10 năm trước, nhờ điều kiện chăn thả thuận lợi, con bò được xem là vật nuôi giảm nghèo khá hiệu quả ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa).
10 năm trước, nhờ điều kiện chăn thả thuận lợi, con bò được xem là vật nuôi giảm nghèo khá hiệu quả ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Vì vậy, Chương trình kinh tế hộ, Dự án Hợp tác y tế Việt Nam - Hà Lan đã hỗ trợ hàng trăm con bò giống giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây phát triển kinh tế. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, đàn bò đã bị sụt giảm, chỉ còn 5.803 con, giảm 2.500 con so với năm 2008.
Đồng cỏ thu hẹp
Cách đây khoảng 10 năm, gia đình chị Võ Thị Thảo (thôn Đông, xã Sông Cầu) xem việc đầu tư chăn nuôi bò là nguồn thu nhập chính của gia đình. Lúc đó, vợ chồng chị Thảo đã gây dựng đàn bò hơn chục con. Ngày ấy, bò mẹ (bò nái) có giá 18 - 20 triệu đồng/con. Nhờ bò sinh sản tốt, mỗi năm, gia đình chị thu lãi vài chục triệu đồng từ tiền bán bò. Tuy nhiên, những năm sau này, bò trên thị trường giảm giá mạnh, mỗi con bò nái chỉ còn 13 triệu đồng... Cách đây 5 năm, vợ chồng chị Thảo đã bán hết đàn bò để lấy vốn chuyển sang trồng mía. “Giá bò rẻ, nuôi không có lãi nên phần lớn người dân đều bán để chuyển sang trồng mía. Giờ đây, người dân tận dụng từng tấc đất để trồng mía, trồng keo nên không còn đồng cỏ để chăn nuôi bò” - chị Thảo nói.
|
Do không có bãi cỏ nên anh Nguyễn Văn Thành phải chăn thả bò theo dọc đường đi. |
Còn nhớ, vài năm trước, cứ vào sáng sớm, đi ngang qua Tỉnh lộ 2 đoạn xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh), các phương tiện giao thông phải giảm ga để nhường cho những mục đồng lùa bò đi ăn cỏ. Bò rất nhiều, có khi cả trăm con. Con nào cũng to khỏe, da vàng láng bóng. Giờ đây, ở xã Sông Cầu, đi tìm cả ngày cũng chỉ gặp được lèo tèo vài con bò. Tôi gặp đàn bò 4 con của anh Nguyễn Văn Thành đang gặm cỏ ven đường. Anh Thành cho biết: “Bây giờ chăn bò khổ lắm, phải theo chúng từng bước, bởi hở ra là bò ăn mía, đạp gãy keo của người ta. Nhà tôi chỉ có 2 con bò, số còn lại là chăn rẽ cho hàng xóm, vì chăn ít quá cũng tốn công”.
Ông Trương Tấn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Bình cho biết, thống kê cuối năm 2013 cho thấy, đàn bò trong xã chỉ còn 534 con, giảm gần một nửa so với năm 2012... Theo ông Trần Phú Cường - cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nguyên nhân chính của việc đàn bò sút giảm là do đồng cỏ bị thu hẹp và giá bò giảm.
Cần duy trì đàn bò có chất lượng
Con bò từng là vật nuôi giảm nghèo, bởi việc nuôi bò khá đơn giản. Để phát triển đàn bò, giúp dân thoát nghèo, huyện Khánh Vĩnh đã tổ chức chuyển giao kỹ thuật nuôi bò, đẩy mạnh việc thụ tinh nhân tạo để nâng cao chất lượng, hỗ trợ con giống cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo... Những năm gần đây, tuy giá bò giảm, lại thường xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng... nhưng bò vẫn là vật nuôi có lãi. Ông Măng Biên (dân tộc Raglai, thôn Đá Bàn, xã Cầu Bà) đã thoát nghèo nhờ nuôi bò. Nhà ông Biên có 3ha vườn điều, mỗi năm thu hoạch 60 đến 70 triệu đồng. Khi nhiều người chặt điều để trồng keo, ông vẫn giữ lại vườn điều kết hợp làm nơi chăn nuôi bò. Từ 1 con bò giống của Dự án Hợp tác y tế Việt Nam - Hà Lan hỗ trợ, ông đã gây dựng đàn bò 14 con (gồm: 10 con ông tự nuôi, 4 con cho người khác nuôi rẽ). Ông Măng Biên nói: “Tôi đã thực hiện mô hình thâm canh cây điều kết hợp với nuôi bò. Tính ra, nuôi bò tuy không giàu nhưng thu nhập rất ổn định, chẳng phải nhọc công gì lắm”. Được biết, mỗi năm, ông bán 2 con bò, thu nhập hơn 30 triệu đồng. Tiền bán bò và hạt điều đã giúp ông thoát nghèo. Giờ đây, kinh tế của gia đình ông khá nhất vùng.
Giá bò trên thị trường đang có xu hướng tăng. Hiện nay, bò nái giống tốt có giá dao động từ 18 đến 20 triệu đồng, bò tơ hơn 1 năm tuổi vỗ béo giá khoảng 10 đến 13 triệu đồng. Tuy giá bò đã tăng trở lại nhưng vẫn chưa đủ sức hút với người dân, nhiều người vẫn đang dồn vốn để trồng keo. Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nếu biết chăm chút chuồng trại, chú ý vệ sinh phòng dịch..., việc nuôi bò vẫn có thể cho thu nhập khá, đưa nông dân thoát nghèo.
Ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hiện nay, huyện vẫn xác định con bò là vật nuôi chủ lực. Mới đây, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có rất nhiều người dân chọn mô hình đầu tư nuôi bò. Điều đó đã cho thấy, người dân đang muốn duy trì đàn bò có chất lượng”. Được biết, mới đây, đại diện Công ty Sữa Vinamilk đã đến Khánh Vĩnh để khảo sát về điều kiện phát triển đàn bò sữa...
KIM OANH