09:02, 24/02/2014

Công nhân và nỗi lo ở trọ

Khánh Hòa hiện có 3 khu công nghiệp, thu hút gần 100 doanh nghiệp với hơn 20.000 công nhân lao động. Thế nhưng, vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức và cũng chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này...

Khánh Hòa hiện có 3 khu công nghiệp (KCN), thu hút gần 100 doanh nghiệp (DN) với hơn 20.000 công nhân lao động (CNLĐ). Thế nhưng, vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân (CN) trong KCN chưa được quan tâm đúng mức và cũng chưa có đơn vị, DN nào mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này...


Điều kiện sống tạm bợ, mất an ninh


Hiện nay, ở các khu dân cư gần KCN Suối Dầu như: Đồng Lau, Dầu Sơn (xã Suối Tân)... CN ở trọ khá đông. Vừa trở về phòng trọ sau buổi tăng ca tối, chị Phạm Thị Thanh Ngọc với vẻ mặt mệt nhọc trần tình: “Mỗi lần tan ca đêm, rời khỏi KCN, chúng tôi cứ nơm nớp lo sợ bọn côn đồ đón đường xin đểu, cướp giật. Chưa kể còn bị những đối tượng xã hội đen hăm dọa, quậy phá nhà trọ...”. Khu nhà trọ ông C. - nơi chị Ngọc thuê trọ có 20 phòng, mỗi phòng rộng chừng 10m2, có khoảng 80 CN ở trọ. Thỉnh thoảng, những đối tượng xấu lại đến “làm tiền” khiến ông chủ trọ phải bấm bụng cho bọn chúng mỗi lần vài trăm ngàn đồng để được yên.


Hàng chục CN ở KCN Suối Dầu, huyện Cam Lâm đến giờ vẫn chưa quên chuyện họ bị một băng nhóm xã hội đen quấy rối, hăm dọa... hồi tháng 11 năm ngoái. Chị Võ Thị Phượng, CN Công ty Fujura Nha Trang, nói: “Giá như có nơi ở trong KCN, được bảo vệ hẳn hoi thì chúng tôi mới yên tâm làm việc. Ở đây, nhiều gia đình CN phải bồng bế con nhỏ đi ở trọ nơi khác, nếu không sẽ bị chúng đón đường đánh. Tôi đã 3 lần bị chúng dọa... cắt cổ. Sợ lắm nhưng biết làm sao được...”. Ông V.C.D - một chủ cho thuê phòng trọ cho biết, có thể đó là “chiêu” cạnh tranh không lành mạnh của một vài ông chủ phòng trọ tại KCN Suối Dầu, khi thuê các đối tượng xã hội đen đi hù dọa CN để họ chuyển chỗ trọ.

 

Công nhân không dám ở tại Khu chung cư nằm ngoài Khu Công nghiệp Suối Dầu  vì mất an ninh.
Công nhân không dám ở tại Khu chung cư nằm ngoài Khu Công nghiệp Suối Dầu vì mất an ninh.


Ông Nguyễn Công Trường - Trưởng Công an xã Suối Tân thừa nhận, tệ nạn xã hội ở các phòng trọ trong khu dân cư trên địa bàn rất phức tạp. Nhiều đối tượng tội phạm thường xuyên nhắm đến CN để vòi vĩnh, hoặc cướp giật kiếm tiền bất chính. Nhờ địa phương quyết liệt phòng, chống các tệ nạn xã hội nên hiện tình hình an ninh ở các khu trọ đã ổn định hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn xảy ra mất trộm, gây rối, CN ở trọ ẩu đả... Mới đây, Công an địa phương đã bắt Nguyễn Xuân Hùng (Hùng ruồi) - đối tượng tiêm chích ma túy và cướp giật tài sản của CN ở trọ.

 

Ông Lê Xuân Hải - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, ngoài các hoạt động chăm lo đến đời sống đoàn viên và NLĐ, LĐLĐ tỉnh đã và đang đề xuất tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các hộ cho thuê nhà về điện, nước... nhằm giảm giá thuê phòng cho CNLĐ; xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ CN tại các KCN. LĐLĐ tỉnh giao cho Công đoàn các KCN-KKT tiến hành khảo sát nhu cầu nhà ở của CNLĐ, qua đó xây dựng đề án để kêu gọi đầu tư nhà ở trọ cho CN,...

