10:01, 09/01/2014

Nhiều đơn vị vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải

Đoàn Liên ngành của tỉnh Khánh Hòa vừa hoàn thành đợt tổng kiểm tra các đơn vị vận tải về việc thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông  đường bộ và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh...

Đoàn Liên ngành của tỉnh Khánh Hòa vừa hoàn thành đợt tổng kiểm tra các đơn vị vận tải (ĐVVT) về việc thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô tô trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) xung quanh vấn đề này. 

 


 
 
- Ông có thể cho biết sơ lược kết quả kiểm tra của đoàn?
 
 
- Trên địa bàn tỉnh hiện có 123 đơn vị KDVT; trong đó Thanh tra Bộ GTVT kiểm tra 5 đơn vị, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra 110/118 đơn vị. Quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện 11 đơn vị không còn hoạt động theo địa chỉ đã đăng ký kinh doanh và có 18 đơn vị báo cáo xin ngưng hoạt động, nộp lại giấy phép KDVT. 
 
 
Đối với việc thực hiện các quy định về bảo đảm TTATGT đường bộ, hầu hết các ĐVVT chưa triển khai hoặc chỉ triển khai mang tính hình thức. Chưa chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để tuyên truyền về công tác ATGT, việc thực hiện ký cam kết giữa ĐVVT và lái xe ít có đơn vị thực hiện… 
 
 
Đối với quy định và điều kiện KDVT bằng ô tô, qua kiểm tra đoàn phát hiện 5 công ty TNHH không có giấy phép KDVT hợp lệ gồm: Tâm Hạnh, Hà Phương, Việt Nhật, Phương Nam và Tân Hoàng Long. Riêng mô hình Hợp tác xã (HTX), 100% đều có giấy cam kết giữa xã viên và HTX, nội dung cam kết thể hiện xã viên ủy quyền toàn bộ phương tiện của mình cho HTX sử dụng, quản lý, nhưng trên thực tế các chủ xe vẫn là người hoàn toàn làm chủ phương tiện…
 
 
 
Đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT), hầu hết các đơn vị thuộc diện phải lắp đặt đều chấp hành tốt. Tuy nhiên, việc sử dụng dữ liệu thông tin của TBGSHT phục vụ công tác quản lý vận tải ít được đơn vị quan tâm. Một số phương tiện còn vi phạm các lỗi như: Không trích xuất được thông tin lái xe, không thể hiện được thời gian lái xe liên tục, không có bảng cú pháp trên xe, lắp đặt TBGSHT không đúng vị trí quy định… Một số đơn vị chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và phương án kinh doanh như: Công ty TNHH T&N có 18 lái xe/18 xe hoạt động tuyến đường dài; HTX taxi Nha Trang, 23 lái xe/14 xe; Công ty Cổ phần Á Châu có 101 xe nhưng chỉ có 169 lái xe, thực hiện thay ca 24 giờ. Như vậy có một số lái xe thực hiện liên tục 2 ca làm việc 48 giờ… Phổ biến nhất là tình trạng ký hợp đồng với người lao động dưới 3 tháng để không phải đóng bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, theo quy định phải ký hợp đồng có thời hạn trên 1 năm đối với lao động làm việc ổn định, thường xuyên. Và các sai phạm khác như: Hợp đồng lao động không đúng nội dung, hình thức, trả lương không đúng mức tiền lương cho người lao động, không có chế độ cho người lao động cao tuổi, không thực hiện khai trình sử dụng lao động, không xây dựng thang bảng lương… cũng khá phổ biến. Chỉ có 4/42 đơn vị có thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho lái xe; hầu hết các ĐVVT không xuất trình được hồ sơ tài liệu chứng minh thời gian làm việc của lái xe, các sổ theo dõi chỉ ghi chép chung chung…
 
 
 
- Đối với những sai phạm trên, đoàn đã đề nghị xử lý như thế nào, thưa ông?
 
