Ngay sau khi có bệnh nhân nhiễm vi rút cúm A/H1N1 đầu tiên tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nhiều người dân còn thiếu thông tin về dịch bệnh.
Ngay sau khi có bệnh nhân (BN) nhiễm vi rút cúm A/H1N1 đầu tiên tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nhiều người dân còn thiếu thông tin về dịch bệnh.
Từ 2 trường hợp nhiễm bệnh
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh, đến ngày 18-2, huyện Khánh Sơn đã xác định có 2 BN dương tính với vi rút cúm A/H1N1 là B.B.T.X. và B.B.T.H. (cùng trú thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình). Căn cứ vào kết quả giám sát dịch tễ của Đội YTDP huyện, BN X. từng ăn thịt gà trước khi mắc bệnh; còn BN H. bị nhiễm cúm do tiếp xúc với chị X. Theo ông Lê Hữu Thọ, Đội phó Đội YTDP huyện, ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm YTDP tỉnh, Đội YTDP huyện đã tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực các BN sinh sống; điều tra, lập danh sách những người đã tiếp xúc với các BN và giao Trạm Y tế xã Sơn Bình hàng ngày giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách phòng tránh lây nhiễm vi rút cúm A/H1N1. Theo cán bộ Trạm Y tế xã Sơn Bình, đến nay, tình hình sức khỏe của những người trong danh sách theo dõi vẫn bình thường.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, phương tiện, dụng cụ, khu vực cách ly để tiếp nhận những trường hợp nghi nghiễm cúm. “Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguồn lây của loại vi rút cúm A/H1N1 tại Khánh Sơn. Cả 2 BN nói trên đều tiếp xúc với khá nhiều người tại nơi cư trú khi đã nhiễm bệnh. Nhưng việc xác định cụ thể từng người và theo dõi, giám sát tình hình sức khỏe của họ không đơn giản, vì hiện đang là thời vụ sản xuất nên người dân thường vắng nhà, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh lây lan ra cộng đồng”, ông Thọ cho biết.
Ảnh minh họa |
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Tuy trên địa bàn huyện chưa phát hiện ổ dịch cúm GC, nhưng đã có hiện tượng một số GC ở gần nhà 2 BN nói trên bị chết. Đến nay, Trạm Thú y huyện vẫn chưa lấy mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân khiến GC chết. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại Khánh Sơn vẫn giữ thói quen thả rông GC và chủ quan với việc phòng, chống dịch bệnh cho GC. Theo cán bộ Trạm Thú y huyện, trước Tết Nguyên đán, Trạm đã tiến hành lấy mẫu GC tại một số xã, thị trấn để xét nghiệm, kết quả đều âm tính với vi rút H5N1, tuy nhiên trong đó lại không có mẫu GC tại xã Sơn Bình.
Theo ông Lê Tấn Phùng - Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế, tuy đã chủ động triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời phương án phòng, chống dịch cúm A/H1N1, nhưng ngành Y tế huyện Khánh Sơn cần phối hợp chặt chẽ hơn với Trạm Thú y và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, sớm tổ chức tập huấn nhắc lại cho cán bộ y tế từ huyện đến xã, kể cả y tế thôn bản về phòng, chống dịch cúm A/H1N1, H5N1 và H7N9”.
Tình hình dịch cúm A/H1N1 và cúm GC H5N1 trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng nhiều người dân vẫn thiếu thông tin cần thiết về dịch bệnh. Vì vậy, ngành Y tế huyện Khánh Sơn cần tăng cường phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tránh tâm lý hoang mang, hoặc chủ quan trong nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
ĐINH LUẬN