Gần 30ha lúa vụ Đông - Xuân trên cánh đồng Bà Thơm (xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đang thời kỳ trổ bông. Tuy vậy người dân nơi đây lại thấp thỏm lo mất mùa vì thiếu nước cho lúa trong giai đoạn quan trọng.
Gần 30ha lúa vụ Đông - Xuân trên cánh đồng Bà Thơm (xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đang thời kỳ trổ bông. Tuy vậy người dân nơi đây lại thấp thỏm lo mất mùa vì thiếu nước cho lúa trong giai đoạn quan trọng.
Làm lúa như... làm rẫy
Sáng 18-3, có mặt trên cánh đồng Bà Thơm rộng lớn, trải dọc theo ngôi làng ven Tỉnh lộ 9, chúng tôi bắt gặp nhiều người dân đang hì hục dẫn nước về cứu lúa theo cách riêng của mình. Anh Phan Xuân Anh (thôn Thống Nhất, xã Cam Phước Đông) tạm nghỉ việc khắc phục đường ống bắc qua con mương bê tông, cho chúng tôi biết: “Từ khi đập Ông Hòa bị vỡ, nước suối không thể dâng cao đến hệ thống mương bê tông này để cấp nước cho ruộng nên chúng tôi phải tìm mọi cách để có nước sản xuất. 2ha lúa của tôi ở cánh đồng này đang trổ bông, nếu không có nước kịp thời thì mất mùa là cái chắc. Vì thế, tôi phải tự tạo đường mương riêng, rồi kéo nhờ điện và xin bơm nước ao của một nhà dân gần làng để dẫn về ruộng này”. Xung quanh khu vực trên, chúng tôi cũng thấy nhiều máy bơm nước chạy bằng dầu và bằng điện đang hoạt động, bơm nước từ những cái ao nhỏ giữa đồng hay từ những giếng khoan trên bờ ruộng để cấp nước cho những ruộng lúa đang kỳ trổ bông. “Sau khi đập Ông Hòa bị vỡ, mấy chục hộ dân có ruộng ăn nước từ hệ thống này đã nhiều lần góp công, góp tiền để khắc phục tạm nhưng chỉ được thời gian ngắn đập lại bị cuốn trôi. Vì vậy, hiện tại chúng tôi mạnh ai nấy làm, ruộng ai gần ao thì bơm nước ao, không có ao thì phải khoan giếng. Riêng nhà tôi chỉ có gần 2ha ruộng ở đây nhưng cũng phải khoan 2 cái giếng để bơm nước cho lúa. Chúng tôi làm ruộng ở đồng bằng, nhưng bây giờ phải vất vả tìm nguồn nước chẳng khác nào làm rẫy trên núi!”, ông Nguyễn Anh Tuấn (thôn Giải Phóng, xã Cam Phước Đông) nói.
Đập bị vỡ nhưng xã không báo cáo lên cấp trên. |
Đang tìm phương án khắc phục
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, con đập trên có chiều dài khoảng 10m, cao 2m (được xây dựng trước năm 1975) chắn ngang con suối dẫn nước từ đập Quyết Thắng ở phía Tây chảy về. Khi nước bị ách lại, dâng cao, sẽ theo hệ thống mương bê tông tỏa đi cung cấp cho gần 30ha lúa thuộc cánh đồng Bà Thơm. Nhưng mùa mưa lũ năm 2013, con đập này bị vỡ hoàn toàn. Kể từ đó, ngoại trừ một lần cách đây mấy tháng, UBND xã Cam Phước Đông có hỗ trợ vật liệu (đất, bao cát, lưới B40) để người dân khắc phục tạm thời; những người dân có ruộng trong khu vực đã nhiều lần bỏ công sức, mua vật liệu để gia cố đập. Nhưng lần nào cũng chỉ một thời gian ngắn, đập tạm lại bị cuốn trôi. Không muốn phí công sức và tiền bạc vào việc khắc phục đập tạm thời, những người dân có ruộng nơi đây đã chọn cách tự tìm nguồn nước cho ruộng nhà mình.
Sau thời gian dài kiến nghị chính quyền địa phương khắc phục đập Ông Hòa nhưng không hiệu quả, nhiều người dân có ruộng ở khu vực trên đã làm đơn kiến nghị lên UBND TP. Cam Ranh và cả cơ quan ngôn luận. Ngay sau khi nhận đơn của dân, UBND TP. Cam Ranh đã tổ chức kiểm tra khảo sát và nhận thấy kiến nghị của người dân hoàn toàn đúng. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết: “Đích thân tôi cùng với lực lượng của thành phố đã tiến hành kiểm tra thực tế vấn đề này. Đập Ông Hòa bị vỡ hoàn toàn trong mùa mưa lũ năm ngoái, nhưng do UBND xã Cam Phước Đông không nắm được và không thống kê, báo cáo lên thành phố nên việc sửa chữa đập không có trong kế hoạch khắc phục thiệt hại do mưa lũ năm 2013. Hiện chúng tôi đang xem xét phương án khắc phục tạm thời. Đồng thời, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát nguồn nước. Nếu nguồn nước từ đập Quyết Thắng dẫn về đập Ông Hòa vẫn dồi dào như trước, thành phố sẽ cho đầu tư xây dựng lại đập kiên cố. Nhưng nếu nguồn nước về không còn dồi dào (vì nước ở đập Quyết Thắng phụ thuộc vào nguồn nước từ hồ Tà Rục chảy xuống, nhưng hiện tại hồ Tà Rục đã chặn dòng nên nguồn nước về đập Ông Hòa có thể sẽ rất ít - P.V), việc đầu tư kinh phí lớn để xây dựng đập kiên cố sẽ không phát huy tác dụng, gây lãng phí nên phải nghiên cứu đến phương án dẫn nước về từ hồ Suối Hành để đảm bảo sản xuất cho người dân”.
NAM ANH