11:03, 31/03/2014

Phát triển nhân viên công tác xã hội ở cấp xã

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai mạnh mẽ Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020" (gọi tắt là Đề án 32). Bước đầu, Đề án đã gặt hái được nhiều kết quả thiết thực.

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai mạnh mẽ Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010 - 2020” (gọi tắt là Đề án 32). Bước đầu, Đề án đã gặt hái được nhiều kết quả thiết thực.


Những kết quả bước đầu


Ngày 25-3-2010, Đề án 32 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Ngay sau đó, UBND tỉnh nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời giao ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiều hình thức truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức về nghề CTXH trong nhân dân. Ngành đã phối hợp với Báo Khánh Hòa thực hiện 30 trang báo chuyên đề về CTXH; phát hành hơn 20.000 tờ rơi tuyên truyền về nghề CTXH. Ngoài ra, hàng năm ngành LĐ-TB-XH tham gia tư vấn nghề CTXH cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, các trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh.


Việc phát triển đội ngũ nhân viên CTXH cũng được UBND tỉnh chú trọng. Điều đó thể hiện qua việc 137 cộng tác viên CTXH đã được bố trí tại các xã, phường, thị trấn. Mức phụ cấp cho cộng tác viên CTXH cấp xã có hệ số 1,0 mức lương tối thiểu. Đa số cộng tác viên CTXH cấp xã đều có trình độ từ trung cấp trở lên. Ngoài ra, các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) cũng được bố trí đội ngũ nhân viên CTXH để thực hiện việc tư vấn, chăm sóc cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. 3 năm qua (2011-2013), các cấp, ngành, địa phương đã mở 7 lớp tập huấn nghề CTXH cho hơn 690 lượt cán bộ các cấp.

 

 Nhân viên công tác xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Nhân viên công tác xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.


Ngoài ra, ngành chức năng còn tập trung phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và thực hiện những hoạt động CTXH ở cộng đồng. Chẳng hạn như, Trung tâm BTXH tỉnh đã thành lập Phòng Cung cấp dịch vụ CTXH, chuyên thực hiện các dịch vụ, nghiệp vụ về CTXH trên địa bàn toàn tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, Phòng đã thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động cung cấp dịch vụ CTXH; thiết lập điện thoại đường dây nóng (058.3540767) để tiếp nhận thông tin của người dân khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ CTXH. Đến nay, Phòng đã tiếp nhận giải quyết 2 trường hợp trẻ em bị bỏ rơi cần bảo vệ khẩn cấp; tư vấn, trị liệu tâm lý và phục hồi thể chất cho 15 đối tượng BTXH; tiếp nhận kết nối với địa phương giải quyết 191 trường hợp người lang thang xin ăn; trợ giúp thủ tục hồ sơ cho 32 trường hợp BTXH từ cộng đồng vào sống trong cơ sở BTXH; hỗ trợ tư vấn, hướng nghiệp và việc làm cho 46 đối tượng. Đặc biệt, Phòng đã kết nối đưa 1 người nước ngoài (quốc tịch Myanmar) về đoàn tụ với gia đình... Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã thành lập Phòng CTXH trực thuộc Bệnh viện để thực hiện các hoạt động tư vấn và cung cấp dịch vụ CTXH cho bệnh nhân...


Phát triển mạng lưới cơ sở dịch vụ công tác xã hội


Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH đánh giá: Đến nay, cơ bản đã hoàn thành một số mục tiêu quan trọng của Đề án 32 so với kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2011-2015. Trong đó, quan trọng nhất là đã bố trí xong đội ngũ cán bộ làm CTXH cấp xã và cơ bản hoàn thiện hệ thống các cơ sở BTXH. Nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng về nghề CTXH từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn tồn tại một số hạn chế như: chưa phát triển rộng khắp mạng lưới cung cấp dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp vẫn còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Ngoài ra, do chưa có bảng lương theo ngạch, bậc của viên chức CTXH nên vẫn chưa thực hiện việc chuyển ngạch cho đội ngũ viên chức làm CTXH tại các cơ sở BTXH…


Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh về nghề CTXH. Đồng thời đào tạo, tấp huấn nâng cao kỹ năng thực hành CTXH cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp; phát triển mạng lưới các cơ sở dịch vụ CTXH. Phấn đấu đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 4 trung tâm BTXH đặt tại các huyện, thị xã, thành phố…. Tuy nhiên, để thực hiện có kết quả những mục tiêu đó, các cấp, ngành, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi và chế độ đãi ngộ phù hợp cho nhân viên CTXH; quan tâm hỗ trợ để mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ CTXH, gắn hoạt động của CTXH với việc thực tiễn...


VĂN GIANG