Người lao động nghỉ việc từ tháng 9-2013 nhưng không được giải quyết chế độ. Qua tìm hiểu, doanh nghiệp có hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực lao động…
Người lao động (NLĐ) nghỉ việc từ tháng 9-2013 nhưng không được giải quyết chế độ. Qua tìm hiểu, doanh nghiệp có hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực lao động…
Chậm giải quyết chế độ
Sau khi ngừng hoạt động tại Khánh Hòa, Công ty Vận tải tốc hành Mai Linh Chi nhánh Khánh Hòa (sau đây gọi tắt là Công ty) đã chuyển mọi hoạt động vào TP. Hồ Chí Minh. Các tài xế thường trú tại Khánh Hòa không có điều kiện công tác xa nhà đã xin nghỉ việc. Kể từ khi nghỉ việc (tháng 9-2013) đến nay, nhiều tài xế chưa được Công ty trả lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Ông Trần Văn Thắng (trú 138 đường 2-4, Vĩnh Phước, Nha Trang) cho biết: “Tôi xin nghỉ việc từ ngày 7-9-2013. Nay đã hơn 5 tháng mà Công ty chưa thanh toán chế độ cho tôi. Hiện Công ty còn nợ của tôi hơn 2 tháng lương, chế độ BHXH và BHTN cũng không có”. Theo ông Trần Lý Việt (khóm Việt Bắc, Vĩnh Nguyên, Nha Trang), hàng tháng Công ty vẫn thu tiền BHXH, khi nghỉ việc, Công ty hứa 3 tháng sau sẽ giao sổ BHXH. Tuy nhiên, đến nay ông vẫn chưa có sổ, thậm chí tiền BHTN cũng không có.
Một lần đình công của tài xế Mai Linh vì liên quan đến quyền lợi. (Ảnh minh họa) |
Ông Bùi Thanh Phong (thôn 4, xã Diên An, Diên Khánh) bực dọc: “Kể từ khi nghỉ việc, tôi phải bôn ba đi kiếm việc ở khắp nơi, gia đình gặp nhiều khó khăn, không có tiền lo cho con cái. Vậy mà đến gặp Công ty thì họ bảo cứ chờ khi nào có sẽ trả. Quá nhiều lần như vậy, chúng tôi rất bức xúc”.
Ngày 20-3, trao đổi với phóng viên, ông Dương Xuân Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Mai Linh Nam Trung bộ và Tây Nguyên (nguyên là Giám đốc Công ty Vận tải tốc hành Mai Linh Chi nhánh Khánh Hòa) khẳng định: “Hiện nay, tất cả các chế độ của anh em tài xế đã nghỉ việc tại Công ty Vận tải tốc hành Mai Linh đã được thanh toán đầy đủ”. Vậy nhưng, kiểm chứng lại thông tin này, phần lớn những người khiếu nại đều cho biết phía Công ty mới chỉ trả cho họ một phần tiền lương, còn các các chế độ BHXH, BHTN và các khoản khác vẫn chưa có.
Làm việc với BHXH tỉnh, chúng tôi được biết, hiện Công ty Vận tải tốc hành Mai Linh còn nợ 25 tháng BHXH với số tiền 656 triệu đồng. “Tuy NLĐ vẫn đóng tiền bảo hiểm hàng tháng nhưng Công ty không chịu đóng BHXH. Công ty đã chiếm dụng số tiền bảo hiểm của NLĐ. Chúng tôi sẽ đề nghị Công an vào cuộc để làm rõ. Riêng khoản tiền BHXH mà Công ty còn nợ, chúng tôi chuẩn bị khởi kiện ra Tòa. Đối với NLĐ, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chốt sổ cho thời gian đã đóng tiền. Phần còn lại cùng với BHTN, nếu phía doanh nghiệp hoàn thành trả nợ, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục giải quyết cho NLĐ. Để đảm bảo quyền lợi, NLĐ nên khởi kiện ra Tòa hoặc liên hệ với Liên đoàn Lao động tỉnh” - ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết.
Thu tiền ký quỹ
Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi phát hiện thêm việc Công ty còn nợ các tài xế tiền ký quỹ hàng trăm triệu đồng. Đây là khoản tiền mà tất cả các tài xế khi làm việc tại Mai Linh bắt buộc phải đóng. Bộ Luật Lao động năm 2013 cấm người sử dụng lao động thu tiền ký quỹ, tiền đặt cọc của NLĐ để ký hợp đồng lao động. Thế nhưng, ở Công ty, để được làm việc, mỗi tài xế phải đóng tiền ký quỹ 25 triệu đồng.
Về vấn đề này, Công ty thừa nhận có thu tiền của NLĐ nhưng lại cho rằng đây không phải là tiền ký quỹ. Ông Minh lý giải, Công ty phải thu khoản tiền này vì NLĐ sử dụng ô tô có giá hàng trăm triệu đồng, nếu xảy ra hư hao tài sản thì có khoản để trừ. “Pháp luật không cho phép, nhưng nếu không thu tiền thế chân thì không doanh nghiệp nào dám làm. Nếu trong quá trình chạy xe, NLĐ chiếm dụng tiền của công ty rồi nghỉ việc thì chúng tôi biết đòi ai?” - ông Minh biện minh.
Tiền ký quỹ Công ty vận tải tốc hành Mai Linh thu của NLĐ từ năm 2007, lẽ ra khi Bộ Luật Lao động có hiệu lực (1-5-2013), Công ty phải trả lại cho NLĐ. Song, đến nay chưa có một trường hợp nào được trả lại tiền quý quỹ (trừ những trường hợp đã nghỉ việc).
Luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết: “Trong trường hợp này, các tài xế có thể khởi kiện ra Tòa vì phía Công ty đã vi phạm Điều 20 của Bộ Luật Lao động năm 2013. Bên cạnh đó, họ cũng có thể yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt hành chính đối với Công ty. Bởi vì, theo Nghị định 95 của Chính phủ hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, hành vi buộc NLĐ đóng tiền, tài sản để giao kết hợp đồng lao động có mức phạt từ 20 - 25 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị buộc trả lại tiền, tài sản cộng với tiền lãi theo quy định”.
Đình Lâm