10:02, 27/02/2014

Chủ động tuyên truyền duy trì mức sinh hợp lý

Năm 2014, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt là duy trì mức sinh hợp lý và mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh.

Năm 2014, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động nâng cao chất lượng DS, đặc biệt là duy trì mức sinh hợp lý và mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh.


Linh động trong công tác tuyên truyền


Năm 2014, các hoạt động truyền thông - giáo dục về DS-KHHGĐ tiếp tục tập trung vào các nội dung nâng cao chất lượng DS, phát huy lợi thế cơ cấu DS vàng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng, xã hội hóa các phương tiện tránh thai và các dịch vụ nâng cao chất lượng DS. Đặc biệt là duy trì mức sinh hợp lý và kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh.


Theo số liệu của Tổng cục DS-KHHGĐ, tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở Việt Nam hiện là 2,05 con. Chỉ số sinh con hiện chưa bằng 1/3 so với nửa thế kỷ trước. Với mức sinh này, Việt Nam sẽ đạt quy mô DS cực đại vào năm 2050 với khoảng 110 triệu dân. Lúc đó DS già trên 65 tuổi chiếm khoảng 18%. Đây là cơ cấu DS hợp lý, bảo đảm hài hòa giữa các lứa tuổi và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Khánh Hòa là một trong những tỉnh có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế với 1,93 con/phụ nữ. Vì vậy, theo bà Huỳnh Thị Hiên - Quyền Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, để duy trì mức sinh hợp lý thì công tác tuyên truyền cho người dân cần linh động, tùy vào mỗi địa phương mà có nội dung tuyên truyền phù hợp. Đối với các địa phương chưa đạt mức sinh thay thế, sẽ tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của KHHGĐ, các biện pháp tránh thai, chính sách dừng sinh ở 2 con. Đối với những địa phương đã đạt mức sinh thay thế, sẽ tập trung truyền thông các chương trình nâng cao chất lượng DS. Đối với các địa phương đã ở dưới mức sinh thay thế, phải chuyển đổi thông điệp từ “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 đến 2 con” sang thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên có 2 con” nhằm duy trì mức sinh hợp lý. “Ở TP. Nha Trang hiện đã có nhiều gia đình trẻ dừng sinh ở 1 con. Vì vậy Chi cục sẽ chủ động tuyên truyền về mức sinh hợp lý ngay từ bây giờ đối với các địa phương có mức sinh thấp” - bà Hiên nói.


Mặt khác, ở Khánh Hòa, tỷ lệ giới tính khi sinh là 108,6%, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tại một số địa phương có xu hướng gia tăng như: Vạn Ninh 122%, Diên Khánh 120,6%, thị xã Ninh Hòa 113,3%. Vì thế, tuyên truyền giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cũng là vấn đề ngành DS Khánh Hòa rất quan tâm.


Tuyên truyền lồng ghép


Năm 2014, kinh phí truyền thông bị cắt giảm hơn 1/3 so với những năm trước. Để công tác truyền thông không bị ảnh hưởng, Chi cục DS-KHHGĐ đã hướng dẫn và chỉ đạo Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu đề xuất với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đầu tư nguồn lực, bổ sung kinh phí để duy trì tốt các hoạt động truyền thông - giáo dục tại địa phương. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể lồng ghép tốt chương trình tuyên truyền về DS-KHHGĐ với các hoạt động khác của địa phương.


Bên cạnh đó, Chi cục sẽ ký kết hợp đồng trách nhiệm với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa trong các trường phổ thông. Cụ thể, tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm cung cấp kiến thức cơ bản liên quan đến kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiền hôn nhân, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh... Ngoài ra, Chi cục tiếp tục phối hợp với Trường Chính trị tỉnh đưa các vấn đề trọng tâm của công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015 vào nội dung các bài giảng theo tài liệu mẫu Trung ương đã cung cấp. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch lồng ghép nội dung tuyên truyền cần thiết về DS-KHHGĐ vào các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng của nhà trường dành cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ tỉnh xuống cơ sở...


“Với kinh phí tuyên truyền ngày một giảm, bên cạnh chỉ đạo các địa phương phối hợp hỗ trợ nguồn lực, tỉnh cần tạo cơ chế xã hội hóa các chương trình, dịch vụ DS-KHHGĐ thì ngành DS mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao” - bà Hiên chia sẻ.


LƯU KHÁNH - KHÁNH HÀ