07:03, 20/03/2014

Ấm một mái nhà

Thầm lặng nuôi dạy những trẻ em bất hạnh, cán bộ, nhân viên Làng trẻ em SOS Nha Trang đã làm tròn nhiệm vụ xã hội giao phó bằng tất cả tình thương và trách nhiệm.

Thầm lặng nuôi dạy những trẻ em bất hạnh, cán bộ, nhân viên Làng trẻ em SOS Nha Trang đã làm tròn nhiệm vụ xã hội giao phó bằng tất cả tình thương và trách nhiệm.


Tận tình nuôi dạy


Tại Làng trẻ em SOS Nha Trang, những căn nhà nằm khuất sau hàng cây vang lên tiếng trẻ bi bô đọc bài xen lẫn tiếng cười nô đùa, tạo nên không gian yên lành, ấm áp. Gia đình chị Đoàn Thị Hồng (mẹ của nhà 1A) có 7 đứa con, nhỏ nhất mới 2 tuổi, lớn nhất đã 21 tuổi. Chị Hồng chia sẻ: “Nếu không có lòng thương yêu con trẻ thì không thể chăm sóc, nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành. Tuy việc chăm sóc, nuôi dạy rất nhọc công, nhưng bù lại, tôi thấy hạnh phúc và hãnh diện vì các con luôn ngoan hiền và hiếu thảo. Các con khôn lớn, trưởng thành mỗi ngày đã tiếp thêm sức mạnh để tôi cố gắng hơn nữa, làm tròn trách nhiệm làm mẹ…”.


Hàng ngày, ngoài việc chăm lo, nuôi dạy, cán bộ, nhân viên và các mẹ, dì ở Làng còn phải giáo dục kỹ năng sống, tâm lý giới tính, pháp luật... cho các trẻ. Những mất mát thiệt thòi của trẻ em được cán bộ, nhân viên và các mẹ, dì cố gắng bù đắp, xoa dịu bằng tình thương và trách nhiệm. Em Võ Thành Đạt (sinh năm 1998, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, vào Làng năm 2000) cho biết: “Các cô, chú và các mẹ ở đây không chỉ nuôi dạy mà còn trao cho chúng em niềm hạnh phúc, sự ấm áp của một gia đình và niềm tin yêu vào cuộc sống”. Đạt vốn mồ côi mẹ, cha bỏ đi lấy vợ khác, em sống lang thang nay đây mai đó, không được ai dạy dỗ, che chở. Từ ngày vào làng, Đạt đã trưởng thành lên rất nhiều nhờ vòng tay chăm sóc, bảo ban của các mẹ, dì. Giờ đây, Đạt đang học lớp 10; năm nào em cũng đạt thành tích cao trong học tập, luôn được nhà trường và Làng biểu dương.

 

Sống ở Làng trẻ em SOS Nha Trang, các em luôn được nuôi dưỡng, giáo dục chu đáo.
Sống ở Làng trẻ em SOS Nha Trang, các em luôn được nuôi dưỡng, giáo dục chu đáo.


Hầu hết trẻ vào Làng SOS thuộc nhiều vùng miền, lứa tuổi khác nhau, nhưng có điểm chung là thiếu thốn tình cảm, sự chăm sóc của bậc sinh thành. Để cho trẻ vào nề nếp, coi nhau như anh em một nhà, cán bộ, nhân viên và các mẹ, dì luôn tận tâm chăm sóc, giáo dục, giúp các em sớm tự lập cuộc sống. Không phụ lòng chăm sóc, nhiều em đã nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập...


Không ngừng học tập theo gương Bác

 

Hiện nay, Làng trẻ em SOS Nha Trang có 51 cán bộ nhân viên, 16 mẹ, dì. Làng đang chăm sóc, nuôi dưỡng 173 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 42 em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng... Hàng tháng, trẻ em dưới 12 tuổi được hưởng trợ cấp 400.000 đồng của Làng trẻ em SOS Việt Nam và 140.000 đồng của tỉnh; trẻ từ 12 tuổi trở lên hưởng trợ cấp 510.000 đồng của Làng trẻ em SOS Việt Nam và 130.000 đồng của tỉnh.

Ông Lê Hùng Nghệ - Trợ lý Giám đốc Làng trẻ em SOS Nha Trang cho biết, Làng đã chú trọng lồng ghép nội dung học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh vào từng lĩnh vực chuyên môn, nhờ đó, đã góp phần làm chuyển biến nhanh, mạnh về mặt tư tưởng và hành động trong mỗi cán bộ, nhân viên, mẹ, dì. Đây cũng là dịp để toàn thể cán bộ, nhân viên, mẹ, của làng khắc phục thiếu sót, khuyết điểm và đề ra hướng phấn đấu, không ngừng nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dạy những mảnh đời bất hạnh được chu đáo hơn.


Chị Hồ Thị Kiều (mẹ của nhà 12A) cho biết: “Trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy, chúng tôi luôn xem các em như con đẻ, luôn dành cho bọn trẻ những gì tốt đẹp nhất. Tinh thần, trách nhiệm ấy cũng là nhờ Làng thường xuyên quán triệt, xây dựng các mục tiêu phấn đấu về việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức của Bác cho mỗi cá nhân. Bản thân tôi luôn rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, không ngừng trau dồi kiến thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.


 Ông Lê Hùng Nghệ nói: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc, nuôi dạy và mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh đang sinh sống nơi đây...”.


VĂN GIANG