Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa xung quanh việc chăm lo đời sống cho phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng biển, đảo.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Khánh Hòa xung quanh việc chăm lo đời sống cho phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng biển, đảo.
- Thưa bà, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã quan tâm đến đời sống hội viên, phụ nữ, nhất là hội viên, phụ nữ nghèo như thế nào?
- Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực chăm lo cho đời sống hội viên, phụ nữ, nhất là việc phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, thông qua nhiều hình thức hỗ trợ vốn vay, hàng năm giúp hàng nghìn phụ nữ có việc làm, tăng gia sản xuất, buôn bán nhỏ, qua đó tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện Hội là đơn vị dẫn đầu về tổng dư nợ ủy thác với hơn 777 tỷ đồng, chiếm 50% tổng vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội và tổng dư nợ ủy thác các nguồn vốn vay tăng bình quân 80 tỷ đồng/năm. 5 năm qua, trung bình mỗi năm có hơn 10.000 phụ nữ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, trong đó hơn 7.000 phụ nữ nghèo làm chủ hộ được vay và có khoảng 1.400 chị thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Song song với hỗ trợ nguồn vốn, Hội còn hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi cây trồng vật nuôi thông qua các khóa tập huấn; hoặc phối hợp với các trường dạy nghề đào tạo nghề, phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho hàng nghìn chị…
- Năm 2013, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã đánh giá cao công tác tuyên truyền biển, đảo cũng như chăm lo cho đời sống phụ nữ vùng biển, đảo của Hội LHPN Khánh Hòa. Xin bà cho biết thêm thông tin về vấn đề này?
- Xác định rõ tầm quan trọng của biển, đảo trong sự phát triển kinh tế, chính trị của đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay, với đặc thù là tỉnh ven biển, có huyện đảo Trường Sa, Hội đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền về biển đảo và chủ quyền biên giới biển; phối hợp với các Đồn Biên phòng tổ chức nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền sân khấu hóa về biển đảo, chủ quyền biên giới biển. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất các hộ gia đình sống tại các đảo của huyện đảo Trường Sa; hỗ trợ phụ nữ vùng biển phát triển kinh tế như: giúp 8.310 hội viên, phụ nữ khó khăn vay vốn với số tiền gần 113 tỷ đồng; mở 30 lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng dừa xiêm chất lượng cao, làm bánh, học nghề may cho 1.450 phụ nữ; giới thiệu 1.857 chị có việc làm. Kết quả, có 1.351 chị vượt qua khó khăn (đạt 16,3%). Năm 2013, 100% cơ sở Hội ở vùng biển và ven biển đạt vững mạnh và khá, không có yếu kém.
Đặc biệt trong năm, Hội LHPN huyện Cam Lâm đã thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ hướng về biển đảo” tại xã Cam Thành Bắc với 51 thành viên; Hội LHPN TP. Cam Ranh thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ “Hậu phương Trường Sa” tại phường Cam Nghĩa với 20 thành viên. Thành viên của các câu lạc bộ là những chị em có chồng, người thân đang công tác tại các xã đảo Trường Sa. Thông qua các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ, chị em có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, từ đó khơi dậy lòng tự hào, tình yêu đối với biển đảo, quê hương, đất nước nói chung, Trường Sa nói riêng. 2 câu lạc bộ còn là nơi tổ chức các hoạt động ý nghĩa, gắn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với những việc làm thiết thực nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, hội viên, phụ nữ có chồng, người thân công tác ở Trường Sa. Đồng thời tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, hội viên, phụ nữ để họ sẻ chia, giúp đỡ, động viên chồng và người thân công tác ở Trường Sa vững lòng hoàn thành nhiệm vụ.
- Để tiếp tục chăm lo tốt cho đời sống hội viên, nhất là hội viên nghèo, thời gian tới, Hội sẽ chú trọng những hoạt động nào, thưa bà?
- Tổ chức Hội sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt công tác hỗ trợ vốn vay để phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, tập trung hỗ trợ cho phụ nữ nghèo vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, vùng biển đảo và ven biển; đa dạng hóa các phương thức hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế phù hợp với nhu cầu. Cùng với đó, chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm, thành lập các mô hình liên kết sản xuất để chị em có cơ hội làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, thực tế nhiều hộ thoát nghèo nhưng chưa bền vững, có nguy cơ tái nghèo, tỷ lệ phụ nữ tìm việc làm sau học nghề chưa cao, tình trạng thiếu việc làm và việc làm không ổn định của phụ nữ nông thôn ven đô và phụ nữ vùng biển còn nhiều… Đó là những trăn trở và cũng là một trong những nhiệm vụ của tổ chức Hội trong thời gian tới trong việc chăm lo đời sống, phát triển kinh tế cho hội viên, phụ nữ.
- Xin cảm ơn bà!
Minh Thiết (Thực hiện)