KCN Suối Dầu ở huyện Cam Lâm nằm cách xa trung tâm TP. Nha Trang nên việc ăn ở của CN càng thêm khó khăn. Ông Nguyễn Công Trường - Trưởng Công an xã Suối Tân cho hay, thời cao điểm có đến 102 cơ sở lưu trú với hơn 700 phòng trọ (bình quân mỗi phòng có 2 - 4 CN ở) trong khu dân cư ở xung quanh KCN Suối Dầu. Tuy nhiên, điều đáng nói là phòng trọ diện tích nhỏ hẹp, chất lượng ăn ở, sinh hoạt rất kém. Theo ông Đỗ Vũ Tuấn - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Komega-X, có đến 10% trong tổng số 1.280 CN của Công ty không có nơi ở, phải đi thuê nhà ở tạm bợ. Các khu nhà trọ không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của CNLĐ.


Hồ Tấn Vương, quê ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh tâm sự: “Tiền lương của tôi chỉ được 2,5 triệu đồng/tháng, trong lúc tiền thuê một phòng trọ ít nhất phải 500.000 đồng/tháng, đó là chưa kể tiền điện, nước. Để giảm tối đa chi phí, chúng tôi thường rủ nhau ở chung 2-3 người. Hiện nay, tìm được chỗ trọ giá rẻ và an toàn rất khó khăn, thậm chí có nhà trọ không có nơi phơi phóng đồ đạc, còn giá cả thường xuyên bị o ép ở mức cao”.


Bà Cao Thị Minh Tự - Chủ tịch Công đoàn Công ty Rapexco - cho biết, có khoảng 10 - 15% trong tổng số hơn 1.200 CNLĐ của Công ty đi thuê nhà ở xung quanh KCN. Đấy là chưa kể hơn 700 CNLĐ ở xa. Hàng ngày, Công ty phải dùng 10 xe đưa đón công nhân ở Đồng Đế, ngã ba Thành... “Nếu như có nơi ăn chốn ở tập thể tại KCN thì đời sống của CNLĐ được cải thiện ổn định hơn, và gắn bó với các DN để làm việc lâu dài hơn” - bà Tự khẳng định.


Chưa “mặn mà” xây dựng nhà ở trong Khu công nghiệp


Nhu cầu nhà ở của CNLĐ ở các KCN rất bức thiết, nhưng lâu nay các cấp, ngành chưa thật sự quan tâm đến đời sống của CNLĐ. Ở gần KCN Suối Dầu, cơ sở nhà ở của Công ty Phát triển nhà Khánh Hòa (đã giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cam Lâm quản lý - PV), với 40 phòng được cải tạo thành chung cư tiện nghi, thoáng rộng để cho CN thuê ở. Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Châu - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cam Lâm, hiện chỉ có 15 hộ CN thuê ở với giá 400.000 đồng/phòng. Chị Phạm Thị Thanh Ngọc chia sẻ, CN trẻ không dám ở khu chung cư này vì không ai trực tiếp quản lý, ở xa khu dân cư, thường xảy ra tình trạng mất cắp... Ông Huỳnh Công Pháp - Quản đốc Công ty Rapexco ở Suối Dầu bức xúc: “Tại sao chính quyền địa phương không tính đến chuyện xây dựng nhà ở xã hội cho CN, không hình thành chợ CN, không có hội trường văn hóa phục vụ cho CN trong KCN?”.


Thực tế, chỗ ở luôn là nỗi lo ám ảnh của CN trong các KCN. Thực trạng “nhảy việc” do thu nhập thấp và không ổn định về chỗ ở, không “an cư lạc nghiệp” dẫn tới DN thiếu lao động, CN mất việc làm đang diễn ra phổ biến ở các KCN trong tỉnh. Theo bà Nguyễn Thị Biên - Chủ tịch Công đoàn các KCN và Khu kinh tế thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, để giải quyết chỗ ở cho CNLĐ tại các KCN, từ năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP và Quyết định 66/2009/TTg áp dụng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi nhằm động viên mọi nguồn lực tham gia phát triển nhà ở cho CN như: các chủ đầu tư dự án cho đối tượng này được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập DN với mức cao nhất; được vay vốn ưu đãi của Chính phủ... Tuy nhiên, đến nay chưa có đơn vị, DN nghiệp nào ở Khánh Hòa “mặn mà” chung tay đầu tư vào lĩnh vực này!


Lưu Phong