Hiện nay, thị trường xuất khẩu lao động sang các nước và vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia… đang rộng cửa đón người lao động. Đây sẽ là cơ hội việc làm với thu nhập cao, ổn định cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang các nước và vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia… đang rộng cửa đón người lao động (NLĐ). Đây sẽ là cơ hội việc làm với thu nhập cao, ổn định cho NLĐ trên địa bàn tỉnh.
Nhiều lựa chọn
Năm 2013, Đài Loan là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sang làm việc nhất, chiếm gần 50% lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2014, Đài Loan vẫn là thị trường trọng điểm của ngành XKLĐ. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiện nay, Việt Nam là một trong hai nước (cùng với Indonesia) chủ lực cung ứng lao động sang thị trường này làm việc. Mới đây, Đài Loan đã ban hành một số chính sách liên quan đến việc khuyến khích các doanh nghiệp Đài Loan tuyển dụng và tạo điều kiện cho lao động nước ngoài tới làm việc. Còn về phía Việt Nam, để giảm áp lực về chi phí XKLĐ đi Đài Loan, Bộ LĐ-TB-XH đã quy định giảm mức phí trần từ 4.500 USD năm 2013 xuống còn 4.000 USD vào năm 2014.
Đối với thị trường Nhật Bản, thời gian gần đây, các công ty, doanh nghiệp ở nước này đang “khát” lao động. Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã tiếp nhận hàng chục đơn đặt hàng tuyển dụng đi Nhật Bản dưới hình thức tu nghiệp sinh. Nhu cầu tuyển dụng lao động thuộc các ngành nghề như: Điều dưỡng, hộ lý, cơ khí, điện, điện tử, công nghệ thông tin, dệt may, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xây dựng... Những lĩnh vực này có mức lương từ 30-40 triệu đồng/tháng, hợp đồng 3 - 4 năm và có thể gia hạn sau khi hết hợp đồng. Ông Hồ Viết Tiến Sơn - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết, các đơn đặt hàng tuyển dụng sang Nhật đều đảm bảo chất lượng và uy tín. NLĐ làm việc tại Nhật được công ty đảm bảo đầy đủ về nơi ăn ở và các chế độ, chính sách.
Thị trường Malaysia cũng khá rộng cửa. Kể từ năm 2010, nhu cầu nhân lực tại Malaysia rất cao. Do đó, Chính phủ Malaysia đã đưa ra nhiều chính sách và biện pháp thu hút lao động từ các nước khác vào làm việc. Nắm bắt cơ hội đó, Chính phủ Việt Nam đã chọn thị trường Malaysia để đưa NLĐ qua làm việc. Các ngành nghề chủ yếu mà nước này cần là: điện tử, dệt may, chế biến gỗ, cơ khí... với mức thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/tháng/người. Chi phí xuất cảnh sang thị trường Malaysia chỉ khoảng 20 - 30 triệu đồng. Do là thị trường không khắt khe về trình độ tay nghề, ngoại ngữ, chi phí xuất cảnh không cao nên các ngành chức năng đã chọn Malaysia để thực hiện “Dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Bên cạnh đó, NLĐ tham gia dự án này sẽ được hỗ trợ về học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng những kiến thức cần thiết về pháp luật của nước tiếp nhận lao động. Ngoài ra, đơn vị đưa lao động đi xuất khẩu sẽ làm hồ sơ cho NLĐ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội làm kinh phí xuất cảnh...
Giải đáp thông tin xuất khẩu lao động cho người lao động tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh. |
Hành lang pháp luật chặt chẽ hơn
Bộ Luật Lao động sửa đổi đã có hiệu lực, chính vì vậy, một loạt quy định mới về XKLĐ cũng đã được ban hành. Theo đó, quy định về xử phạt hành chính, mẫu hợp đồng lao động, mức ký quỹ... đều đã được quy định cụ thể trong luật. Hành lang pháp lý mới này sẽ là cơ sở nâng cao chất lượng XKLĐ. “Việc ban hành những chuẩn mực cụ thể trong thực hiện ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài, với NLĐ sẽ hạn chế rủi ro cho cả doanh nghiệp và NLĐ. Đây chính là một trong những yếu tố góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững và di cư lao động an toàn”, ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH nhận định.
Theo các quy định mới, những doanh nghiệp tuyển dụng ở Việt Nam sẽ không còn có thể áp đặt các điều kiện trong hợp đồng mà phải tuân thủ những điều kiện tiêu chuẩn. Hợp đồng mẫu yêu cầu phải đề cập tới một công việc cụ thể, tên tuổi và địa chỉ của công ty tiếp nhận, thiết lập rõ ràng trách nhiệm của tất cả các bên và thủ tục giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ lao động di cư trong trường hợp chấm dứt hợp đồng. Với các quy định mới, doanh nghiệp tuyển dụng không thể đưa vào các điều khoản chỉ có lợi cho mình và lờ đi những điều khoản có lợi cho NLĐ, hạn chế tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước. Bên cạnh đó, với việc ban hành Nghị định 95 về vấn đề xử phạt các hành vi: Trốn ngay sau khi xuống sân bay, phá hợp đồng trong quá trình làm việc và hết hạn hợp đồng nhưng không chịu về nước (đã tăng mức xử phạt 3 - 5 triệu đồng lên 80 - 100 triệu đồng), tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ. Đây là một trong những biện pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của NLĐ trong việc thực hiện hợp đồng...
Có thể nói, năm 2014, thị trường XKLĐ sẽ có nhiều lựa chọn cho NLĐ. Hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện đã góp phần quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
V.G