06:03, 07/03/2014

Người phụ nữ Raglai làm kinh tế giỏi

Đến thôn Suối Me (xã Ba Cụm Nam, Khánh Sơn, Khánh Hòa), hỏi chị Bo Bo Thị Hiền, ai cũng biết. Chị là tấm gương điển hình về sản xuất giỏi, nỗ lực thoát nghèo từ sự cần mẫn, dám nghĩ dám làm  và ý chí vươn lên làm giàu…

Đến thôn Suối Me (xã Ba Cụm Nam, Khánh Sơn, Khánh Hòa), hỏi chị Bo Bo Thị Hiền, ai cũng biết. Chị là tấm gương điển hình về sản xuất giỏi, nỗ lực thoát nghèo từ sự cần mẫn, dám nghĩ dám làm  và ý chí vươn lên làm giàu…


Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng


Chị Bo Bo Thị Hiền sinh ra trong gia đình đông con, lớn lên trong hoàn cảnh túng thiếu, không được học hành đến nơi đến chốn. “Tôi nhận thấy quê hương mình còn nghèo, không hẳn chỉ vì điều kiện sản xuất không thuận lợi. Tuy khó khăn nhưng nếu quyết tâm và cần cù, chịu khó thì chắc chắn cuộc sống sẽ được cải thiện”, chị tâm sự. Từ suy nghĩ đó, vợ chồng chị bắt tay vào trồng bắp, mì trên diện tích vườn, đồi cha mẹ để lại. Tuy nhiên, mấy năm đầu, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên năng suất không cao. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vẫn thiếu trước hụt sau. Sau đó, chị chuyển sang trồng mía tím và đã thành công, cuộc sống gia đình dần được cải thiện. Theo chị Cao Thị Điếng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ba Cụm Nam, chị Hiền chính là người đầu tiên đưa cây mía tím về trồng tại xã. Năm 2007 - 2008, chị mạnh dạn đăng ký trồng thêm cây sầu riêng từ chương trình trợ giá, trợ cước của huyện. Cùng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Hội Phụ nữ xã, 5 năm sau, gia đình chị đã phát triển được khoảng 1ha vườn cây ăn quả, 4 sào mía tím, chăn nuôi bò, heo, gà... cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.


Canh tác hợp lý

 

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, ruộng mía nhà chị Hiề n luôn phát triển tốt.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, ruộng mía nhà chị Hiền luôn phát triển tốt.


Theo chị Hiền, cái khó nhất đối với nông dân xã Ba Cụm Nam chính là thiếu nguồn nước tưới cho cây trồng. Do đó, để đảm bảo các loại cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao, ngoài hai yếu tố vốn đầu tư và kỹ thuật chăm sóc, chị phải tính toán, phân bổ khu vực canh tác sao cho phù hợp với từng loại cây trồng. Những loại cây chịu hạn tốt như bắp, mì, chị trồng trên khu vực đất đồi, cũng là để lấy ngắn nuôi dài; các loại cây ăn quả, mía tím trồng ở khu vực vườn nhà, những dải đất cạnh khe nước để thuận tiện cho việc tưới tiêu. Đồng thời, chị đầu tư đào thêm ao để tích trữ nước trong mùa khô. “Để tránh rủi ro khi xảy ra tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, ngoài hai loại cây chủ lực là sầu riêng và mía tím, tôi trồng xen cà phê và một số loại cây ăn quả khác như: chôm chôm, mít nghệ, chuối, bưởi...”, chị Hiền chia sẻ. Đến nay, tính cả đồi keo mới trồng, diện tích canh tác của gia đình chị lên đến gần 6ha, nhưng vợ chồng chị luôn tự làm mọi việc để tiết kiệm chi phí thuê nhân công. “Hiện nay, chị Hiền là một trong những nông dân có thu nhập cao nhất xã Ba Cụm Nam từ sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, Hội Phụ nữ xã thường xuyên tổ chức cho các hội viên, phụ nữ đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất của gia đình chị”, chị Cao Thị Điếng nói.


Ở tuổi 35, không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, chị Hiền còn nhiều dự định phát triển kinh tế. Chị cũng mong muốn các cấp, ngành sớm tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Đi giữa vườn cây ăn quả, ruộng mía tím xanh tốt của gia đình chị Hiền, chúng tôi tin rằng trên mảnh đất Ba Cụm Nam khô cằn, khắc nghiệt, nếu người dân quyết tâm, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thì ước mơ làm giàu hoàn toàn có thể thành hiện thực và đói nghèo sẽ sớm được đẩy lùi.


ĐINH LUẬN