 
 
- Đoàn đề nghị Thanh tra Sở GTVT xử phạt hành vi không đảm bảo điều kiện KDVT theo hình thức kinh doanh đã đăng ký đối với 16 đơn vị gồm: HTX Trầm Hương, HTX Taxi Thành Hưng, Công ty TNHH Nhật Nam, HTX Vận tải Trường Nguyên, Công ty TNHH Du lịch lữ hành Trà Lan Viên, Công ty TNHH Sơn Hùng, Công ty TNHH Thành Thành, Công ty TNHH Vĩnh Tuấn… Ngoài ra, đề nghị xử phạt 5 đơn vị về hành vi không bố trí đủ lái xe, người phục vụ trên xe theo phương án kinh doanh; xử phạt 6 đơn vị về hành vi không trích xuất được dữ liệu TBGSHT…
 
 
Bên cạnh đó, đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý vi phạm về việc ký kết hợp đồng lao động chưa đúng quy định, chưa thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động theo quy định đối với 21 ĐVVT. Có 3 đơn vị bị đề nghị ngừng hoạt động gồm: Công ty TNHH Nhị Phi, Công ty TNHH Việt Nhật, Công ty TNHH Tâm Hạnh. Sở GTVT thu hồi giấy phép KDVT và phù hiệu một số HTX vận tải và  công ty cổ phần gồm: Vận tải CGĐB Ninh Hòa; CGN Vạn Ninh; 1/5; Đoàn Kết; Trường Nguyên; Thành Hưng; Trầm Hương; HTX Vận tải Quyết Thắng và Công ty Cổ phần Điện máy…
 
 
 
- Để chấn chỉnh những hạn chế, Sở đã có giải pháp gì, thưa ông?
 
 
 
- Sở GTVT sẽ chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở xử lý nghiêm các vi phạm theo kết quả kiểm tra; đồng thời theo dõi, đôn đốc các đơn vị khắc phục thiếu sót. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép KDVT. 
 
 
 
Đối với mô hình HTX và một số doanh nghiệp KDVT bộc lộ nhiều nhược điểm, cần chuyển đổi hình thức quản lý tập trung. Bởi, số lượng các đơn vị hoạt động theo mô hình này trên địa bàn tỉnh hiện chiếm tỷ lệ không nhỏ, khoảng 40% phương tiện và sản lượng vận tải. Qua kiểm tra, đoàn nhận định tất cả các đơn vị đều có những sai phạm giống nhau trong công tác quản lý phương tiện, người lái. Do đó, để mô hình này hoạt động hiệu quả, Sở đã tổ chức họp với các đơn vị nhằm quán triệt các quy định về Luật Doanh nghiệp, Luật HTX và Nghị định của Chính phủ. Theo đó, các đơn vị thực hiện việc chuyển đổi theo đúng quy định trước ngày 31-12-2013 đối với hoạt động vận chuyển khách theo hợp đồng; trước ngày 31-3-2014 đối với tuyến cố định và taxi. 
 
 
 
- Sở có kiến nghị, đề xuất gì với Bộ GTVT, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, thưa ông? 
 
 
 
- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý triệt để vi phạm của các đơn vị theo kết quả kiểm tra của đoàn; tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền cho chủ doanh nghiệp vận tải về việc thực hiện các chính sách xã hội đối với người lao động. UBND tỉnh xem xét cho kéo dài lộ trình chuyển đổi đối với hoạt động xe vận chuyển hợp đồng đến 31-3-2014 như đối với xe chạy tuyến cố định.
 
 
 
Bộ GTVT cần quy định cụ thể về quy mô tối thiểu để thành lập doanh nghiệp KDVT. Đồng thời, nên có điều kiện về trình độ của người quản lý theo dõi công tác ATGT, kỹ thuật phương tiện và mở rộng hơn về trình độ của người điều hành vận tải. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý các đơn vị lắp đặt TBGSHT; có biện pháp chế tài cụ thể đối với hành vi không thực hiện theo dõi giám sát thường xuyên, không báo cáo đúng quy định. Cho phép các lực lượng chức năng kiểm tra, truy xuất dữ liệu thông tin từ TBGSHT để xử phạt nếu vi phạm các quy định về ATGT… Đối với hành vi lập bến trái phép, bán vé lẻ sai quy định cạnh tranh không lành mạnh với xe tuyến cố định của các doanh nghiệp KDVT khách theo hợp đồng, open tour, cần quy định các biện pháp chế tài cụ thể như: Thu hồi giấy phép KDVT, phù hiệu vận tải, không xét cấp phù hiệu vận tải. Cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với người lái xe như: Bắt buộc khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu… Đồng thời cần có các biện pháp chế tài xử lý.
 
 
 
- Xin cảm ơn ông!
 
 
 
KHÁNH HÀ (Thực hiện)