11:02, 25/02/2014

Khu giết mổ tập trung tại TP. Nha Trang: Chọn quy mô nhỏ

Sau hơn 10 năm trầy trật triển khai xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (gọi tắt là khu giết mổ tập trung) tại TP. Nha Trang, cuối cùng, tỉnh Khánh Hòa cũng đã chọn được giải pháp.

Sau hơn 10 năm trầy trật triển khai xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (gọi tắt là khu giết mổ tập trung - KGMTT) tại TP. Nha Trang, cuối cùng, tỉnh Khánh Hòa cũng đã chọn được giải pháp.


Bài học nhãn tiền


Huyện Diên Khánh là địa phương tiên phong xây dựng KGMTT tại 2 Hợp tác xã Diên Toàn và Suối Tân từ năm 2002 (lúc này, Suối Tân vẫn thuộc huyện Diên Khánh). Quy mô mỗi khu giết mổ 50 con gia súc/ngày, kinh phí khoảng 300 triệu đồng, gồm: nơi giết mổ, nơi nuôi nhốt và hệ thống xử lý nước thải... Thời gian đầu, do huyện siết chặt công tác quản lý nên hiệu quả đạt khá, hoạt động giết mổ chui giảm rõ rệt. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi lực lượng liên ngành không kham nổi thì KGMTT rơi vào tình trạng như trước; hiện nay, hàng ngày, ở đây chỉ giết mổ hơn 10 gia súc các loại. Huyện Diên Khánh cũng quy hoạch KGMTT phía Tây tại xã Diên Phước, nhưng không có chủ lò mổ tư nhân nào chịu vào làm. Ông Lương Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện ngán ngẩm: “Thời gian đầu, đêm nào, lực lượng liên ngành cũng phải kiểm tra các lò mổ chui. Kéo dài 2 năm đằng đẵng, sức chịu đựng có hạn nên đội liên ngành giải tán, thế là đâu lại vào đấy”. Ông Sáu lý giải, giết mổ tại KGMTT khó thu hút là do còn lắm nhiêu khê (tốn phí, chi phí vận chuyển, mất thời gian...). Việc thu giữ thịt không có dấu thú y khó thực hiện nên các lò mổ chui vẫn hoạt động.  


Huyện Cam Lâm cũng đã xây dựng KGMTT tại thị trấn Cam Đức từ năm 2010. Giai đoạn đầu, huyện xây dựng các hạng mục cơ bản như: Điện, nước, văn phòng rồi kêu gọi người dân vào làm. Tuy nhiên, qua 3 năm vận động, việc xã hội hóa không thành, cơ sở vật chất xuống cấp. Huyện có chủ trương xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục của khu vực giết mổ để thu hút người dân, tuy nhiên, do kinh phí gặp khó khăn nên KGMTT còn dở dang. Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Liên tục 3 năm qua, huyện ra sức vận động các chủ lò mổ vào KGMTT nhưng họ không chịu. Huyện đang kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại...”.

 

1
Các khu giết mổ tập trung trên địa bàn cả nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)


Chọn quy mô nhỏ


Tình hình xây dựng KGMTT tại TP. Nha Trang không hơn gì tại các huyện. Sau nhiều lần thay đổi vị trí, cuối cùng các cơ quan chức năng cũng đã chọn được địa điểm tại Trảng É (xã Phước Đồng). Đơn vị tư vấn cho biết, giai đoạn đầu xây dựng trên 9ha (trong tổng diện tích 12ha). Các hạng mục chính bao gồm: khu giết mổ heo (công suất 480 con/ngày), bò (100 con/ngày), gà vịt (2.400 con/ngày); nhà làm việc; chợ đầu mối; kho bãi; kho lạnh; chuồng cách ly; khu xử lý thú chết; khu rửa xe; khu xử lý nước thải lưu lượng 630m3/ngày đạt quy chuẩn loại B... Tổng kinh phí đầu tư khoảng 209 tỷ đồng (trong đó dự phòng 55 tỷ đồng).


Tuy nhiên, tỉnh nhiều lần yêu cầu rà soát, giảm quy mô đầu tư vì KGMTT có kinh phí quá lớn, hiệu quả chưa rõ. Mới đây, UBND tỉnh đã họp các ngành, địa phương liên quan để quyết định quy mô của KGMTT ở TP. Nha Trang. Ông Mai Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường không đồng tình với quy mô nêu trên: “Hiện tại, Chính phủ đã có quy định đầy đủ, chi tiết về cơ chế, chính sách KGMTT, nhưng cả nước chẳng có nơi nào thành công. Do vậy, trước mắt, chỉ đặt vấn đề là tập trung về một nơi để dễ quản lý, chưa vội xây dựng một cách quy mô làm lãng phí tiền của Nhà nước; cần quan tâm đến vấn đề vận hành sao cho hiệu quả nhất...”. Cùng quan điểm trên, ông Ngô Xuân Quảng - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh nêu ý kiến: “Xây dựng KGMTT không nơi nào thành công, ngay cả giao cho tư nhân, nguyên nhân do chúng ta không đủ lực lượng, công sức, thời gian để “dập” các lò mổ chui. Vì vậy, hiện nay, việc xây dựng KGMTT chỉ cần quy mô nhỏ. Điều quan trọng là xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút chủ lò mổ tham gia...”.


Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh đã gửi phản biện cho UBND tỉnh, trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn khi xây dựng KGMTT. Liên hiệp kiến nghị cần phân kỳ đầu tư; ưu tiên các hạng mục quan trọng, thiết yếu; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút người dân tham gia...  


Quyết định phương án đầu tư xây dựng KGMTT TP. Nha Trang, đồng chí Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: “TP. Nha Trang cần khẩn trương nghiên cứu, lựa chọn phương án đầu tư theo hướng quy mô nhỏ, kiểu đơn nguyên là phù hợp. Trước mắt, chưa đặt vấn đề hiệu quả đầu tư mà mục tiêu là có địa điểm, có nơi để người dân đưa gia súc vào giết mổ. Quan trọng hơn, TP. Nha Trang cần quan tâm tìm hiểu nguyện vọng người dân để xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, phù hợp...”.


P.L