11:02, 28/02/2014

Căng sức chống cúm gia cầm

Những ngày này, dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ lan rộng. Trong khi các lực lượng phòng, chống dịch lại đang tất bật, thì một bộ phận người dân và chính quyền cơ sở vẫn chủ quan, lơ là.

Những ngày này, dịch cúm gia cầm (GC) đang có nguy cơ lan rộng. Trong khi các lực lượng phòng, chống dịch lại đang tất bật, thì một bộ phận người dân và chính quyền cơ sở vẫn chủ quan, lơ là.


Vất vả


Hôm chứng kiến cảnh tiêu hủy GC tại thôn Gia Mỹ (xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), chúng tôi mới thấy cường độ làm việc căng thẳng của các cán bộ trong đoàn công tác tiêu hủy GC bị bệnh. Nét phờ phạc hiện rõ trên gương mặt ông Lê Phú - thành viên tổ công tác phòng, chống dịch của thị xã. Ông Phú chia sẻ: “Trước và sau Tết, hầu như ngày nào chúng tôi cũng tất bật với công tác phòng, chống dịch, từ vận động người dân, tiêu hủy GC đến soạn thảo văn bản tham mưu cho lãnh đạo...”. Thị xã Ninh Hòa là địa phương xuất hiện ổ dịch cúm GC đầu tiên và đến nay đã lan rộng ra 18 thôn, 13 xã, phường, vì vậy công tác phòng, chống dịch đã được chính quyền địa phương quan tâm đặc biệt.


Ông Nguyễn Ân - Trưởng Trạm Thú y Ninh Hòa, vừa tiếp nhận công việc được 3 tháng đã “đụng” ngay dịch cúm GC. Với diện tích rộng, địa hình phức tạp, bệnh dịch đang thử sức người trạm trưởng mới. “Việc xử lý tình huống dịch bệnh “căng” như đàn lên dây. Cũng may nhờ có lực lượng thú y đều tay, có kinh nghiệm phòng, chống dịch, nếu không sẽ rất khó xoay xở...”, ông Ân tâm sự.  


Còn tại huyện Diên Khánh, theo ông Nguyễn Xuân Tân - Trưởng Trạm Thú y Diên Khánh, đến nay huyện đã triển khai rất nhiều biện pháp phòng, chống dịch như: thống kê đàn GC, giám sát lưu hành vi rút, tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác, thực hiện “3 không” (không ăn GC bị bệnh, không vứt xác GC bệnh, chết, không bán tháo GC bệnh), tổ chức tiêm phòng vắc xin chống cúm GC. Toàn huyện đã tiêm xong 118.000 liều vắc xin cúm GC... Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch gia súc, GC tỉnh, ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm bày tỏ quan ngại về tình trạng xe chở vịt trên Quốc lộ 1A làm phát tán lông vịt ra môi trường có thể lây lan dịch cúm...  

 

Tiêu hủy gia cầm chết tại Ninh Lộc, Ninh Hòa.
Tiêu hủy gia cầm chết tại Ninh Lộc, Ninh Hòa.


Vẫn còn chủ quan


8 giờ sáng ngày 25-2-2014, chúng tôi có mặt tại 2 chốt kiểm dịch thôn Vạn Thuận và Phú Hữu (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) nhưng không thấy bóng dáng lực lượng “cắm chốt”. Đợi một lúc lâu mới thấy ông Phạm Xa - công an viên thôn Phú Hữu - người được phân công trực gác xuất hiện. Ông Võ Đình Long - Phó Ban trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã Ninh Ích cho biết: “Xã đã tổ chức cắm chốt tại 2 thôn có dịch, phân công mỗi chốt một công an viên, sáng nay đồng chí phó công an đi dự tập huấn, chắc công an viên đi ăn sáng chưa về (?)”.


