12:02, 24/02/2014

Công tác giảm nghèo: Còn nhiều thách thức

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện giảm nghèo vẫn còn không ít khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ.

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện giảm nghèo vẫn còn không ít khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ.


Kết quả đáng ghi nhận


Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Chiến (thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) làm nghề đan giỏ cần xé, đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả. Ông Chiến cho biết: “Gia đình có 7 nhân khẩu. Trước đây, cuộc sống của gia đình gặp không ít khó khăn, đất canh tác ít, nghề nghiệp không ổn định. Để mưu sinh, tôi phải đi làm thuê đủ thứ nghề nhưng vẫn bấp bênh. Nhờ xã cho vay vốn hơn 20 triệu đồng, tôi đầu tư đan giỏ cần xé”. Hiện nay, mỗi ngày, gia đình ông Chiến đan được từ 60 đến 80 giỏ cần xé, thu nhập từ 150.000 đến 200.000 đồng. Cuộc sống khá hơn, ông tạo mọi điều kiện cho các con ăn học.

 

1
Dạy nghề may công nghiệp cho người nghèo tại Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa.


Trên địa bàn huyện Cam Lâm, từ năm 2008 đến nay đã có gần 50.000 hộ nghèo được địa phương cho vay gần 400 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Theo ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, thực hiện công tác giảm nghèo, ngoài cho vay vốn làm ăn, huyện còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, hỗ trợ đất sản xuất, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ chi phí học tập, xây nhà ở... cho các hộ nghèo. Những nguồn hỗ trợ này đã giúp hơn 2.700 hộ nghèo của huyện Cam Lâm vươn lên thoát nghèo.


Ở huyện Khánh Vĩnh, từ năm 2005 đến nay, các chính sách giảm nghèo cũng đã giúp hơn 3.600 hộ thoát nghèo. Ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Có được kết quả đó là do địa phương đã tích cực vận động người dân mạnh dạn vay vốn phát triển các mô hình kinh tế; đồng thời phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề, các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người dân. Ngoài ra, huyện còn triển khai hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, xây nhà ở, tiền điện... tạo động lực cho các hộ nghèo vươn lên”.


Theo ông Nguyễn Hữu Thấu, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh có hơn 30.000 hộ thoát nghèo. Tỉnh luôn coi công tác giảm nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng. Điều đó được thể hiện qua việc Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các địa phương không ngừng bổ sung, hoàn thiện và ban hành kịp thời những chính sách về xóa đói giảm nghèo phù hợp với từng thời kỳ phát triển...


Vẫn còn bất cập

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 11.790 hộ nghèo, 58.523 hộ cận nghèo. Trong đó, TP. Nha Trang có 1.429 hộ nghèo và 5.488 hộ cận nghèo; TP. Cam Ranh 969 hộ nghèo và 4.864 hộ cận nghèo; thị xã Ninh Hòa 2.143 hộ nghèo và 4.870 hộ cận nghèo; huyện Vạn Ninh 1.946 hộ nghèo và 3.948 hộ cận nghèo; huyện Diên Khánh 940 hộ nghèo và 2.586 hộ cận nghèo; huyện Khánh Vĩnh 1.587 hộ nghèo và 1.734 hộ cận nghèo; huyện Khánh Sơn 1.205 hộ nghèo và 1.141 hộ cận nghèo; huyện Cam Lâm 1.571 hộ nghèo và 4.342 hộ cận nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập do một số công trình đầu tư đem lại hiệu quả thấp, cơ cấu đầu tư thiếu đồng bộ. Trong khi đó, giáo dục và y tế ở miền núi chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là xây dựng, nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực tại chỗ. Việc lồng ghép các chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, một số chính sách chưa thực sự phù hợp với thực tiễn địa phương. Ông Mấu Văn Phi nói: “Hiện nay, có một thực trạng ở huyện Khánh Vĩnh là nhiều người nghèo không muốn thoát nghèo mà chờ được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc bóc tách đất lâm nghiệp giao cho hộ nghèo chưa nghiên cứu đến vấn đề đất đó có trồng trọt được hay không...”.

 
Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết, do công tác tuyên truyền chưa sâu sát đến từng người nghèo nên nhận thức của họ còn thấp. Phần lớn họ không nắm bắt được kỹ thuật sản xuất, chi tiêu; phân bổ đồng vốn không hợp lý, kém hiệu quả. Không ít gia đình được vay tiền với lãi suất ưu đãi, nhưng không biết sử dụng vào sản xuất, kinh doanh nên cuối cùng vẫn không thoát được nghèo...


Cần cơ chế ràng buộc


Ông Tào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói: “Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, trước tiên cần tách riêng những người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội (người tàn tật, người già yếu) và người nghèo còn khả năng lao động. Từ đó, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm theo hướng cầm tay chỉ việc cho những hộ nghèo để họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, cần có chế tài ràng buộc và quản lý chặt chẽ trong việc tách hộ để tránh tình trạng “chạy” chính sách; tăng cường vốn vay đối với những mô hình phát triển kinh tế có tiềm năng của người nghèo để họ đầu tư, mở rộng quy mô”. Còn theo ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, đối với những hộ nghèo chây lười lao động, trông chờ, ỷ lại thì các cấp, ngành, địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức; đồng thời có cơ chế ràng buộc trong quá trình thụ hưởng các chế độ hỗ trợ thoát nghèo. Bên cạnh đó, cần phân biệt hộ nghèo ở miền núi, hộ nghèo ở đồng bằng để có những chính sách, giải pháp giảm nghèo cho từng vùng. Ngoài ra, tỉnh phải kiến nghị với Trung ương đưa 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh vào diện được hưởng những chính sách phát triển kinh tế - xã hội giống như các tỉnh Tây Nguyên. Bởi vì, đây là 2 địa phương dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và có tầm ảnh hưởng lớn về an ninh, quốc phòng...


Mặt khác, các cấp, ngành, địa cần thực hiện và phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: chính sách văn hóa, y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi; tập trung hỗ trợ về sinh kế cho hộ nghèo thông qua trợ giúp các điều kiện và dịch vụ sản xuất, đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Đặc biệt, toàn hệ thống chính trị cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận cao của người dân trong việc chống đói nghèo để mỗi người dân đều có ý thức vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.


VĂN GIANG