09:02, 18/02/2014

Hoang phế các khu vui chơi cho trẻ

Hiện toàn tỉnh Khánh Hòa có 31 điểm vui chơi giải trí cho trẻ em cấp xã được xây dựng bằng kinh phí ngân sách từ trước năm 2004, với kinh phí cấp cho mỗi điểm khoảng 200 triệu đồng. Sau khi xây dựng xong, các điểm vui chơi này được giao lại cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý, sử dụng.

Hiện toàn tỉnh Khánh Hòa có 31 điểm vui chơi giải trí cho trẻ em cấp xã được xây dựng bằng kinh phí ngân sách từ trước năm 2004, với kinh phí cấp cho mỗi điểm khoảng 200 triệu đồng. Sau khi xây dựng xong, các điểm vui chơi này được giao lại cho UBND xã, phường, thị trấn quản lý, sử dụng. Đến nay, các điểm này không còn sử dụng được.


Khu vui chơi: có nhưng không... chơi được!


Khu vui chơi trẻ em xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh nằm ngay trung tâm của xã nhưng đập vào mắt mọi người là khung cảnh hoang tàn. Cả khu vui chơi rộng hàng ngàn mét vuông cỏ mọc um tùm, không có một bóng người. Bước qua cánh cổng gỉ sét, khung cảnh càng tàn tạ hơn khi các dụng cụ vui chơi bị gãy, bể vương vãi trên sân. Địa điểm vui chơi của hàng trăm trẻ em nay trở thành bãi chăn thả trâu bò. Tòa nhà chính giữa khu vui chơi đã xuống cấp, trần sụt, cửa kính vỡ.


Theo bà Hồ Thị Linh Ngọc, ở thôn Xuân Đông, xã Diên Xuân, khu vui chơi này đã được đầu tư từ 10 năm trước. Lúc mới hoàn thành, đây là tụ điểm văn hóa của xã. Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng rất thích đến đây vào mỗi buổi chiều. Thế nhưng do không được sửa sang, tu bổ nên công trình nhanh chóng xuống cấp từ 4 năm nay. Nhiều gia đình còn không cho con em vào khu vực này vì sợ tai nạn.

 

Khu vui chơi trẻ em xã Diên Xuân, Diên Khánh không còn hoạt động gần 5 năm nay.
Khu vui chơi trẻ em xã Diên Xuân, Diên Khánh không còn hoạt động gần 5 năm nay.


Ông Nguyễn Thành Được (xã Diên Xuân) cho biết: “Khu vui chơi được Nhà nước bỏ ra cả trăm triệu đồng đầu tư, bây giờ bỏ hoang thì uổng phí quá. Trẻ em không còn chỗ chơi nên thường vào các tiệm internet, hoặc ra các bãi sông để chơi, trong khi bố mẹ không quản lý được nên rất nguy hiểm. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, trẻ em ra bờ sông Cái chơi rất dễ bị nước cuốn”.


Tại huyện Khánh Vĩnh, khu vui chơi trẻ em của xã Khánh Hiệp cũng trong tình trạng tương tự. Cả khu vui chơi nay chỉ còn duy nhất một máng trượt nhưng không có cầu thang lên. Ông Võ Văn Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp cho biết, khu vui chơi đã không còn hoạt động từ 4 - 5 năm nay. Sắp tới, nơi này sẽ được đầu tư để xây dựng thành trụ sở UBND xã.


Cần có cơ chế quản lý phù hợp


Theo ông Võ Văn Thế, các điểm vui chơi trẻ em trong xã xuống cấp do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do công tác quản lý. Công trình này trước đây được giao cho Đoàn Thanh niên xã nhưng việc quản lý còn lỏng lẻo, kinh phí quản lý không có nên gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do công trình ngoài trời nên các hạng mục đã nhanh chóng xuống cấp.

 

Theo giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có đầu tư xây dựng mới điểm vui chơi giải trí cho trẻ em. Trong toàn tỉnh có 31 điểm vui chơi giải trí cho trẻ em cấp xã được xây dựng bằng kinh phí ngân sách từ trước năm 2004, với kinh phí cấp cho mỗi điểm khoảng 200 triệu đồng, sau khi xây dựng xong các điểm vui chơi này được giao lại cho UBND xã/phường/thị trấn quản lý, sử dụng. Đến nay, các điểm này không còn sử dụng được.

Tháng 12-2013, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh có báo cáo kết quả giám sát về tình hình hoạt động và hiệu quả của việc đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát cho thấy, các tụ điểm vui chơi này qua thời gian sử dụng không được duy tu, bảo dưỡng, không có người quản lý nên đến nay hầu hết đã hư hỏng, không còn sử dụng được. Mặt khác, công tác xã hội hóa, kêu gọi đầu tư đối với các thiết chế văn hóa dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng, trong đó có các khu vui chơi trẻ em chưa được chú trọng, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khảo sát, quy hoạch các thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi giải trí của thanh thiếu niên. Đồng thời chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố hàng năm ưu tiên đầu tư từ một đến hai thiết chế văn hóa cấp xã theo Chương trình nông thôn mới. Bên cạnh đó có chính sách, chế độ cho đội ngũ cán bộ phụ trách, quản lý để các công trình đầu tư phát huy hiệu quả.


Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết, trẻ em nông thôn miền núi đang chịu nhiều thiệt thòi vì xa trung tâm vui chơi. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư các tụ điểm vui chơi để đáp ứng phần nào nhu cầu của các em. Bên cạnh đó, phải có cơ chế quản lý sao cho phù hợp để phát huy được hiệu quả các tụ điểm này. Trò chơi cũng phải hiện đại hơn để thu hút trẻ em thay vì đầu tư các dụng cụ cơ khí: Bập bênh, cầu tuột, xích đu như trước đây. Việc xã hội hóa đang là một giải pháp, nhưng với điều kiện kinh tế - xã hội của miền núi, nông thôn, thu nhập của người dân còn thấp nên vấn đề này sẽ gặp khó khăn. “Khi xã hội hóa, người đầu tư tính toán đến việc thu hồi vốn, việc thu lợi. Như vậy, liệu người ta có đầu tư ở miền núi, nông thôn hay không? Nếu đầu tư rồi, thì trẻ em có thể tham gia vui chơi được hay không?” - bà Yến đặt vấn đề.


Cũng theo bà Yến, hiện nay các trường mầm non, tiểu học ở miền núi đã dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày trẻ em có 8 tiếng ở trường. Vì vậy, Nhà nước nên đầu tư các khu vui chơi tại các trường học. Tại đây sẽ có nhà trường quản lý, các giáo viên, tổng phụ trách đội sẽ là người tổ chức hướng dẫn các em vui chơi.


Đức Bình