07:03, 17/03/2014

Đầu tư nhiều, hiệu quả ít

Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình cấp nước sạch cho người dân huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, hầu hết các công trình này đều bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình cấp nước sạch cho người dân huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, hầu hết các công trình này đều bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.


Thiếu nước: chuyện thường ngày ở huyện!


Hiện nay, trên địa bàn huyện chỉ có thị trấn Tô Hạp và một số khu vực phụ cận được sử dụng nước sạch từ Nhà máy nước Tà Lương. Các xã còn lại đều dùng nước tự chảy được dẫn về trực tiếp từ đập dâng đầu nguồn. Tuy nhiên, tất cả các hệ thống nước tự chảy đều xây dựng với quy mô nhỏ lẻ, không có bể lắng, lọc, tích trữ lượng nước không nhiều. Do vậy, năm nào cũng diễn ra tình trạng mùa mưa thì nước đục, không đảm bảo vệ sinh, mùa khô thì thiếu nước. Bên cạnh đó, do địa hình đồi núi, nguồn nước giếng thường cạn kiệt vào mùa khô, hầu hết các hộ gia đình đều sử dụng nước sông, suối trong sinh hoạt, ăn uống.


Chị Tro Thị Minh Chuyện, thôn Du Oai, xã Sơn Lâm bày tỏ: “Hàng ngày, chúng tôi phải đi cả cây số để xách từng can nước về dùng và mang đến trường cho con. Chỉ khi nào trời mưa thì giếng mới có nước, hết mưa lại phải ra suối lấy nước về dùng”. Thế nhưng, không phải nhà nào cũng có thể dễ dàng đi lấy nước suối về sử dụng. Chị Mấu Thị Yêu, thôn Dốc Tầu, xã Ba Cụm Bắc cho biết: “Mấy nhà quanh đây ở cách xa suối, đường ống nước tự chảy bị bể nên phải đi xin từng can nước về uống. Nhưng không phải lúc nào cũng đi xin nước được nên chủ yếu chúng tôi lấy nước ở giếng cạnh ruộng lúa về để dùng”.

 

1
 Hàng ngày, chị Yêu và những hộ dân khác phải tắm giặt, lấy nước phục vụ sinh hoạt từ hố nước này.


Theo quan sát của chúng tôi, nơi chị Yêu gọi là “giếng” thực ra chỉ là một cái hố nước sâu chưa đầy 1m, được đào cạnh ruộng lúa, xung quanh mọc đầy cỏ dại, trên mặt nước phủ kín rong, rêu. Vậy mà mọi sinh hoạt hàng ngày của gần 10 hộ dân (ở thôn Dốc Tầu, xã Ba Cụm Bắc), từ nấu ăn đến tắm giặt đều phụ thuộc vào hố nước không hợp vệ sinh này.


Những năm qua, bên cạnh nguồn kinh phí từ Chương trình 134, 135 và ngân sách huyện, các tổ chức phi chính phủ, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng hỗ trợ nguồn vốn không nhỏ để địa phương xây dựng các công trình nước sạch; hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình đào giếng, mua dụng cụ chứa nước phục vụ sinh hoạt… Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt đều bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng do yếu kém trong khâu quản lý và ý thức của người dân.


Ngoài ra, tình trạng thiếu nước sạch còn gây nhiều khó khăn cho các trường học tổ chức bán trú cho học sinh. Vào thời kỳ cao điểm của nắng hạn, mỗi ngày phụ huynh học sinh đều phải xách 2 can nước 5 lít đến trường cho con. Vì thế, vấn đề nước sạch đã trở thành mối quan tâm hàng đầu, thậm chí là bức xúc của chính quyền và nhân dân huyện Khánh Sơn hiện nay.


Chuyện sau đầu tư

 

Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Phó Ban Dân tộc, HĐND tỉnh: “Việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới hệ thống nước sạch tại Khánh Sơn là đương nhiên. Song điều quan trọng, cần thiết trước mắt cũng như về lâu dài là địa phương cần có cơ chế quản lý, vận hành hợp lý, hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ hệ thống nước. Các ngành, các cấp cần quan tâm hỗ trợ người dân kéo đường ống nước về từng hộ gia đình. Ban Dân tộc sẽ tham mưu cho UBND tỉnh về việc ban hành mức phí sử dụng nước phù hợp với điều kiện miền núi”.

