09:03, 29/03/2014

Có tình trạng khai thác hải sản?

Tuy đã bị cấm nhưng thời gian gần đây, tình trạng khai thác hải sản vẫn diễn ra ở khu vực Hòn Mun. Thực trạng này đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học của khu bảo tồn biển...

Tuy đã bị cấm nhưng thời gian gần đây, tình trạng khai thác hải sản vẫn diễn ra ở khu vực Hòn Mun. Thực trạng này đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học của khu bảo tồn biển (KBTB)...


Khai thác trong vùng cấm


Từ năm 2001, KBTB Hòn Mun chính thức ra đời. Dự án do Bộ Thủy sản, UBND tỉnh Khánh Hòa và IUCN (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới) thực hiện. KBTB Hòn Mun nằm trong vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm, Hòn Nọc... Diện tích khoảng 160km², gồm khoảng 38km² mặt đất và khoảng 122km² vùng nước xung quanh các đảo. Mục đích của dự án nhằm bảo tồn một mô hình điển hình về đa dạng sinh học biển có tầm quan trọng quốc tế và đang bị đe dọa. Bên cạnh đó, dự án cũng giúp cộng đồng dân cư tại các đảo nằm trong khu bảo tồn nâng cao đời sống và cộng tác với các bên liên quan khác để bảo vệ, quản lý có hiệu quả đa dạng sinh học biển tại KBTB Hòn Mun, tạo nên một mô hình hợp tác quản lý cho các KBTB của Việt Nam.

 

Mỏ neo của các tàu cá và một phần nhỏ san hô bị phá trong vùng lõi khu bảo tồn. (Ảnh chụp tại khu vực rạn san hô ở độ sâu 12m)
Một phần nhỏ san hô bị phá trong vùng lõi khu bảo tồn. (Ảnh chụp tại khu vực rạn san hô ở độ sâu 12m)


Từ sự ra đời của dự án này nên mọi hoạt động khai thác hải sản trong khu vực bảo tồn đều bị nghiêm cấm. Trong đó, diện tích mặt nước quanh khu vực Hòn Mun (trong phạm vi 300m cách từ mép đảo trở ra) là vùng được bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi khu bảo tồn). Tuy nhiên, thời gian gần đây, các hoạt động đánh bắt vẫn diễn ra. Theo phản ánh của ông Phan Văn Nhỏ (ngư dân sống trên đảo Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên), hàng đêm các tàu cá có công suất lớn vẫn ra vào vùng lõi đánh bắt. Thậm chí, các tàu cá này còn vào tận khu vực cầu cảng Hòn Mun, nơi có nhiều san hô để đánh bắt. “Nếu tình trạng này còn tiếp tục diễn ra, không bao lâu nữa cá ở đây sẽ không còn. Rạn san hô chắc chắn sẽ bị nguy hại” - ông Nhỏ bức xúc.


Ông Trương Kỉnh - Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang thừa nhận: “Tàu cá đánh bắt trong vùng lõi đã có từ nhiều năm nay. Nguyên nhân là do ngư dân sử dụng ngư cụ trũ rút để đánh bắt. Việc đánh bắt ở phía ngoài vùng lõi, song do khi thả lưới bị sóng đánh dạt vào nên mới xâm phạm đến vùng nghiêm cấm đánh bắt. Những ngư dân đánh bắt hải sản ở khu vực Hòn Mun chủ yếu là người dân ở Vũng Áng, phường Vĩnh Nguyên. Chúng tôi đã rất nhiều lần cảnh báo, vận động người dân không đánh bắt trong khu vực này. Mới đây, Phòng Bảo tồn và đội tuần tra của Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã tiến hành họp dân ở Vũng Áng để tiếp tục tuyên truyền về vấn đề này”.  

 

1
Mỏ neo của các tàu cá


Có hay không sự cho phép của đội tuần tra?


Để nắm rõ hơn về thực trạng đánh bắt hải sản và sự ảnh hưởng đến rạn san hô trong KBTB Hòn Mun, phóng viên đã có chuyến khảo sát tại khu vực này. Vào buổi sáng, chúng tôi vẫn thấy có nhiều ngư dân ở đảo Hòn Một (phường Vĩnh Nguyên) thả lờ mực trong khu vực cấm. Bên cạnh đó, rất nhiều ngư dân đánh bắt hải sản gần khu vực bảo tồn khẳng định, việc tàu cá có công suất lớn vào vùng lõi đánh bắt là có thực. Thời gian các tàu cá tổ chức đánh bắt thường vào khoảng 1 - 2 giờ sáng. Tình trạng khai thác hải sản ngay trong vùng lõi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và cảnh quan dưới đáy biển của KBTB Hòn Mun. Khi lặn xuống khu vực nước sâu khoảng 10m, chúng tôi cũng nhận thấy có khá nhiều cành san hô mới bị gãy. Theo quan sát, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có thể do việc đánh bắt hải sản của các tàu cá gây ra.


Trước tình trạng rạn san hô bị xâm hại, không ít nhân viên của các công ty tổ chức lặn biển bất bình. Đa phần họ đều cho rằng, sở dĩ các tàu cá có thể vào đây đánh bắt là có sự cho phép của đội tuần tra của khu bảo tồn. “Bình thường một người đi câu mực cũng khó có thể vào được vùng lõi, nay làm sao các tàu lớn có thể vào đây để đánh bắt? Chỉ có sự đồng ý của đội tuần tra hoặc họ cố tình làm ngơ thì những tàu có công suất lớn mới vào được” - nhân viên của một công ty du lịch lặn biển nghi vấn.


Phản ánh những nghi ngờ này với lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, ông Trương Kỉnh khẳng định: “Không thể có chuyện có đội tuần tra cho phép tàu cá vào vùng lõi đánh bắt. Tôi cũng từng nhiều lần nghe nói điều này, nhưng khi kiểm tra lại thì không có hoặc không có đầy đủ bằng chứng để khẳng định đó là sự thật. Cũng có thể do một số ngư dân bị bắt khi vi phạm khai thác nên tung tin không đúng sự thật để gây hiểu nhầm nội bộ. Song, không ai cung cấp được bằng chứng thì làm sao Ban Quản lý vịnh Nha Trang làm việc được với nhân viên của mình?”. Còn đối với thực trạng san hô bị gãy, ông Kỉnh lại cho rằng có thể đã gãy từ trước do ngư dân đánh bắt bằng chất nổ.


Được biết, hiện đội tuần tra của Ban Quản lý vịnh Nha Trang có một tàu tuần tra với 14 biên chế để tuần tra liên tục 24/24 giờ. Tuy nhiên, thời gian qua người dân vẫn phản ánh về tình trạng tàu cá vào đánh bắt trong vùng lõi, rõ ràng đây là vấn đề cần phải xem xét.


Đình Lâm - Nhân Tâm