Thời gian qua, công tác dồn điền đổi thửa đã và đang được nhiều địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện, triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương gặp không ít khó khăn…
Thời gian qua, công tác dồn điền đổi thửa đã và đang được nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa tích cực thực hiện, triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương gặp không ít khó khăn…
Cam Lâm là huyện thực hiện dồn điền đổi thửa đầu tiên trên địa bàn tỉnh từ năm 2008, với những hiệu quả khả quan. Huyện Cam Lâm đã vận động 658 hộ sinh sống tại 7 xã tham gia dồn điền đổi thửa 1.575 thửa đất. Kết quả sau dồn điền đổi thửa, chỉ còn lại 644 thửa đất, giảm 931 thửa đất. Qua đó đã tạo điều kiện cho các hộ dân ở 3 xã: Cam An Bắc, Cam An Nam và Cam Hiệp Nam trồng chuyên canh cây mía. Các hộ dân ở 4 xã còn lại, gồm: Cam Thành Bắc, Cam Hòa, Suối Cát và Suối Tân sản xuất lúa chất lượng cao.
Trong quá trình dồn điền đổi thửa, huyện Cam Lâm kết hợp chỉnh trang đồng ruộng khi lồng ghép các nguồn vốn trên 16,2 tỷ đồng để làm 43 tuyến đường giao thông nội đồng dài hơn 9,5km, 28 tuyến kênh dài trên 2,1km... tạo thuận lợi cho nông dân vận chuyển nông sản, tưới, tiêu nước và đưa máy móc vào sản xuất. UBND huyện Cam Lâm cho biết: Trên diện tích đất sản xuất sau khi dồn điền đổi thửa, xây dựng hạ tầng, giao thông năng suất mía đạt 70 tấn/ha, tăng 10 tấn/ha; năng suất lúa đạt hơn 70 tạ/ha, tăng 12 tạ/ha; tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất trên 98%; thu hoạch lúa bằng máy gặt đập chiếm trên 80%...
Cánh đồng sau dồn điền đổi thửa ở xã Ninh Đông. |
Theo lãnh đạo nhiều địa phương, việc dồn điền đổi thửa cần căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi vùng miền. Huyện miền núi Khánh Sơn không thực hiện dồn điển đổi thửa vì vùng miền núi đất sản xuất manh mún, địa hình không thuận lợi. Ở vùng đồng bằng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong dồn điền đổi thửa; đồng thời huy động thêm nguồn lực trong dân để thực hiện chỉnh trang đồng ruộng...
Ở thị xã Ninh Hòa, công tác dồn điền đổi thửa còn nhiều khó khăn. Điển hình như dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất rau an toàn tại xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa được UBND tỉnh phê duyệt ngày 11-11-2010. Dự án có kinh phí 11,5 tỷ đồng, đầu tư xây dựng trong hai năm 2011 - 2012, thực hiện dồn điền đổi thửa trên quy mô 12,87ha với 47 hộ dân góp đất tham gia. Đến cuối năm 2012, dự án đã hoàn thành việc thi công. Sau đó, UBND xã Ninh Đông giao lại diện tích đất nằm trong dự án cho các hộ dân sản xuất rau an toàn. Thế nhưng, kể từ khi được giao lại đất người dân lại không sản xuất. Theo các hộ dân, không sản xuất được rau an toàn trong vùng dự án là do thiếu lao động; không có đủ kinh phí để mua phân bón, giống rau màu; đầu ra cho nông sản không có và khiếu nại về chuyện đền bù. Mặc dù đã được UBND thị xã Ninh Hòa giải thích cặn kẽ và đã được hỗ trợ kỹ thuật, giống rau... để sản xuất, đến nay, UBND xã Ninh Đông mới chỉ vận động được 5 hộ dân tham gia dự án cho thuê lại đất; đồng thời ký hợp đồng cho thuê lại 6,2ha đất do xã quản lý.
Được biết, từ nay đến năm 2015, tỉnh thực hiện dồn điền đổi thửa kết hợp với chỉnh trang đồng ruộng gần 197ha; trong đó các huyện: Vạn Ninh trên 13ha, Diên Khánh 56ha, Khánh Vĩnh 70ha... Tổng kinh phí thực hiện dồn điền đổi thửa kết hợp với chỉnh trang đồng ruộng gần 65 tỷ đồng; trong đó người dân đóng góp trên 4,8 tỷ đồng. Từ kinh nghiệm và những khó khăn của các địa phương trên trong công tác dồn điền đổi thửa, có thể thấy muốn thành công trong lĩnh vực này cần phải làm cho người nông dân hiểu lợi ích, nắm bắt được kỹ thuật, quy trình sản xuất mới; đồng thời cần hoàn thiện hạ tầng, hỗ trợ giống, phân bón, đầu ra nông sản... khi tiến hành sản xuất trên quy mô lớn.
Theo ông Lê Đức Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, mục đích cuối cùng của việc dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn là để cho người nông dân thấy rằng, khi sản xuất tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất sẽ cho năng suất, giá trị cao hơn nhiều.
Tràng Giang