12:03, 20/03/2014

Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Khánh Vĩnh: Nơi chia sẻ yêu thương

Tuy điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng từ nhiều năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã là nơi nương tựa của nhiều mảnh đời bất hạnh. Từ đây, nhiều người có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Tuy điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng từ nhiều năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã là nơi nương tựa của nhiều mảnh đời bất hạnh. Từ đây, nhiều người có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.


Nơi chắp cánh vào đời


Gặp chị Nguyễn Thị Bích Trinh (25 tuổi) - nhân viên giáo dục của Trung tâm BTXH huyện Khánh Vĩnh, không ai nghĩ rằng, chị cũng từng là trẻ mồ côi, bất hạnh như những trẻ em khác ở đây. Bố bỏ đi khi chị gái còn nhỏ, lúc ấy Trinh chưa chào đời. Đến năm chị 12 tuổi thì mẹ mất, Trinh được gửi vào Nhà Tình thương huyện Khánh Vĩnh - tiền thân của Trung tâm BTXH hiện nay. Những ngày sống ở Nhà Tình thương, được các mẹ, các cô chú yêu thương, dạy dỗ tận tình nên chị Trinh học rất tốt, luôn đạt học sinh khá, giỏi. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị thi đậu vào ngành Công nghệ thông tin Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Ra trường, chị Trinh được Trung tâm BTXH huyện tiếp nhận vào làm nhân viên giáo dục.


Chị Trinh tâm sự: “Tôi rất biết ơn và rất yêu Trung tâm này, đây là mái nhà của tôi. Bây giờ, tôi sẽ dành toàn tâm, toàn ý để chia sẻ, giúp đỡ để các em vơi đi phần nào thiệt thòi”.

 

Các học sinh ở Trung tâm đang tham gia lao động tại vườn rau.
Các học sinh ở Trung tâm đang tham gia lao động tại vườn rau.


Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng 36 trẻ em mồ côi. Đa số các em đều là người dân tộc thiểu số. Quá trình học tập, nhiều em đã đạt được học sinh khá, giỏi như em Cao Thị Như Thùy (12 tuổi, dân tộc Raglai, thôn Cà Hon, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, đang học lớp 6 Trường THCS thị trấn Khánh Vĩnh). Thùy sinh ra trong gia đình có 3 anh em. Ba mất khi em mới học lớp 2. Công việc đi làm thuê, làm mướn của mẹ không thể điều kiện nuôi 3 chị em. Vì thế, Thùy và em gái được gửi vào Trung tâm. Từ ngày lên Trung tâm, em được vui chơi, học tập và chấm dứt chuỗi ngày bữa đói, bữa no. Sức học của Thùy tiến bộ cũng không ngừng. “Hai chị em ở Trung tâm được các cô chú yêu thương nên càng học hành chăm chỉ. Mẹ em ở Khánh Bình qua thăm, thấy vậy cũng rất mừng và an tâm” - Thùy bộc bạch.


Ông Nguyễn Thanh Cảnh - Giám đốc Trung tâm BTXH huyện Khánh Vĩnh cho biết, các em được nuôi dưỡng tại Trung tâm đều có hoàn cảnh rất thương tâm. Nhiều em đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại còn bị khuyết tật. Chẳng hạn như em Nguyễn Văn Chức, hiện đang là sinh viên ngành xây dựng tại TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Em bị bỏ rơi tại một ngôi chùa, sau đó được một gia đình tại xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh) đưa về nuôi dưỡng. Tuy nhiên, em không được đến trường mà phải ở nhà lao động. Biết được câu chuyện này, Nhà Tình thương huyện Khánh Vĩnh đã đưa em về nuôi, tạo điều kiện cho em đến trường. Chức không chỉ học tốt mà còn rất chăm chỉ giúp đỡ các cô chú, anh chị em trong Nhà Tình thương. Hiện nay, Trung tâm đang hỗ trợ cho Chức đi học, chỉ còn mấy tháng nữa là em ra trường…


Cần thêm sự chung tay


Được biết, Nhà Tình thương huyện Khánh Vĩnh thành lập năm 1994, chuyên tiếp nhận, nuôi dạy trẻ em mồ côi, khuyết tật. Đến cuối năm 2011, UBND tỉnh thành lập Trung tâm BTXH trên cơ sở của Nhà Tình thương nhằm mở rộng phạm vi nuôi dưỡng, chăm sóc thêm các đối tượng như: người khuyết tật, người già neo đơn. Tại đây, có phòng xem ti vi, khu vui chơi, phòng tập văn nghệ, thư viện và khu vườn để sản xuất, lao động. Hàng tháng, mỗi em được hưởng chế độ tiền ăn 540.000 đồng và 30.000 đồng tiền sinh hoạt phí; 100% các em đều có bảo hiểm y tế. Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tham quan cho các em. Ông Nguyễn Thanh Cảnh cho biết: “Chăm sóc các em không chỉ đơn giản là lo chuyện “ăn no, mặc ấm” mà còn phải quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần, đặc biệt là khơi dậy cho các em khát vọng vươn lên trong cuộc sống từ chính tấm gương của những anh, chị đi trước”.   


Hiện nay, mức chi phí tiền ăn cho các đối tượng bảo trợ còn khá thấp so với mặt bằng chung. Trong khi đó, việc vận động tài trợ kinh phí để chăm sóc các em gặp nhiều khó khăn. Năm 2014, ngoài trẻ em mồ côi, khuyết tật, Trung tâm sẽ tiếp nhận thêm đối tượng người già neo đơn, người khuyết tật. Vì vậy, Trung tâm mong muốn được các cấp quan tâm hơn nữa để có thể tiếp tục mở rộng vòng tay đón nhận và chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh.


Lưu Khánh