10:03, 10/03/2014

Vạn Ninh: Vất vả giải phóng mặt bằng

Huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang tập trung giải tỏa mặt bằng để thi công Dự án mở rộng Quốc lộ 1A. Trong khi Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả giải quyết chưa ổn thì dự án mở rộng đường lại phát sinh vướng mắc.

Huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang tập trung giải tỏa mặt bằng để thi công Dự án mở rộng Quốc lộ 1A. Trong khi Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả giải quyết chưa ổn thì dự án mở rộng đường lại phát sinh vướng mắc.


Chậm xây dựng khu tái định cư


Ngày 5-3, tại Khu tái định cư (TĐC) số 2 xã Đại Lãnh (thuộc Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả), dù đã hơn 9 giờ sáng, nhiều phương tiện vẫn nằm bất động. Người dân trong khu vực cho biết, hàng ngày chỉ có vài xe tải chở đất đổ mặt bằng. “Xe chạy vài ngày lại hỏng phải nằm chờ sửa, nhưng thợ sửa xe phải kêu từ Nha Trang ra nên rất lâu...” - một người dân nói. Ông Trần Văn Phòng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát, đơn vị thi công Khu TĐC số 2 thừa nhận: “Đường chở đất từ bãi vật liệu vào khu vực thi công phải đi qua khu dân cư đông đúc, xe tải lớn không thể vào được, chỉ có thể sử dụng xe trọng tải 2,5 tấn nên tiến độ rất chậm. Bên cạnh đó, việc thỏa thuận với người dân mua bãi lấy vật liệu trong khu vực gặp khó khăn, nhiều người đòi giá cao nên tiến độ khó có thể bảo đảm...”. Không có mặt bằng, nhiều người dân lo lắng vì thời gian thuê nhà sẽ kéo dài, không rõ sẽ được thanh toán ra sao?

 

Vất vả giải phóng mặt bằng
Vất vả giải phóng mặt bằng


Đẩy chiếc ba gác ra khỏi nhà, ông Lê Văn Tín (thôn Tây Bắc 2, xã Đại Lãnh) bộc bạch: “Nhà tôi xây tường gạch, nền gạch men, có đủ cửa gỗ, cửa sắt, trần nhựa, mái tôn, cộng cả đất hơn 176m2, nhưng tiền bồi thường chỉ có 200 triệu đồng. Nhà nước bán lại cho dân giá 30 triệu đồng/lô TĐC, làm sao tôi đủ tiền để mua đất và xây nhà?” Sau khi TĐC, ông Tín tiếp tục hành nghề đạp xe ba gác, còn việc nuôi bò như trước gặp khó khăn, bởi ông không còn đất để làm chuồng và đồng cỏ bị thu hẹp.


Đến nay, hộ bà Bùi Thị Tuyết (thôn Tây Bắc 2) vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng. Lý do bà Tuyết đưa ra là giá đền bù chưa thỏa đáng. Với số tiền bồi thường 210 triệu đồng cho 61m2 nhà giải tỏa, bà phải xây lại nhà mới, chuồng bò cũng phải phá dỡ. “Diện tích vướng giải tỏa chiếm gần 1/2, tuy chưa buộc di dời nhưng tiền bồi thường thấp, chúng tôi không đủ tiền sửa lại nhà. Cũng do giải tỏa mà chúng tôi không thể tiếp tục nuôi bò được nữa”, bà Tuyết nói.  

 
Hiện nay, tại khu vực trung tâm của Khu TĐC số 2 vẫn còn 3 hộ dân chưa chịu di dời nên gây khó khăn cho tiến độ san ủi mặt bằng. Theo UBND xã Đại Lãnh, thực hiện dự án hầm và đường qua địa bàn xã có khá nhiều hạng mục, trong đó có hạn mục xây dựng Khu TĐC số 2. Đến nay, Khu TĐC số 2 vẫn còn 13 hộ dân khiếu nại xung quanh chuyện giá bồi thường thấp, khối lượng chưa phù hợp hoặc đề nghị thu hồi hết để cấp đất TĐC. Hiện nay, Thanh tra huyện đang kiểm tra giải quyết. Các hạng mục khác cũng đang triển khai, phần lớn người dân chấp nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng. Duy nhất có tuyến chính Nam đang chuẩn bị áp giá đền bù. Ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh chia sẻ: “Xã đang nỗ lực để bảo đảm tiến độ. Điều đáng lo là việc giải phóng mặt bằng tuyến chính Nam có thể sẽ gặp trở ngại, do đây là tuyến giao thông chính, mật độ nhà, đất, hoa màu nhiều; trong khi đó, dự án làm vội, xây Khu TĐC sau giải tỏa nên phát sinh nhiều tranh chấp...”.


Băn khoăn giá bồi thường


Thực hiện Dự án mở rộng Quốc lộ 1A, xã Vạn Lương có 345 trường hợp bị ảnh hưởng. Tại khu vực mở rộng cầu Hiền Lương (xã Vạn Lương) có nhiều hộ bị mất nhà do giải tỏa mở rộng cầu. Ông Nguyễn Xuân Ánh (thôn Tân Đức Đông) lo âu: “Đến giờ này, huyện chỉ mới tiến hành đo đạc, kiểm tra khối lượng. Tôi rất lo bởi mình sinh sống ở đây đã quen, nay bị giải tỏa không biết đi đâu, chỗ ở mới có hành nghề được không?”. Bà Lê Thị Nga (thôn Tân Đức Đông lại băn khoăn về giá bồi thường: “Đoạn này có giá bồi thường đất chỉ 800.000 đồng/m2. Như vậy, chúng tôi làm sao có đủ tiền sửa lại nhà?”. Theo ông Nguyễn Thanh Chánh - Trưởng thôn Tân Đức Đông, khu vực này tiếp giáp cầu Hiền Lương, khoảng 200m trở lại có rất nhiều hộ bị vướng giải tỏa nhưng nhà cửa kiên cố, công việc làm ăn, kinh doanh ổn định, nếu di dời hoặc bồi thường không thỏa đáng sẽ phát sinh nhiều rắc rối.

