09:03, 17/03/2014

Thu gom rác tự quản ở Nha Trang: Còn khó khăn

TP. Nha Trang đang triển khai thí điểm giai đoạn 1 việc thu gom rác tự quản. Hiệu quả bước đầu rất khả quan song vẫn còn nhiều khó khăn...

TP. Nha Trang đang triển khai thí điểm giai đoạn 1 việc thu gom rác tự quản. Hiệu quả bước đầu rất khả quan song vẫn còn nhiều khó khăn...


Hướng đi đúng


Trở lại những con hẻm, những tổ xóm vừa triển khai việc thu gom rác tự quản, chúng tôi thấy rõ sự đổi khác. Đường phố khang trang hơn, không còn tình trạng rác ứ đọng bừa bãi, bốc mùi bên lề đường, lối đi... Đến thời điểm này, 16 thôn, tổ xóm triển khai thu gom rác tự quản giai đoạn 1 đã cho tín hiệu khả quan. Khu vực cồn Ngọc Thảo (phường Ngọc Hiệp) đã xây dựng 2 tổ thu gom rác, giải quyết việc làm cho một hộ khó khăn, tạo nề nếp trong việc thu gom rác thải. Ông Lưu Đức Trọng - Tổ trưởng tổ dân phố 13 cồn Ngọc Thảo cho biết, trước đây người dân chưa có ý thức nên thường vứt rác bừa bãi ra đường, ra sông gây ô nhiễm môi trường. Trước tình hình đó, phường, tổ vận động xây dựng tổ thu gom rác, hiện nay đã phát triển ra 2 tổ 13 và 14, giải quyết cơ bản tình trạng vứt rác bừa bãi. Thôn Phước Thủy (xã Phước Đồng) cũng vừa hình thành tổ thu gom rác tự quản. Từ ngày có tổ thu gom rác (tháng 6-2013), đường làng, ngõ xóm sạch đẹp hơn. Ông Lê Danh Sức - Trưởng thôn Phước Thủy cho biết, Phước Thủy là thôn mới tách ra từ thôn Phước Trung, toàn thôn có hơn 330 hộ. Tổ thu gom rác của thôn được Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cấp xe rác, trang bị mũ, giày, găng tay, áo bảo hộ, áo phản quang...

 

Chị Thủy dùng xe  ba gác để gom rác.
Chị Thủy dùng xe ba gác để gom rác.


Theo UBND TP. Nha Trang, do khó khăn về kinh phí, địa bàn rộng (27 xã, phường), bởi vậy vẫn còn khá nhiều thôn, tổ là “vùng trắng” trong việc thu gom rác. Ở những nơi này, người dân phải tự tìm cách giải quyết rác, dẫn đến tình trạng rác thải đổ bỏ tùy tiện ra đường, ra sông, kênh mương... gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Tuy nhiên, cũng có một vài cơ sở sáng tạo trong cách làm, hình thành tổ thu gom rác, tập kết rác ra nơi Công ty Môi trường đô thị có thể tiếp cận được, giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm rác thải. Nhân rộng mô hình này, thành phố đang triển khai giai đoạn 1 phương thức thu gom rác tự quản.


Theo ông Lê Tiến Vĩnh - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang, xây dựng các tổ đội thu gom rác tự quản là mô hình mới thực hiện chủ trương xã hội hóa thu gom rác thải của Nhà nước. Điều này vừa giải quyết vấn đề môi trường, giảm gánh nặng cho ngân sách vừa huy động nội lực cộng đồng chăm lo phát triển môi trường bền vững. Mô hình tự chủ hoàn toàn về kinh phí, nếu triển khai nhân rộng sẽ tiết kiệm được một khoản ngân sách rất lớn cho thành phố, bình quân mỗi năm hơn 20 tỷ đồng.


Chưa hết khó khăn


Từ ngày đứng ra nhận “thầu rác”, vợ chồng anh Trịnh Đình Lưu - một hộ nghèo của tổ 13 cồn Ngọc Thảo đã có công việc ổn định hơn. Tuy vất vả nhưng mỗi tháng 2 vợ chồng cũng có khoản thu nhập 6 triệu đồng, đủ trang trải cho gia đình. Được thành phố cấp dụng cụ bảo hộ lao động, xe đẩy nhưng vợ chồng anh vẫn còn băn khoăn. “Vừa rồi, xe ba gác máy chở rác của chúng tôi bị Cảnh sát giao thông tịch thu khiến chúng tôi lâm vào cảnh khó khăn, phải nhờ phường, thành phố giúp đỡ xin lại chiếc xe đã gỡ bỏ lốc máy”, anh Lưu chia sẻ. Với một địa bàn phức tạp như cồn Ngọc Thảo, nếu dùng phương tiện xe đẩy không thể kéo nổi rác đến nơi tập kết do phải băng qua cầu và leo lên một con dốc khá cao, chỉ có xe gắn động cơ mới có thể giải quyết được tình trạng này.


Chị Lê Thị Tiến (Phước Thủy, Phước Đồng) tham gia tổ thu gom rác tự quản được vài tháng nay. Công việc của chị khá vất vả. Mỗi ngày làm việc ít nhất 3 giờ để thu gom rác; ngày lễ, Tết cực hơn vì rác nhiều hơn. Khó khăn là vậy nhưng chế độ chính sách đối với người thu gom rác như chị hầu như chưa có gì. Chị rất mong được hưởng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội như những công nhân chính quy. Khó khăn nữa là phương tiện xe đẩy rác thành phố cấp chưa hoàn toàn phù hợp. Với thùng rác to, bánh phụ nhỏ, chị rất vất vả để có thể đẩy rác qua các con hẻm nhỏ, mặt đường gồ ghề hay cát lún, do vậy chị vẫn thích dùng chiếc xe ba gác cũ để gom rác.


Theo ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, hiện xã có 4 thôn tổ chức loại hình thu gom rác tự quản. Theo Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh, mức phí thu gom rác năm 2014 là 28.000 đồng/hộ/tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc thu phí vẫn duy trì ở mức 20.000 đồng/hộ/tháng bởi người dân chưa chịu trả mức phí mới. Do việc đóng phí không đồng đều và phụ thuộc vào số hộ nên thù lao cho người thu gom rác mỗi nơi mỗi khác: thôn Phước Thủy: 1,8 triệu đồng/người/tháng; thôn Phước Tân:  2,25 triệu đồng/người/tháng... Việc điều chỉnh lại phương tiện cần được xem xét cho phù hợp.


Được biết, thành phố đang có kế hoạch kiểm tra, rà soát lại việc thực hiện công tác thu gom rác tự quản trên địa bàn để tiến hành sơ kết, nhân rộng hiệu quả của mô hình này trong giai đoạn 2. Để việc thu gom rác đạt hiệu quả, thời gian tới thành phố cần nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc xung quanh các vấn đề: Vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu và hợp tác; quy định chế tài đối với người vi phạm; quan tâm chế độ, chính sách cho người lao động; tìm mẫu phương tiện làm việc phù hợp với từng địa bàn; theo dõi quản lý phí chặt chẽ, nề nếp... Có như vậy, công tác thu gom rác tự quản mới đi vào chiều sâu, phát huy được tính tích cực của mô hình này.


V.L