09:03, 10/03/2014

Lẽ nào tồn tại mãi xóm nhặt rác?

Chiều 8-3, hàng trăm người dân sống bằng nghề nhặt rác tại bãi rác Rù Rì, TP. Nha Trang đã chặn các xe vào bãi rác mới (hiện đang được thi công hoàn chỉnh). Sự việc này cho thấy, đã đến lúc chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm.

Chiều 8-3, hàng trăm người dân sống bằng nghề nhặt rác tại bãi rác Rù Rì, TP. Nha Trang đã chặn các xe vào bãi rác mới (hiện đang được thi công hoàn chỉnh). Sự việc này cho thấy, đã đến lúc chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm.


Vấn đề nan giải


Chúng tôi trở lại bãi rác Rù Rì sáng 10-3. Tình hình nơi đây đã tạm lắng khi hàng chục xe chở rác của Công ty Môi trường đô thị TP. Nha Trang trong đêm 8-3 đã đổ rác trở lại bãi rác cũ theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Bà Nguyễn Thị Ải - một người nhặt rác nói: “Công ty nói đổ tạm tại bãi rác mới 2 ngày (6 và 7-3), sau đó sẽ đổ rác trở lại tại bãi rác cũ cho dân kiếm sống. Nhưng đến ngày 8-3, công ty vẫn cho xe rác vào bãi rác mới nên chúng tôi mới làm vậy...”.


Hàng chục năm qua, không có con cái, vợ chồng bà Ải nương tựa nhau ngày ngày bám lấy bãi rác để kiếm sống. Chồng nhặt rác từ 5 giờ chiều hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau, còn bà nhặt từ 3 giờ sáng hôm sau đến 12 giờ trưa. Tuy nhiên, mỗi ngày họ chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng, đủ để sống qua ngày. Vợ chồng bà mang nhiều chứng bệnh sau nhiều năm sống tại bãi rác nhưng không có tiền chữa bệnh. Cũng như bà Ải, cuộc sống của bà Trần Thị Lan, một cụ bà hơn 70 tuổi cũng vậy. Cả gia đình, con gái, con trai, rể đều sống bằng nghề nhặt rác. Mùa mưa gió không làm được, bà Lan cùng con cháu về thuê nhà sống tạm tại phường Vĩnh Phước.

 

Bãi rác mới đã vào giai đoạn hoàn thiện cần tiếp nhận rác để xử lý.
Bãi rác mới đã vào giai đoạn hoàn thiện cần tiếp nhận rác để xử lý.


Trên thực tế, hàng trăm người nhặt rác tại bãi rác Rù Rì là người ở các địa phương khác, vào Khánh Hòa từ trước ngày giải phóng nên phần lớn họ có hộ khẩu tại Nha Trang. Hầu hết các hộ dân thuộc diện nghèo, neo đơn, không có việc làm nên hàng ngày phải bám bãi rác để kiếm sống. Vì thế, khi có chủ trương đóng cửa bãi rác cũ, chuyển sang bãi rác mới, cuộc sống của nhiều gia đình gặp không ít khó khăn.


Cần một giải pháp căn cơ


Dự án xây dựng bãi rác mới hợp vệ sinh tại thôn Lương Hòa (xã Vĩnh Lương) do Ban Quản lý Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang làm chủ đầu tư, nhằm thay thế bãi rác cũ (Rù Rì) đã quá tải, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Dự án đã được bàn giao cho Công ty Môi trường đô thị Nha Trang vào cuối tháng 2. Nhiệm vụ của Công ty là đưa bãi rác mới vào hoạt động, đóng cửa bãi rác cũ. Tuy nhiên, quá trình chuyển rác vào bãi rác mới đã bị người dân phản đối, gây căng thẳng như đã nói ở trên.

 

Ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang: Năm 2008, TP. Nha Trang đã triển khai Đề án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho người dân ở khu vực bãi rác Rù Rì. Thành phố đã giải tỏa 89 hộ với 200 nhân khẩu được hỗ trợ để chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, những người này quay trở lại nhặt rác như trước. Hiện nay, thành phố đang giao cho các ngành, đơn vị tham mưu, đồng thời sẽ bàn và đưa ra các giải pháp trong tuần này. Trước mắt, việc đổ rác vẫn duy trì tại bãi rác cũ...

Hiện nay, điều đáng lo của các đơn vị liên quan và chính quyền TP. Nha Trang là làm sao đóng cửa bãi rác cũ để triển khai quá trình xử lý theo như hợp đồng cam kết với nhà đầu tư (Ngân hàng Thế giới). Hệ thống kênh dẫn nước rỉ rác từ bãi rác cũ về trạm xử lý đã xong. Trạm xử lý nước rỉ rác sẽ hoàn thiện và bàn giao vào cuối tháng 8 nên việc đóng cửa bãi rác cũ phải được thực hiện ngay. Các ngành chức năng lo ngại, nếu bãi rác cũ không thể đóng cửa, bãi rác mới thiếu rác để hoạt động và hoàn thiện quy trình, điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch dự án. “Nếu để người dân vào bãi rác mới, quá trình nhặt rác sẽ làm hư hỏng các tấm màng bảo vệ bằng HDPE lót nền ngăn không cho nước rỉ rác thấm vào đất gây ô nhiễm. Hơn nữa, các tấm màng này cũng là vật liệu dễ gây cháy, mất an toàn khi bãi rác là nơi phát sinh nhiều khí gas...”, bà Lý Ngọc Dung - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang cảnh báo.


Theo ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, việc đóng cửa bãi rác cũ không đơn giản. Trước đây, thành phố đã nhiều lần tổ chức họp dân, hỗ trợ nhưng sau đó, người dân vẫn tái lấn chiếm và tiếp tục hành nghề nhặt rác. Lần này, thành phố sẽ làm kiên quyết hơn bởi đã xây dựng xong bãi rác mới...


Việc đóng cửa bãi rác cũ bởi liên quan đến hàng trăm người dân tại đây. Tỉnh và TP. Nha Trang cần tiến hành rà soát lại các đối tượng hành nghề trong khu vực bãi rác; có giải pháp vận động họ trở về nơi ở cũ, tổ chức tái định cư và hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, cần có biện pháp mạnh, ngăn chặn không cho người dân tái hành nghề tại khu vực bãi rác mới.


P.L