11:03, 31/03/2014

Chống thất thu thuế trong kinh doanh vàng: Còn khó khăn

Thời gian qua, có không ít đơn vị kinh doanh vàng chưa tự giác kê khai nộp thuế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, việc quản lý hoạt động này vẫn là bài toán khó đối với cơ quan chức năng.

Thời gian qua, có không ít đơn vị kinh doanh vàng chưa tự giác kê khai nộp thuế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, việc quản lý hoạt động này vẫn là bài toán khó đối với cơ quan chức năng.


Doanh nghiệp chưa tự giác


Theo Nghị định 24 của Chính phủ, các đơn vị mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng đủ các tiêu chí: doanh nghiệp (DN) được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký DN. Để đáp ứng điều kiện này, các hộ kinh doanh vàng đều phải thực hiện chuyển đổi loại hình từ hộ cá thể lên DN, thời hạn chuyển đổi cuối cùng là ngày 25-5-2013.


Do mới chuyển sang hoạt động theo loại hình DN nên các đơn vị kinh doanh vàng còn hạn chế trong việc thực hiện ghi chép sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ và kê khai thuế. 6 tháng đầu năm 2013, có 58 DN được thành lập từ hộ kinh doanh. Tổng doanh thu kê khai gần 229,9 tỷ đồng (giảm hơn 49,7 tỷ đồng so với doanh thu khoán khi còn là hộ kinh doanh); thuế giá trị gia tăng (GTGT) kê khai 112,2 triệu đồng (giảm 450,4 triệu đồng so với thuế GTGT khoán). Con số này cho thấy, các DN kinh doanh vàng kê khai chưa đúng với hoạt động kinh doanh thực tế. Vì thực chất, khi chuyển lên DN, quy mô và tính chất hoạt động không thay đổi so với mô hình hộ kinh doanh.


Theo ông Phạm Hoài Trung - Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Nha Trang, các DN chưa tuân thủ quy định của Nhà nước, lợi dụng chính sách tự khai tự nộp để bỏ ngoài doanh thu, không kê khai thuế. Mặt khác, lâu nay, khi mua vàng, người dân chưa có thói quen lấy hóa đơn, vì họ thường dựa vào uy tín, ký hiệu của chủ tiệm đóng trên sản phẩm. Điều này tạo cơ hội cho các DN bán hàng không xuất hóa đơn, chỉ lập hóa đơn nhằm hợp thức đầu ra để khai thuế. Vì vậy, doanh thu và thuế giảm đi rất nhiều so với doanh thu và thuế thực hiện khi còn là hộ cá thể. Điều này gây thất thu thuế.

 


Nhiều biện pháp quản lý


Từ thực trạng trên, Chi cục Thuế TP. Nha Trang đã thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng. Chi cục đã kịp thời chỉ đạo việc quản lý thuế trong thời gian DN làm thủ tục chuyển đổi, đặt in hóa đơn nhằm quản lý thu đầy đủ tiền thuế vào ngân sách Nhà nước. Chi cục lập kế hoạch, chia nhiều tổ công tác đi khảo sát thực tế tại DN để nắm bắt quy mô hoạt động, việc thực hiện quy định về giá. Bên cạnh đó, tổ chức đối thoại với các DN nhằm giới thiệu một số chính sách liên quan, hướng dẫn phương pháp tính thuế, kê khai, nộp thuế...; tháo gỡ vướng mắc của DN trong quá trình kê khai, nộp thuế. Qua đối thoại, Chi cục thống nhất với các DN kê khai doanh thu và thuế GTGT không thấp hơn doanh thu và thuế GTGT khoán tháng 12-2012 của hộ cá thể cùng ngành nghề, quy mô và địa chỉ kinh doanh với DN. Đa số DN đồng tình với phương pháp này. Thời gian thực hiện bắt đầu từ kỳ kê khai thuế tháng 7-2013. Ngoài ra, Chi cục còn quản lý, giám sát chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế của DN; kịp thời hướng dẫn, đôn đốc DN thực hiện. Trường hợp DN không thực hiện kê khai, nộp thuế đúng quy định thì đề xuất kiểm tra thực tế kinh doanh, nếu vi phạm sẽ bị xử lý.

 

Ông Nguyễn Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Theo quy định, DN được xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện: là DN thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật, có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan Thuế)... Tuy nhiên, trên thực tế, các DN không đáp ứng các điều kiện trên vẫn lén lút kinh doanh vàng miếng. Cơ quan chức năng rất khó kiểm soát vấn đề này.

Sau 6 tháng thực hiện (từ tháng 7 đến 12-2013), 77 DN kinh doanh vàng với doanh thu kê khai hơn 462,1 tỷ đồng. Tuy chỉ bằng 86,3% so với doanh thu khoán tháng 12-2012, nhưng thuế GTGT kê khai gần 1,2 tỷ đồng (đạt 108,4% so với thuế GTGT khoán tháng 12-2012). Đến tháng 2-2014, có 3 DN tạm ngưng hoạt động. Doanh thu kê khai tháng 1 và 2-2014 của 74 DN hơn 165,4 tỷ đồng (bằng 95,4% so với doanh thu khoán tháng 12-2012); thuế GTGT kê khai là 364,1 triệu đồng (tăng 2,4% so với thuế GTGT khoán tháng 12-2012).


Theo ông Phạm Hoài Trung, tuy các DN đã thống nhất biện pháp quản lý của cơ quan Thuế nhưng vẫn còn một số đơn vị kê khai chưa đạt về doanh thu. Hàng tháng, Chi cục phải kiểm tra chặt chẽ việc kê khai, yêu cầu DN khai bổ sung hoặc điều chỉnh vào kỳ kê khai tiếp theo. Năm 2014, trên cơ sở khảo sát thực tế từng DN, xác định doanh thu và thuế GTGT thực tế từng mặt hàng kinh doanh, Chi cục xây dựng mức doanh thu và tính thuế phù hợp.


Thời gian tới, Chi cục tăng cường tuyên truyền các chính sách thuế mới cho DN; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai, thực hiện chế độ sổ sách kế toán, nộp thuế... để nắm bắt kịp thời các DN có rủi ro cao về thuế, đưa vào kế hoạch kiểm tra. Bên cạnh đó, Chi cục Thuế cũng kiến nghị Cục Thuế báo cáo UBND tỉnh có chủ trương triển khai thống nhất việc quản lý kinh doanh vàng trong toàn tỉnh, tạo điều kiện cho cơ quan Thuế dễ kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng, góp phần chống thất thu ngân sách Nhà nước.


KIM THAO