Sáng 4-3, tại Nha Trang, Trường Đại học Nha Trang cùng Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF), Hiệp hội BRG - Pháp (Bioencapsulation Research Group) tổ chức Hội thảo quốc tế về công nghệ vi nang.
Sáng 4-3, tại Nha Trang, Trường Đại học Nha Trang cùng Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF), Hiệp hội BRG - Pháp (Bioencapsulation Research Group) tổ chức Hội thảo quốc tế về công nghệ vi nang. Tham dự hội thảo có Tiến sĩ Tạ Doãn Trịnh – Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược khoa học công nghệ (Bộ Khoa học công nghệ) và hơn 70 đại biểu là đại diện của các công ty, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và sinh viên đến từ các nước Pháp, Anh, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Nga, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam...
Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu trình bày các kết quả nghiên cứu và ứng dụng vi nang trong các lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm, hương liệu, nuôi trồng thủy sản... Bên cạnh đó, các đại biểu còn được tham dự các buổi trình diễn mô phỏng về công nghệ vi nang trên các thiết bị hiện đại của Trường Đại học Nha Trang và tập đoàn Buchi –Thụy Sỹ. Hội thảo kéo dài đến ngày 7-3.
Công nghệ vi nang là quá trình mà trong đó các hạt (dạng rắn) hay các giọt (dạng lỏng) của vật liệu có hoạt tính sinh học (lõi, nhân) được bao lại trong một mạng lưới tạo bởi các vật liệu sinh học (vỏ, màng bao) để tạo ra các phần tử có kích thước micromet (từ 1 đến 1000 µm) gọi là vi nang. Với việc bao gói các hoạt chất quan tâm trong một lớp vỏ bọc có kích thước micromet thì công nghệ vi nang là một công cụ mạnh mẽ giúp biến đổi và bảo vệ các hợp chất có hoạt tính sinh học cao như nhóm carotenoids, flavonoids, enzyme, tế bào (probiotic), chất thơm, chất màu thực phẩm…và đó là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ hoạt tính đồng thời nâng cao giá trị sử dụng. Trên thế giới, đặc biệt là châu Âu và Mỹ, công nghệ vi nang rất phát triển và đã có nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực như in ấn, may mặc, nông nghiệp, dược phẩm...
T.H