Tại tổ dân phố Thanh Châu (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) tình trạng cũng tương tự. Không thấy bóng dáng lực lượng trực canh, chỉ thấy giấy thông báo vùng có dịch dán hờ hững trên cột cổng làng. Một số người dân trong khu vực cho biết, không thấy ai trực gác, trong khi các phương tiện xe tải, xe máy vẫn ra vào bình thường. Đem chuyện này hỏi ông Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch UBND phường Ninh Giang, ông Thanh vô tư: “GC bệnh đã tiêu hủy; đã tiến hành tiêu độc, khử trùng; tiêm phòng đã xong, các điểm mua bán trên Quốc lộ đã dẹp, đã dán thông báo vùng có dịch thì còn “cắt” người trực gác làm gì?”.  

 

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc GC tỉnh, đồng chí Lê Đức Vinh  - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các địa phương cần dành thời gian bố trí cán bộ các ngành, đoàn thể, huy động lực lượng cùng chống dịch với ngành Thú y, Y tế, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ sở phải kiên quyết hơn trong vấn đề phòng, chống dịch. “Người dân ồ ạt tái đàn nhưng Ban chỉ đạo các cấp không có biện pháp xử lý kiên quyết khiến tình hình thêm căng thẳng. Có thể đặt vấn đề thương lượng với chủ trại vịt, hỗ trợ một phần kinh phí để họ không đưa vịt về...”, đồng chí Lê Đức Vinh chỉ rõ.

Tiếp xúc với một số chủ nuôi vịt tại Ninh Hòa mới thấy, nhận thức của người chăn nuôi về dịch cúm GC còn mơ hồ. Hộ ông Trần Minh Khoa là nơi xuất phát ổ dịch cúm GC đầu tiên tại Khánh Hòa. Nhưng sau khi tiêu hủy đàn vịt hàng ngàn con, ông Khoa lập tức tái đàn và được thú y yêu cầu di dời về cuối nguồn nước tại thôn Vạn Thuận, xã Ninh Ích. Khi được hỏi về tác hại của cúm GC, ông Khoa vô tư trả lời không biết. “Đàn vịt này đã đặt cọc trước cho chủ cơ sở, không thể hồi được. Hiện chúng ăn rất khỏe, mỗi ngày tốn hết 5 triệu tiền cám thực phẩm, tôi đang nôn vụ lúa mau tới để giảm bớt chi phí thức ăn...”, ông Khoa chỉ tay về bầy vịt phân bua. Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã Ninh Ích, hiện tượng tái đàn đã được kìm hãm nhưng chưa thể chấm dứt, một số hộ dân vẫn còn lén lút tái đàn. Mới đây, ông Phạm Nhuộm (thôn Vạn Thuận) tiếp tục đưa về 1.500 con vịt nhưng sau khi tiêm vắc xin chống cúm GC, đàn vịt đã nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy.


Trong vai khách hàng đến đặt ấp vịt chuẩn bị cho vụ lúa mới, chúng tôi tiếp cận một cơ sở ấp vịt khá lớn trên Quốc lộ IA thuộc địa bàn phường Ninh Giang. Người thanh niên trẻ là chủ cơ sở vừa sửa soạn các ổ trứng trên nền nhà vừa trò chuyện với khách. Thấy tôi băn khoăn chuyện dịch cúm GC đang hoành hành, người thanh niên vội trấn an: “Ở đây, vịt giống lấy của Công ty CP có kiểm dịch đàng hoàng nên anh khỏi lo, bao nhiêu cũng có nhưng phải báo trước một thời gian. Hiện có rất nhiều người đặt hàng tại đây. Đây là thời điểm tái đàn tốt nhất bởi hết dịch giá sẽ tăng...”. Trong bối cảnh cúm GC lan rộng, việc ngăn chặn các cơ sở cung cấp vịt giống cho người dân tái đàn là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, phần lớn các ổ dịch xuất hiện từ đàn thủy cầm nhưng việc tái đàn vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.


Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng, chống dịch là tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ tác hại của dịch, phối hợp cùng các lực lượng triển khai phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vấn đề này các địa phương làm chưa tốt. Một số nơi vẫn còn tình trạng vứt xác GC bừa bãi khiến cho dịch dễ lây lan, sức mua bán, tiêu thụ ngoài vùng dịch giảm sút, ảnh hưởng đến đời sống của người chăn nuôi...


Vĩnh Lạc