11:03, 21/03/2014

Phòng xa bằng ba chữa gần

Huyện Khánh Vĩnh là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Khánh Hòa với 83.000ha rừng và đất có rừng. Hiện nay, địa phương đang bước vào cao điểm mùa khô, dự báo cháy rừng ở cấp 4, cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm).

Huyện Khánh Vĩnh là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Khánh Hòa với 83.000ha rừng và đất có rừng. Hiện nay, địa phương đang bước vào cao điểm mùa khô, dự báo cháy rừng ở cấp 4, cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Do vậy công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR) được đặt ra như một yêu cầu cấp bách… 

 
Nắng khô hanh kéo dài, dưới tán cây rừng, các thảm thực vật khô giòn, chỉ cần 1 tàn thuốc bất cẩn là có thể bùng phát thành đám cháy. Thời điểm này cũng là lúc người dân tranh thủ phát nương, đốt rẫy để sản xuất vụ Hè Thu. Giờ cũng là mùa nông nhàn, người dân đổ vào rừng tìm kế sinh nhai nên việc đốt lửa, nấu ăn, hút thuốc… trong rừng đều có thể là nguyên nhân gây cháy. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn về cháy rừng ở Khánh Vĩnh hiện nay.  


Xã Khánh Nam có 4.028ha rừng tự nhiên và khoảng 300ha rừng keo nên công tác tuyên truyền PCCR đang được địa phương này triển khai tích cực. Ông Vi Thái Lâm, cán bộ kiểm lâm xã Khánh Nam cho biết: “UBND xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCR đồng thời huy động dân quân, thanh niên xung kích xã tham gia lực lượng tổ đội PCCR. Chúng tôi cũng tuyên truyền qua hệ thống Đài Truyền thanh của xã và qua các buổi họp dân để người dân nắm bắt, có ý thức PCCR và cả phòng cháy mía, cháy hoa màu. Bên cạnh đó vận động hộ dân có đất rẫy sản xuất gần rừng phải cào ranh cản lửa từ 5 - 7m và có giấy cam kết đốt rẫy không để cháy lan vào rừng liền kề”.

 

Đài quan sát giúp phát hiện sớm các nguy cơ cháy rừng.
Đài quan sát giúp phát hiện sớm các nguy cơ cháy rừng.


Cùng với chính quyền và các ngành chức năng, 2 chủ rừng là Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa và Công ty TNHH  một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương rất tích cực triển khai phương án PCCR theo sự chỉ đạo của cấp trên, với phương châm phòng xa bằng ba chữa gần. Ông Nguyễn Đình Tấn, Đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Công ty đang  quản lý  46.000ha rừng trải dài 8 xã. Hiện nay, đơn vị đã làm 47,7km ranh cản lửa trắng, 4ha đường ranh xanh. Bên cạnh việc chuẩn bị các phương tiện, vật tư PCCR, Công ty cử người canh lửa khi người dân đốt rẫy để sản xuất. Mặt khác, Công ty cũng lập bản đồ các vùng dễ xảy ra cháy để theo dõi, tuần tra, kiểm tra thường xuyên. Trên các đài quan sát lúc nào cũng có 2 người trực 24/24 giờ để quan sát, khi phát hiện có đám cháy thì báo cáo ngay về đơn vị để có hướng xử lý”.   


Đến thời điểm này, Khánh Vĩnh đã duy tu 79km đường ranh trắng cản lửa, 15 chòi canh lửa, thực hiện 18 pa-nô tuyên truyền PCCR. Các chủ rừng đã trang bị vật tư như: ô tô, thùng phuy, bình xịt nước, cào, rựa... xây dựng các tổ đội PCCC sẵn sàng ứng cứu khi cần.


Kinh nghiệm từ các vụ cháy rừng của những năm trước cho thấy, chữa cháy rừng là việc vô cùng khó khăn do địa hình rừng núi hiểm trở, xa nguồn nước, phương tiện chữa cháy thô sơ, do vậy, phòng ngừa vẫn là giải pháp ưu tiên. Ông Nguyễn Tây, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng phương án PCCR. Trong đó, phương án phòng là chính. Tổ chức hệ thống PCCR xuyên suốt từ huyện đến xã, từ các ban chỉ huy tại chỗ, thành lập các tổ, đội quần chúng để tham gia công tác PCCR. Mặt khác, đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra công tác PCCR ở các đơn vị chủ rừng, các khu vực trọng điểm. Nếu phát hiện thiếu sót sẽ đôn đốc nhắc nhở các đơn vị, địa phương nhanh chóng khắc phục”.


Nắng vẫn còn kéo dài, rừng Khánh Vĩnh vẫn đang đứng trước nỗi lo về cháy, do vậy, hơn bao giờ hết việc cảnh giác với “bà hỏa” là điều cần chú ý vì chỉ một chút lơ là, hậu quả sẽ rất khó lường.  

 
Kim Oanh