Thông tư 30/2012/TT-BYT (Thông tư 30) của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố đã có hiệu lực hơn 1 năm nay. Thế nhưng, bên cạnh việc người dân không hề biết hoặc không quan tâm, cơ quan chức năng cũng còn lúng túng trong việc thực thi những quy định tại Thông tư.
Thông tư 30/2012/TT-BYT (Thông tư 30) của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố đã có hiệu lực hơn 1 năm nay. Thế nhưng, bên cạnh việc người dân không hề biết hoặc không quan tâm, cơ quan chức năng cũng còn lúng túng trong việc thực thi những quy định tại Thông tư.
Người bán chưa biết
Theo quy định tại Thông tư 30 (có hiệu lực thi hành từ ngày 20-1-2013), các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải bố trí kinh doanh ở khu vực công cộng bảo đảm sạch sẽ, không ô nhiễm môi trường; giá, tủ để bày thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60cm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn liền phải dùng găng tay sử dụng 1 lần...
Hiện nay phần lớn các điểm kinh doanh thức ăn đường phố đều không tuân thủ theo quy định. Theo quan sát của chúng tôi, các điểm bán thức ăn đường phố phần lớn đều rất tạm bợ, thức ăn không có dụng cụ bảo quản hợp vệ sinh và chống được bụi bẩn, ruồi nhặng, côn trùng; hầu hết người bán hàng dùng tay trần để lấy thức ăn và thối tiền cho khách.
Đa số các điểm bán thức ăn đường phố đều không che đậy thức ăn. |
Có một thực trạng đáng buồn, dù Thông tư 30 đã có hiệu lực hơn 1 năm nay, nhưng khi được hỏi thì có rất nhiều người kinh doanh thức ăn đường phố vẫn tỏ ra khá mơ hồ, không biết Thông tư này. Chị Trần Thu Hồng, một người bán bánh canh trên đường Huỳnh Thúc Kháng (TP. Nha Trang) cho biết: “Tôi bán trên 10 năm nhưng chưa biết về quy định này. Lâu nay cũng không thấy ai nhắc nhở hay thông báo, tuyên truyền gì về Thông tư 30 cả. Người ta bán sao mình bán vậy là được”.
Còn nhiều bất cập
Có thể thấy, việc siết chặt quản lý ATTP thức ăn đường phố là hoàn toàn đúng đắn, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng. Đã có không ít trường hợp ngộ độc thực phẩm bắt nguồn từ các loại thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, đến nay những quy định tại Thông tư 30 vẫn chưa được quan tâm đúng mức, ý thức của cộng đồng về vấn đề vệ sinh thực phẩm chưa cao. Nhiều người vẫn vô tư ngồi thưởng thức các loại thức ăn đường phố như bún thịt nướng, bánh xèo, phở, bánh canh... ngay lề đường thiếu vệ sinh.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý cũng tỏ ra khá lúng túng trong việc thực hiện Thông tư 30, bởi việc áp dụng các quy định vào thực tế không hề đơn giản. Cái khó trong quản lý ATTP thức ăn đường phố là người bán hàng có nhiều cái “không”: Không vốn, không điều kiện kinh doanh... Do đó, chỉ có thể hỗ trợ, giáo dục cho các hộ kinh doanh là chính.
Bác sĩ Lê Đình Đờn - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP Khánh Hòa cho biết: “Thông tư 30 đã có hiệu lực hơn 1 năm, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Bên cạnh đó, hiện chưa có phân cấp quản lý thức ăn đường phố nên chưa ai quản lý”. Cũng theo bác sĩ Lê Đình Đờn, việc quản lý thức ăn đường phố sẽ được giao cho cấp xã, phường, nhưng do chưa có hướng dẫn nên xã, phường cũng chưa quản lý được. Hiện Khánh Hòa chỉ mới làm điểm quản lý thức ăn đường phố ở phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang, sắp tới sẽ có báo cáo về mô hình điểm này.
Việc quản lý ATTP thức ăn đường phố là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện tốt cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương và cơ quan có chuyên môn.
Đình Lâm