợi

 

Giải quyết thế chấp tài sản hình thành trong tương lai

Trong văn bản gửi HUD, ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, theo quy định mới về giao dịch đảm báo cấp tín dụng trong hệ thống Agribank (có hiệu lực từ ngày 1-2-2014), việc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất phải được công chứng, chứng thực và phải được đăng ký chứng thực đảm bảo. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, việc công chứng, chứng thực đối với các giao dịch đảm bảo bằng tài sản hình thành trong tương lai vẫn được thực hiện. Tuy nhiên, việc đăng ký các giao dịch đảm bảo này tại các ban ngành chức năng vẫn chưa được áp dụng. Hiện Agribank Chi nhánh Khánh Hòa đang xin ý kiến chỉ đạo của Agribank Việt Nam rồi mới có quyết định có tiếp tục cho vay tiếp hay không.

Trong khi đó, bà Võ Thúy Ninh cho biết người thu nhập thấp phải đi thuê nhà nên không có tài sản có giá trị để thế chấp, trong khi NH lại không cho thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai - tức là căn hộ mà họ đã ký hợp đồng mua nhưng chưa được sở hữu vì chưa có tiền trả. Đây là vòng luẩn quẩn chưa thể giải quyết, gây khó khăn cho cả khách hàng lẫn chủ đầu tư.

Trong khi đó, Chung cư An Bình đã hoàn thiện và đang tích cực rao bán nhưng khách hàng phải ngóng đợi vì không tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Dù trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, ngoài 30% dành cho chủ đầu tư còn 70% dành cho khách hàng mua nhà.  


Bà Võ Thúy Ninh, Phó phòng Hành chính - Kinh doanh Ban Quản lý dự án số 6 (Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD) cho biết, do Chung cư An Bình khởi công xây dựng trước khi có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nên phải đi vay NH thương mại với lãi suất 11,4%/năm. Khi rao bán, những tưởng sẽ gặp thuận lợi khi khách hàng sẽ được vay ưu đãi lãi suất 5% từ gói tín dụng, nhưng đến nay Agribank Chi nhánh Khánh Hòa đã tạm dừng giải ngân sau khi cho 14 khách hàng vay, với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Theo văn bản ngày 27-3 của HUD báo cáo UBND tỉnh, mặc dù tiếp xúc với nhiều NH nhưng chỉ có Agribank Chi nhánh Khánh Hòa chấp nhận ký hợp đồng giải ngân cho một số khách hàng vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên ngày 4-3, Agribank bất ngờ có văn bản thông báo tạm ngừng không cho người dân vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi.


Văn bản này khiến cả chủ đầu tư và khách hàng thất vọng. Anh Nguyễn Hữu Nguyên (làm việc tại Công ty vệ sĩ Hoàng Long) cho biết, đã ký hợp đồng mua nhà và đóng 20% giá trị hợp đồng (gần 100 triệu đồng). Phía Agribank cũng đã làm thủ tục, chỉ chờ lãnh đạo ký cho vay thì lại nhận được thông báo tạm ngừng cho vay. “Với giá hơn 400 triệu đồng mỗi căn và được vay 80% với lãi suất chỉ 5%, những người thu nhập thấp như tôi có thể chấp nhận được. Chúng tôi tính toán lấy tiền thuê nhà hàng tháng để trả tiền lãi và tích cóp thêm trả tiền gốc, sau 10 năm là có nhà riêng. Tuy nhiên, giờ NH không cho vay nữa nên chúng tôi không biết phải làm thế nào, vì nếu vay lãi suất thương mại thì không kham nổi”, anh Nguyên tâm sự. Trường hợp anh Đào Năng Khiếu (bộ đội) đã được Agribank ký duyệt cho vay nhưng cũng chấp nhận chờ đợi sau thông báo tạm ngừng cho vay.


Bà Ninh khẳng định, nếu khách hàng phải chờ đợi quá lâu mà NH không cho vay vốn ưu đãi trở lại thì phía HUD sẽ trả lại 20% tiền đặt cọc cho khách hàng và hủy hợp đồng mua bán nhà. Theo bà Ninh, từ khi Agribank thông báo tạm ngừng cho vay, phía HUD không bán được căn hộ nào. Trong khi đó ông Nguyễn Hoạt, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng cho rằng, nếu khách hàng tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi thì đến nay Chung cư An Bình đã bán được khoảng 50% căn hộ.


Nhật Thanh

 


Theo Báo Điện tử Chính phủ, tính đến ngày 15-4, tổng số tiền các NH đã giải ngân được 1.700 tỷ đồng từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, bằng 5,6%. Con số này được đánh giá là quá chậm, không đáp ứng được kỳ vọng của các chủ đầu tư dự án và khách hàng.


Tại Khánh Hòa, thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở, đến ngày 10-4, các chi nhánh thương mại trên địa bàn đã tiếp nhận 247 hồ sơ, giải ngân cho 234 khách hàng với dư nợ hơn 58 tỷ đồng.


Trong đó, dẫn đầu là Vietcombank Chi nhánh Nha Trang giải ngân hơn 47,5 tỷ đồng. Vietinbank Chi nhánh Khánh Hòa giải ngân hơn 1,7 tỷ đồng, BIDV Chi nhánh Khánh Hòa giải ngân hơn 3 tỷ đồng, Agribank Chi nhánh Khánh Hòa giải ngân hơn 4 tỷ đồng, Vietcombank Chi nhánh Cam Ranh giải ngân hơn 1,6 tỷ đồng. Hầu hết hồ sơ vay vốn của khách hàng mua căn hộ chính sách của khu đô thị Vĩnh Điềm Trung (Nha Trang).


Chung cư An Bình đã xây dựng xong nhưng chưa bán được nhiều do khách hàng không vay được vốn ưu đãi.

 



 

Kỳ 1: Ế ẩm vì…giá cao!