 

Quy hoạch cầu vượt tại gác chắn Giã phá vỡ quy hoạch trước đây của huyện.
Quy hoạch cầu vượt tại gác chắn Giã phá vỡ quy hoạch trước đây của huyện.


Ông Ngô Xuân Phúc - Chủ tịch UBND xã cho hay, bảng giá bồi thường đã có. Từ cầu Hiền Lương đến cống Cầu Sáu, giá bồi thường 800.000 đồng/m2; từ cống Cầu Sáu đến chân Dốc Thị 640.000 đồng/m2; đoạn từ chân đến đỉnh Dốc Thị 320.000 đồng/m2. Hiện tại, huyện chưa niêm yết chi tiết nhưng nhiều hộ đã bàn tán xung quanh chuyện giá bồi thường. Khi triển khai, xã sẽ thành lập tổ vận động để tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu và hợp tác với chính quyền. Các trường hợp bị giải tỏa hay vướng sinh kế sẽ bàn bạc, xem xét thỏa đáng...


Thị trấn Vạn Giã cũng đang “sốt ruột” về vấn đề giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu vượt tại gác chắn Giã. Ông Lê Hải Sâm - Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, thực hiện dự án này, thị trấn có 66 trường hợp bị ảnh hưởng (63 hộ, 3 tổ chức). Hiện nay, khâu kiểm kê đã xong, đang chuẩn bị áp giá đền bù. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ gặp nhiều vướng mắc. “Trước đây, khu vực này được quy hoạch bán cho dân, tùy thuộc thời điểm nên giá đất khác nhau, nay cần bồi thường sao cho hợp lý? Thứ hai, đây là khu vực đắc địa, nếu giá bồi thường không thỏa đáng sẽ phát sinh khiếu nại. Bên cạnh đó, những hộ bị giải tỏa một phần sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc kinh doanh...” - ông Sâm chia sẻ.


Khó khăn chỉ mới bắt đầu


Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) huyện Vạn Ninh, các hạng mục chậm là do phát sinh khiếu nại, tranh chấp phải giải quyết. Hiện nay, công tác kiểm kê đã hoàn tất trình phê duyệt, một số hạng mục đã có phương án chi tiết. Riêng tuyến chính Nam xã Đại Lãnh đang chuẩn bị trình phương án chi tiết. Đến nay, việc giải tỏa Khu TĐC cơ bản đã xong, Thanh tra huyện đang xem xét khiếu nại lần đầu và lần 2. Dự kiến, Khu TĐC số 2 có 212 lô TĐC, cuối tháng 3 sẽ bố trí cho 31 trường hợp đầu tiên. Đối với hạng mục đường, toàn tuyến có 1.704 trường hợp bị ảnh hưởng, đến nay đã hoàn tất công tác kiểm kê, phê duyệt 1.114 trường hợp, đạt 65%... Bà Đặng Thị Kim Chi - Giám đốc TTPTQĐ Vạn Ninh cho biết: 3 vấn đề trăn trở hiện nay của dự án mở rộng đường là: Cầu vượt tại gác chắn Giã làm thay đổi quy hoạch trước đây của huyện, quá trình thực hiện một số hộ dân không chịu hợp tác, có khả năng sẽ phát sinh khiếu nại. Thứ hai, đoạn mở rộng cầu Hiền Lương làm cắt xén hơn 100 nhà dân cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Thứ ba, thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự an toàn đường bộ, đường sắt trước đây của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định 1856, một số hộ chưa nhận đền bù cũng có thể phát sinh khiếu kiện...


Ông Trần Kim Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh chia sẻ: “Dự án hầm và đường bộ đi qua địa bàn huyện hiện mới triển khai giai đoạn đầu. Thời gian tới sẽ “nóng” hơn do lần lượt có nhiều phương án chi tiết được công bố. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình, đúng pháp luật, các trường hợp cố tình không thi hành sẽ bị cưỡng chế theo đúng trình tự pháp luật. Chúng tôi rất mong tỉnh, các sở, ngành hỗ trợ, tiếp sức để công tác giải quyết khiếu nại và giải phóng mặt bằng thuận lợi hơn...”.


Vĩnh Lạc


 



Việc mở rộng Quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Vạn Ninh gồm 2 dự án:


+ Dự án hầm ở phía Bắc tại 2 xã: Đại Lãnh và Vạn Thọ gồm các hạng mục: hầm đèo Cả (dài 3.900m); hầm đèo Cổ Mã (dài 500m); tuyến chính Nam và các tuyến đường công vụ N1, N2, N3; bãi vật liệu… Ngoài ra còn xây dựng Khu TĐC số 2 phục vụ việc TĐC cho người dân trong khu vực.


+ Dự án đường có tổng chiều dài 30km (kể cả đoạn qua xã Đại Lãnh) đi qua địa phận 10 xã và thị trấn Vạn Giã. Tại thị trấn Vạn Giã, sẽ thi công cầu vượt tại gác chắn đường sắt dài 300m.