Theo ông Mấu Thái Cư, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, các công trình nước sạch nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng là do địa hình phức tạp, hệ thống đường ống dẫn nước thường đi qua khe đồi, núi, sông suối, hay bị đứt gãy vì sạt lở đất hoặc nước lũ trong mùa mưa, địa phương không có kinh phí duy tu, sửa chữa. Mặt khác, các xã chưa làm tốt công tác quản lý đường ống cũng như trụ vòi, bể nước công cộng, còn người dân thì được sử dụng nước miễn phí nên chưa có ý thức tiết kiệm và bảo vệ hệ thống nước….


Ngoài ra, việc thi công các tuyến đường giao thông cũng là nguyên nhân làm hư hỏng hệ thống đường ống nước dẫn đến các khu dân cư tại các xã. “Trước đây, xã Ba Cụm Bắc sử dụng nguồn nước từ hệ thống đường ống đấu nối với thị trấn Tô Hạp và nước tự chảy từ đập Dù U. Năm 2009 - 2010, đơn vị thi công sửa chữa, nâng cấp Tỉnh lộ 9 đã làm hư hỏng gần như toàn bộ đường ống dẫn nước. Vừa rồi, huyện đấu nối lại đường ống nước từ thị trấn về xã, nhưng đến giờ cũng không có đủ nước cấp cho bà con. Hiện tại, tính cả nước máy, nước giếng và nước tự chảy, số hộ có nước sạch phục vụ sinh hoạt chỉ chiếm khoảng 20% toàn xã”, ông Mấu Xuân Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc cho biết.


Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết: “Để khai thác, sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt hiệu quả, huyện đã bàn giao cho từng xã trực tiếp quản lý hệ thống nước trên địa bàn. Theo đó, mỗi xã phân công một cán bộ quản lý hệ thống nước, kiểm tra, giám sát và nhắc nhở những hộ sử dụng nước lãng phí, không đúng mục đích. Tuy nhiên, chỉ có một người thì không thể quản lý được hệ thống nước của cả một xã, nhất là tình trạng người dân sử dụng nước sinh hoạt để phục vụ sản xuất nông nghiệp”.


Hiện nay, hai xã Sơn Hiệp, Sơn Trung đã vận động được khá nhiều hộ dân kéo đường ống nước vào tận nhà và lắp đồng hồ, tiến dần tới việc thu phí sử dụng nước. Việc này nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm nước của người dân và góp phần vào nguồn kinh phí sửa chữa hệ thống nước. Tuy nhiên, do xã không có thẩm quyền quyết định mức thu mà phải theo quy định của tỉnh, nên hiện nay, vẫn chưa thực hiện được chủ trương thu phí sử dụng nước của người dân. Vì thế, hiện nhiều hộ vẫn giữ thói quen sử dụng nước lãng phí, sai mục đích. Cá biệt, có hộ chỉ sau vài ngày lắp đồng hồ đã sử dụng đến 400m3 nước. Điều này dẫn đến những hộ ở khu vực cao hoặc xa nguồn luôn phải sống trong cảnh thiếu nước sinh  hoạt.


Cần có cơ chế quản lý, vận hành hiệu quả


 Từ năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành khảo sát, lập dự án xây dựng hồ chứa nước khu vực đầu nguồn xã Sơn Trung. Hồ có quy mô đầu tư trên 300 tỷ đồng để điều tiết nước trong mùa mưa, cung cấp nước tưới tiêu cho cây trồng và sinh hoạt của người dân thị trấn Tô Hạp và khu vực lân cận. Thế nhưng đến nay, do thiếu kinh phí nên dự án này vẫn chưa được triển khai thực hiện. Huyện cũng đã mời Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh lên khảo sát để đầu tư xây dựng nhà máy nước, cung cấp nước sạch cho người dân theo hình thức kinh doanh như vùng đồng bằng. Nhưng dự án này cũng không khả thi, vì với điều kiện miền núi khó khăn, bà con dân tộc thiểu số không thể trả mức phí sử dụng nước cao như những nơi khác. Do đó, địa phương chỉ có thể trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước cấp để nâng cấp, sửa chữa hệ thống công trình cung cấp nước hiện có, đồng thời xây mới một số đập nước nhỏ tại Ba Cụm Nam, Sơn Bình…


Ông Trần Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: Trước mắt, UBND huyện yêu cầu các ngành liên quan tiến hành khảo sát thực trạng của Nhà máy nước Tà Lương (thị trấn Tô Hạp) để có biện pháp ngăn dòng, tăng lượng nước cho bể chứa đầu nguồn, đảm bảo cung cấp nước cho người dân trong mùa khô. Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã xây dựng phương án thu phí sử dụng nước và cơ chế quản lý phù hợp với điều kiện địa phương, trình UBND huyện và tỉnh phê duyệt để sớm triển khai thực hiện nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm và bảo vệ hệ thống nước của người sử dụng.


Đinh Luận