12:02, 20/02/2014

Ô nhiễm vì nước thải sinh hoạt

Tuy mới chuyển về nơi ở mới tại Khu tái định cư Đất Lành (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) nhưng người dân phải sống chung với ô nhiễm...

Tuy mới chuyển về nơi ở mới tại Khu tái định cư (KTĐC) Đất Lành (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) nhưng người dân phải sống chung với ô nhiễm ...


Đường thành nơi xả nước thải


Nhìn từ xa, KTĐC Đất Lành rất khang trang; nhưng khi đi vào các con đường nội bộ, nhiều người không khỏi bất ngờ vì rất mất vệ sinh. Ở ô số 7, bất kể ngày đêm, nước thải sinh hoạt từ các nhà dân cứ chảy rả rích trên đường. Do nước chảy quá lâu nên nền đường đã biến dạng, hình thành những mảng rêu xanh bốc mùi hôi. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (lô 138) cho biết: Gia đình bà mới xây nhà ở hơn 1 năm nhưng đã ngán ngẩm cuộc sống nơi đây, vì dòng nước thải sinh hoạt hôi thối cứ chảy liên tục trước nhà. Hồi mới về đây, bà mở quán nước để kiếm kế sinh nhai nhưng dòng nước thải cạnh quán bốc mùi hôi nồng nặc khiến khách dần đi hết, quán phải đóng cửa.


Ông Nguyễn Văn Đỗ - Trưởng Ban Mặt trận thôn Vĩnh Xuân (lô 29) vừa loay hoay bơm nước thải sinh hoạt từ hầm chứa trong nhà ra cống thoát nước vừa cho biết: Đây là KTĐC cho khoảng 150 hộ bị giải tỏa khi thực hiện Dự án chỉnh trị hạ lưu sông Tắc và sông Quán Trường, nhưng đến nay mới có 80 hộ chuyển đến ở. Khu vực Đất Lành có nền đất sét cứng lẫn đá mồ côi nên khả năng thấm nước thải sinh hoạt rất hạn chế. Như gia đình ông, nếu ở nhà cũ, hệ thống hầm tự hoại chỉ có 5 ống bi, sử dụng 6 - 7 năm mới hút một lần. Thế nhưng, về KTĐC Đất Lành, ông làm hầm tự hoại lên đến 10 ống bi mà chỉ mới 3 ngày đã đầy. Cứ 3 ngày một lần, ông phải dùng máy để bơm nước thải từ trong nhà ra hệ thống thoát nước công cộng cách đó hơn 50m. “Việc này không chỉ tốn kém mà còn rất mất vệ sinh và mất thời gian. Tôi già rồi nhưng vẫn phải làm, chứ để nước chảy tràn ra đường thì càng mất vệ sinh hơn” - ông Đỗ chia sẻ.

 

Nước thải chảy trên mặt đường bê tông.
Nước thải chảy trên mặt đường bê tông.


Tuy nhiên, không phải hộ dân nào ở đây cũng có điều kiện dùng máy bơm như gia đình ông Đỗ. Phần lớn các hộ đều nghèo phải đi làm cả ngày nên không có thời gian để bơm nước. Vì thế, tất cả nước thải sinh hoạt trong các gia đình đều đổ ra trước nhà. Trong khi đó, các đường bê tông nội bộ lại không có cống thoát nước nên nước thải cứ chảy tràn trên mặt đường. Chiều tối là lúc cao điểm xả nước thải ra đường nên cả khu phố đều “chịu trận”. Anh Nguyễn Ngọc Linh (lô 82) cho biết: “Nhà tôi ở cuối đường nên nước thải cả khu phố đổ dồn xuống trước cửa nhà, nhưng cũng đành phải chấp nhận vì đây là tình trạng chung. Người dân sống ở đây cũng chẳng thoải mái, từ chuyện tắm, giặt đến đi vệ sinh vì sợ hầm chứa đầy”.


Nguy cơ dịch bệnh


Nước thải sinh hoạt không thoát được, đọng thành các vũng lớn giữa khu dân cư, sinh ra nhiều ruồi, muỗi. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, tuy đã ngủ mùng nhưng vừa qua, 2 mẹ con bà đã bị sốt xuất huyết, phải đi bệnh viện.


Dòng nước trên đường đóng rêu xanh còn gây nguy hiểm cho người già, trẻ em và người đi xe vì trơn trượt. “Bữa trước, có đứa bé giẫm rêu nên bị trượt té. Chúng tôi ở đây có cháu nhỏ mà cứ phải giữ trong nhà, không dám cho ra chơi trước nhà vì sợ trượt té” - bà Huyền nói. Để giảm trơn trượt, có hộ đã dùng xi măng tráng cao phần đường phía nhà mình, khiến một số đoạn đường bê tông bị biến dạng. Thậm chí, có người sợ đầy hầm chứa không dám đi vệ sinh trong nhà nên đã phóng uế bừa bãi ở các khu đất trống, gây mất vệ sinh chung...


Người dân đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này đến các cấp và vận động cùng nhau dọn dẹp vệ sinh. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm cứ tái diễn vì không biết xử lý nước thải như thế nào. Ông Võ Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết: Để tránh ô nhiễm kéo dài, UBND xã đã đề nghị UBND TP. Nha Trang chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm có hướng giải quyết.


Theo UBND TP. Nha Trang, tình trạng nước thải gây ô nhiễm tại KTĐC Đất Lành là vấn đề được cử tri địa phương rất quan tâm. UBND thành phố đã xem xét và có chủ trương giao Ban quản lý Dự án các công trình xây dựng thành phố làm chủ đầu tư dự án xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt tại khu vực này với diện tích 19,1ha. Nước thải sau khi xử lý tự hoại trong các hộ gia đình được thu gom vào hệ thống cống thoát nước mưa. Tuy nhiên, về lâu dài, phải chờ đầu tư hệ thống xử lý nước thải phía Nam thành phố (tại xã Phước Đồng). Đồng thời, để giảm thiểu mức độ ô nhiễm, thành phố yêu cầu các hộ dân phải đảm bảo xây dựng hệ thống bể tự hoại đúng quy định trước khi cho nước thải vào hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt.


Minh Thiết